Nâng cao giá trị sản phẩm nông sản địa phương

Với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm là các loại nông sản của địa phương, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, các xã trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chế biến, sơ chế với bao bì mẫu mã đẹp, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Các sản phẩm nông sản đặc trưng của xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai.

Các sản phẩm nông sản đặc trưng của xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai.

Khai thác lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, Quỳnh Nhai phát triển nhiều loại cây trồng thế mạnh, phân bổ theo từng vùng. Trong đó, phải kể đến gần 400 ha cây mắc ca, được trồng tại các xã Mường Giôn, Chiềng Khay, Mường Chiên. Đến nay, đã có một số nhỏ diện tích trồng mắc ca đã cho thu hoạch. Cùng với cây mắc ca, bà con còn phát triển kinh tế rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nuôi ong mật, chăn nuôi đại gia súc để có thêm các sản phẩm hàng hóa có giá trị.

Ông Điêu Chính Thuận, Chủ tịch UBND xã Mường Chiên, cho biết: Ngoài các sản phẩm, như mật ong rừng, măng khô, các loại cá nuôi trên lòng hồ sấy khô, thì cây mắc ca bắt đầu cho sản phẩm; trong đó, quả mắc ca đã được chế biến thành rượu mắc ca và mắc ca sấy khô.

Còn xã vùng cao Chiềng Khay, có sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu là mật ong, đã được người tiêu dùng biết đến và đánh giá cao về chất lượng. Xã Mường Giôn có sản phẩm đặc trưng là quả trám đen; hiện nay, xã đang bảo tồn hàng trăm cây trám đen cổ thụ, Đoàn xã thực hiện thiết kế bao bì đựng sản phẩm kèm theo hướng dẫn và cách chế biến trám đen, tổ chức livestream giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng.

Du khách tìm hiểu các sản phẩm của HTX Tú Châu, huyện Quỳnh Nhai.

Du khách tìm hiểu các sản phẩm của HTX Tú Châu, huyện Quỳnh Nhai.

Phát triển trồng cây dược liệu theo hướng bền vững, những năm qua, HTX Tú Châu, xã Chiềng Khoang đã liên kết với các hộ nông dân trồng gần 10 ha sả và gần 30 ha dược liệu dưới tán rừng, dùng để chiết xuất hơn 10 sản phẩm tinh dầu từ sả, hương nhu, hoa ngũ sắc, màng tang, long não..., với sản lượng trên 1.000 lít/năm. Ngoài ra, HTX còn phát triển sản phẩm gạo nếp tan truyền thống và các sản phẩm lá khôi nhung, củ thiên niên kiện.

Anh Lò Văn Chung, Phó Giám đốc HTX Tú Châu, thông tin: Chúng tôi đã tích cực đưa sản phẩm của HTX tham gia quảng bá, giới thiệu và bán tại các hội chợ thương mại trên toàn quốc, nhận được sự đánh giá cao của khách hàng và tăng doanh thu bán hàng. Đồng thời, vận động thành viên tích cực sản xuất theo đúng quy trình, nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có. Hiện nay, HXT đã có sản phẩm gạo nếp tan Chiềng Khoang và tinh dầu sả Java được công nhận là sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, huyện Quỳnh Nhai hiện có hơn 20 HTX hoạt động lĩnh vực nuôi và chế biến thủy sản, với hơn 4.500 lồng cá, sản lượng nuôi và đánh bắt hơn 1.800 tấn/năm. Cùng với việc bán thủy sản tươi sống, một số HTX và hộ gia đình đã đầu tư hệ thống kho lạnh, máy móc để chế biến, bảo quản các sản phẩm từ thủy sản, như: Cá cắt khúc cấp đông, cá rút xương, các loại cá phơi khô, mắm tép, tôm chao, chả cá, xúc xích cá, ruốc cá...

Các sản phẩm chế biến từ thủy sản được bày bán tại huyện Quỳnh Nhai.

Các sản phẩm chế biến từ thủy sản được bày bán tại huyện Quỳnh Nhai.

Chị Đào Thị Hiếu, kinh doanh thủy sản ở xã Mường Giàng đã sáng tạo, chế biến các sản phẩm: Chả cá, xúc xích cá, ruốc cá, cá sấy khô, giò cá... theo tiêu chuẩn an toàn để cung cấp cho thị trường và ngoài tỉnh, được người dùng đón nhận, đánh giá cao. Chị Đào Thị Hiếu chia sẻ: Các sản phẩm chế biến từ thủy sản được lấy nguyên liệu tươi sống từ các hộ nuôi cá lồng của huyện và đánh bắt trên lòng hồ. Quy trình chế biến đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ được hương vị tươi ngon của nguyên liệu cá sông Đà. Năm 2022, sản phẩm chả cá sông Đà đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Chúng tôi hiện đang phát triển thêm sản phẩm xúc xích cá sông Đà theo định hướng đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thủy sản vùng lòng hồ sông Đà.

Hiện nay, huyện Quỳnh Nhai có 4 sản phẩm OCOP 3 sao, gồm chả cá sông Đà, gạo nếp tan Chiềng Khoang, tinh dầu sả và cá sông Đà cấp đông. Huyện đang tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các HTX, hộ gia đình phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương thành sản phẩm OCOP. Trong đó, tập trung ở những sản phẩm tiềm năng, như rượu men Thái, măng bát độ, quả trám đen, trứng vịt cổ xanh, cá ngão rút xương, cam Nặm Ét, gạo nếp tan pỏm Mường Giôn, mật ong rừng... đem lại giá trị kinh tế cao và bền vững.

Bài, ảnh: Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/nang-cao-gia-tri-san-pham-nong-san-dia-phuong-G7iSoTeIR.html
Zalo