Nâng cao đời sống nhân dân từ thiết chế văn hóa

Trong những năm gần đây, việc xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa cơ sở đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn. Điển hình cho xu hướng này là mô hình Nhà văn hóa kiểu mẫu tại thôn Khu dân cư (KDC) Thăng Long, xã Hải Bối, huyện Đông Anh. Thông qua việc triển khai mô hình này, thôn KDC Thăng Long đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Đông Anh có 10/24 đơn vị có trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, 7 trung tâm văn hóa - thể thao xã đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, đang tiến hành các bước theo quy trình đầu tư (chỉ tiêu đến 2025 là 80%). Toàn huyện có 154/155 nhà văn hóa thôn, 30/30 nhà văn hóa tổ dân phố.

Với chủ trương đầu tư xây dựng 100% các nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn, hoàn thiện tiêu chí “5 có, 3 không” tại từng thôn, tổ dân phố, nhiều mô hình tiêu biểu được triển khai thực hiện bước đầu đem lại hiệu quả đáng khích lệ như: Mô hình nhà văn hóa đạt chuẩn; mô hình thôn thông minh; mô hình thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp; mô hình nhà văn hóa kiểu mẫu...

Nhà văn hóa kiểu mẫu tại thôn Khu dân cư Thăng Long, xã Hải Bối, huyện Đông Anh.

Nhà văn hóa kiểu mẫu tại thôn Khu dân cư Thăng Long, xã Hải Bối, huyện Đông Anh.

Năm 2024, mô hình Nhà văn hóa kiểu mẫu thôn KDC Thăng Long, tại xã Hải Bối là một trong những mô hình kiểu mẫu của Thành phố nhằm phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nhận thức rõ tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa tại thôn, Ban lãnh đạo thôn KDC Thăng Long đã chủ động nghiên cứu và triển khai xây dựng mô hình Nhà văn hóa kiểu mẫu. Mục tiêu của dự án này nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2024, đồng thời tạo ra một không gian văn hóa chung cho cộng đồng.

Với diện tích rộng và dân số 1.367 hộ (4.897 nhân khẩu), việc tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng là yếu tố then chốt để đảm bảo sự thành công của dự án. Nhận thức được điều này, cấp ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể của thôn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú đã được áp dụng, bao gồm: sử dụng hệ thống loa truyền thanh của thôn, tổ chức các hội nghị và sinh hoạt chuyên đề, tuyên truyền cổ động trực quan qua hệ thống băng zôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, và tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Đặc biệt, tại Hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa năm 2024, nội dung xây dựng mô hình Nhà văn hóa kiểu mẫu đã được đưa ra để nhân dân góp ý và đề xuất giải pháp cụ thể. Việc này không chỉ tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cộng đồng mà còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết, quyết tâm xây dựng Nhà văn hóa thôn KDC Thăng Long đạt tiêu chuẩn “Nhà văn hóa kiểu mẫu”.

Trong quá trình triển khai, thôn KDC Thăng Long đã áp dụng phương châm: Đồng bộ, hiệu quả, ưu tiên thực hiện các tiêu chí dễ và ít kinh phí trước, đồng thời tìm cách tháo gỡ và huy động nguồn vốn cho các tiêu chí khó. Sau 7 tháng thực hiện, thôn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Về cơ sở hạ tầng, 100% tuyến đường trong thôn đã được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng và bê tông hóa. Các tổ chức đoàn thể trong thôn cũng tự nguyện đảm nhận công tác duy trì tuyến đường tự quản, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp. Nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng đầy đủ với các công trình phụ trợ. Khuôn viên được thiết kế với vườn hoa, cây cảnh, ghế đá tạo cảnh quan đẹp. Các bộ dụng cụ tập thể dục thể thao phù hợp cho mọi lứa tuổi đã được lắp đặt. Ngoài ra, thôn còn xây dựng các sân thể thao phục vụ hoạt động và phong trào thi đấu tại địa phương.

Điểm nhấn đặc biệt trong mô hình Nhà văn hóa kiểu mẫu của thôn KDC Thăng Long là việc xây dựng thư viện cộng đồng. Thông qua huy động nguồn xã hội hóa và sự hưởng ứng tích cực của người dân, thôn đã thiết kế và bố trí riêng một phòng làm Thư viện thôn. Thư viện được trang bị hơn 300 đầu sách và tranh ảnh tuyên truyền pháp luật, cùng với đầy đủ bàn ghế, giá để sách, tạo không gian thông thoáng. Việc này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp nhân dân tiếp cận và sử dụng thư viện mà còn thúc đẩy phong trào văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá, việc xây dựng thành công mô hình Nhà văn hóa kiểu mẫu tại thôn KDC Thăng Long đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tạo ra không gian văn hóa chung cho cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và vui chơi giải trí. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện về thể lực và trí lực. Nhà văn hóa kiểu mẫu còn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải và tiếp nhận thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; là nơi cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất và phát triển kinh tế cho người dân. Đặc biệt, với việc xây dựng thư viện cộng đồng, mô hình này đã thúc đẩy phong trào đọc sách, nâng cao dân trí trong cộng đồng.

Kết quả xây dựng Nhà văn hóa kiểu mẫu ở thôn KDC Thăng Long đã mang đến luồng sinh khí mới, tạo niềm vui và động lực cho người dân. Đây là nền tảng quan trọng, tiếp thêm sức mạnh để nhân dân trong thôn nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Thành công của mô hình này cho thấy sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là sự đồng lòng, chung sức của toàn thể nhân dân trong thôn. Mô hình Nhà văn hóa kiểu mẫu tại thôn KDC Thăng Long có thể được xem là một điển hình tốt, đáng để nghiên cứu và nhân rộng tại các địa phương khác, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tại cơ sở.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-doi-song-nhan-dan-tu-thiet-che-van-hoa-174763.html
Zalo