Nâng cao giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh bằng du lịch

Sản phẩm sâm Ngọc Linh không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là biểu tượng văn hóa, niềm tự hào của Nam Trà My. Việc bảo tồn loại sâm quý này kết hợp với phát triển du lịch đã và đang là định hướng trọng tâm của địa phương.

Huyện Nam Trà My (Quảng Nam) nằm dưới chân dãy Ngọc Linh hùng vĩ, vùng đất nổi tiếng với loại sâm quý - sâm Ngọc Linh, cùng tiềm năng du lịch đặc sắc. Với thiên nhiên trong lành, hệ sinh thái phong phú và văn hóa đa dạng của đồng bào dân tộc thiểu số, Nam Trà My đang có nhiều cơ hội phát triển du lịch gắn liền với bảo tồn và nâng cao giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh, được mệnh danh là “quốc bảo” .

Nam Trà My sở hữu khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình đồi núi cao xen lẫn thung lũng, cùng nhiều dòng sông suối tạo nên cảnh quan kỳ thú. Những điểm đến hấp dẫn như thác 5 tầng, suối Đôi, suối nước nóng, hay hệ thống sông Tranh thơ mộng thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ và trong lành. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng Ngọc Linh, với sự phong phú về động thực vật, không chỉ là lá phổi xanh mà còn là nguồn tài nguyên du lịch sinh thái quý giá.

Bên cạnh thiên nhiên, huyện Nam Trà My còn là nơi hội tụ của nhiều dân tộc thiểu số như Cadong, Xê Đăng, Mơ Nông, Cor... Văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số thể hiện đậm nét qua lễ hội sâm, lễ mừng lúa mới, cúng thần núi, hay tiếng cồng chiêng rộn ràng. Những phong tục độc đáo, ẩm thực đậm chất núi rừng đã trở thành tài sản văn hóa đặc sắc, mở ra cơ hội để phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với bảo tồn bản sắc.

Đặc biệt, sản phẩm sâm Ngọc Linh, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là biểu tượng văn hóa, niềm tự hào của Nam Trà My. Việc bảo tồn loại sâm quý này kết hợp với phát triển du lịch đã và đang là định hướng trọng tâm của địa phương.

Nằm dưới chân dãy Ngọc Linh, Nam Trà My có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Nằm dưới chân dãy Ngọc Linh, Nam Trà My có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Từ năm 2015, Nam Trà My đã triển khai nhiều chủ trương phát triển vùng sâm gắn với du lịch bền vững. Đề án phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 được tập trung thực hiện, tạo cơ sở để hình thành các điểm tham quan như vườn sâm Tak Ngo, làng văn hóa Tak Chươm, hay các khu sinh thái kết hợp trồng sâm. Những điểm đến này không chỉ giúp du khách hiểu hơn về giá trị cây sâm mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái rừng.

Theo đại diện Phòng Văn hóa, thông tin huyện Nam Trà My, phát triển du lịch gắn với sâm Ngọc Linh là động lực quan trọng để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo bền vững. Trong những năm gần đây, Nam Trà My đã có nhiều chủ trương, biện pháp để khai thác, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch vùng trồng sâm.

UBND huyện cũng đã phối hợp tổ chức các đoàn famtrip để khảo sát, xúc tiến quảng bá du lịch vùng sâm. Các đoàn khảo sát đã ghé thăm cầu treo đôi Trà Dơn, rừng nguyên sinh Ngọc Linh, hay trải nghiệm các nét văn hóa bản địa độc đáo... Những hoạt động này giúp định hình sản phẩm du lịch nông nghiệp, trải nghiệm tại các điểm trồng sâm, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Đáng chú ý, lễ hội sâm Ngọc Linh đã trở thành sự kiện thường niên, tạo cơ hội quảng bá sản phẩm địa phương đến đông đảo du khách. Tại phiên chợ sâm, khách tham quan không chỉ mua sắm mà còn được tìm hiểu quy trình trồng và chăm sóc loại sâm quý, nâng cao nhận thức về giá trị y học và văn hóa của sản phẩm này. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung cải thiện hạ tầng du lịch, đầu tư biển báo, nâng cấp các tuyến đường dẫn vào khu du lịch, và đảm bảo an toàn cho du khách. Đây là bước đi cần thiết để biến Nam Trà My trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn…

Dù có nhiều tiềm năng, song việc phát triển du lịch vùng sâm tại Nam Trà My vẫn đối mặt với không ít thách thức. Hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú và các tiện ích hỗ trợ du khách còn hạn chế. Đồng thời, việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển du lịch cũng đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ các cấp chính quyền và cộng đồng địa phương.

Sản phẩm sâm Ngọc Linh, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là biểu tượng văn hóa, niềm tự hào của Nam Trà My.

Sản phẩm sâm Ngọc Linh, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là biểu tượng văn hóa, niềm tự hào của Nam Trà My.

Theo nhiều người để nâng cao giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh bằng du lịch, cần phát triển các tour tham quan vườn sâm, xây dựng các mô hình hợp tác xã quản lý du lịch cộng đồng. Chính quyền địa phương cần đóng vai trò hỗ trợ, ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư và quảng bá thương hiệu một cách bài bản. Ngoài ra, việc bảo tồn môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa cũng cần đặt lên hàng đầu. Các hoạt động du lịch phải được thực hiện theo định hướng bền vững, hạn chế tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và đời sống cộng đồng...

Với tiềm năng lớn từ thiên nhiên, văn hóa và sâm Ngọc Linh, Nam Trà My đang đi đúng hướng trong việc phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo tồn tài nguyên. Nếu được đầu tư bài bản, có chiến lược và sự đồng hành của các bên liên quan, huyện miền núi này không chỉ nâng cao giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh mà còn trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch xanh của Việt Nam… Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hy vọng với sự nỗ lực của người trồng sâm, của những người làm du lịch và nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên trong tương lai không xa, ngành du lịch sâm ở địa phương sẽ phát triển.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nang-cao-gia-tri-thuong-hieu-sam-ngoc-linh-bang-du-lich-159093.html
Zalo