Nâng cao giá trị hàng hóa thông qua việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm

ĐTO - Qua hoạt động sản xuất và thương mại quốc tế cho thấy, truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm, hàng hóa giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) xây dựng thương hiệu, tăng cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng và gia tăng giá trị cho sản phẩm, hàng hóa. Trên tinh thần đó, thời gian qua, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn tỉnh nắm bắt xu hướng, quan tâm đầu tư giải pháp trong thực hiện TXNG để sản xuất, kinh doanh bền vững.

Lãnh đạo Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Lãnh đạo Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Thời gian qua, để triển khai áp dụng hệ thống quản lý TXNG, Sở Khoa học và Công nghệ làm đơn vị đầu mối, phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành triển khai đến các tổ chức cá nhân khởi nghiệp, doanh nghiệp, HTX, hội quán và cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; đặc biệt là các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của tỉnh.

Uy tín cho doanh nghiệp, niềm tin cho người tiêu dùng

Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp với Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp thực hiện tuyên truyền các tiêu chuẩn Quốc gia về yêu cầu chung đối với hệ thống TXNG. Xây dựng, cập nhật thông tin về các hoạt động TXNG trên Trang thông tin điện tử của các sở, ngành.

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia tổ chức các hội nghị tập huấn về mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc. Tuyên truyền, phổ biến việc tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng quy mô lớn có liên kết sản xuất và tiêu thụ, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông sản gắn với mã vùng trồng và TXNG đảm bảo cung ứng, liên kết tiêu thụ với các kênh phân phối hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Ông Huỳnh Hoàng Hưng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nha Mân (huyện Châu Thành) cho biết: “Từ khi thực hiện các bước ghi chép trong TXNG, đơn vị không phải lo lắng trước những thắc mắc của khách hàng về an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR trên điện thoại thông minh là đã biết đầy đủ thông tin của toàn bộ sản phẩm “Gạo thơm đặc sản Nha Mân” như: trồng ở đâu, sản xuất theo phương thức nào, ngày giờ thu hoạch... Nhờ vậy, sản phẩm gạo của HTX được các cửa hàng nông sản an toàn trong và ngoài tỉnh tin dùng, số lượng tiêu thụ tăng gấp 3 lần so với thời gian trước”.

Chị Đoàn Ngọc Minh Thùy - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất Tinh dầu Hương Đồng Tháp giới thiệu các sản phẩm tinh dầu đặc trưng với du khách

Chị Đoàn Ngọc Minh Thùy - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất Tinh dầu Hương Đồng Tháp giới thiệu các sản phẩm tinh dầu đặc trưng với du khách

Hướng đến sự phát triển bền vững, Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất Tinh dầu Hương Đồng Tháp (TP Hồng Ngự) chủ động thực hiện TXNG cho hơn 20 sản phẩm tinh dầu. Chị Đoàn Ngọc Minh Thùy - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất Tinh dầu Hương Đồng Tháp cho biết: “Trong bối cảnh khách hàng ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, TXNG là “chìa khóa” khởi tạo lại niềm tin, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo. Không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, TXNG còn giúp sản phẩm nông sản có được tấm “giấy thông hành” xuất khẩu ra nước ngoài”.

Bà Trần Thị Thế Hòa - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “TXNG giúp người tiêu dùng thu thập thông tin ngược dòng sản xuất ban đầu, mang lại sự tin tưởng cho khách hàng. Thông qua TXNG, người tiêu dùng có thể tìm hiểu thông tin của nhà sản xuất, phân phối, qua đó hạn chế mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Đồng thời, TXNG đem lại uy tín cho doanh nghiệp và niềm tin cho người tiêu dùng...”.

Nhờ thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc, sản phẩm “Gạo thơm đặc sản Nha Mân” của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nha Mân vươn xa ra thị trường

Nhờ thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc, sản phẩm “Gạo thơm đặc sản Nha Mân” của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nha Mân vươn xa ra thị trường

Đáp ứng xu hướng tiêu dùng của thị trường

Theo ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), hiện nay, Trung tâm thực hiện việc cấp khoảng 70 ngàn đầu mã doanh nghiệp cả nước. Sau khi được cấp đầu mã này, các doanh nghiệp chủ động sinh ra các mã thương phẩm của sản phẩm kinh doanh. Hiện tại, cơ sở dữ liệu quốc gia có trên dưới 1 triệu chủng loại sản phẩm được cấp mã. Mỗi sản phẩm khi được đưa lên kệ ở siêu thị, các trang thương mại điện tử đều là các sản phẩm cuối chuỗi. Nếu áp dụng các công cụ về mã số, mã vạch và các công cụ định danh tương tự khác trong quá trình hình thành nên sản phẩm thì quá trình số hóa của cả chuỗi sản phẩm sẽ được thực hiện đầy đủ và dễ dàng hơn...

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền việc tổ chức sản xuất theo hướng quy mô tập trung, sản xuất sản phẩm theo quy trình gắn với TXNG, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời triển khai hoạt động hỗ trợ các cơ sở đổi mới, cải tiến công nghệ máy móc, thiết bị và đầu tư mở rộng sản xuất, cập nhật thông tin thị trường, hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến bao bì, nhãn mác đáp ứng xu hướng tiêu dùng của thị trường.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các đối tượng liên quan trong thực hiện việc TXNG nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về việc xây dựng và áp dụng hệ thống TXNG cho các sản phẩm, hàng hóa, đặc thù. Tổ chức, phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX kết nối với các nhà phân phối trong nước và quốc tế nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường. Ngoài ra, triển khai xây dựng mô hình điểm áp dụng hệ thống TXNG phù hợp với tiêu chuẩn Quốc gia cho sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; xây dựng và vận hành hệ thống Cổng thông tin TXNG của tỉnh và Quốc gia; đưa các sản phẩm địa phương đủ điều kiện lên Cổng thông tin TXNG Quốc gia...

Để tránh sự nhầm lẫn giữa 2 thuật ngữ truy xuất nguồn gốc và hệ thống truy xuất nguồn gốc, Tiêu chuẩn Việt Nam 12850:2019 đưa ra định nghĩa như sau:

Truy xuất nguồn gốc: Hoạt động giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc: Hệ thống bao gồm hoạt động định danh sản phẩm, thu thập và lưu trữ thông tin về trạng thái của sản phẩm theo thời gian, địa điểm nhằm quản lý thông tin về chất lượng và an toàn của sản phẩm.

Nhật Nam

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/giao-duc/nang-cao-gia-tri-hang-hoa-thong-qua-viec-truy-xuat-nguon-goc-san-pham-124842.aspx
Zalo