Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Phú Tân có 10 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn, trong đó, có 9 dân tộc thiểu số (DTTS), với 3.480 người, gồm dân tộc Khmer, Hoa, Thái, Mường, Nùng, Tầy, Êđê, Dao, Lào. Với tinh thần và ý chí quyết tâm, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Phú Tân luôn đoàn kết, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng hội nhập và phát triển bền vững.

Bà con DTTS trên địa bàn huyện chấp hành tốt các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm đến đời sống các hộ gia đình dân tộc, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn; động viên đồng bào tích cực tăng gia sản xuất; đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người dân tộc theo quy định. Ðời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện.

Chuyển biến về ý thức

Ông Trần Hoàng Thành, người Khmer ở ấp Thứ Vải A, xã Tân Hưng Tây, nhận định: "Bây giờ đời sống, sinh hoạt và sự tiếp cận các dịch vụ xã hội của bà con Khmer ở đây thay đổi nhiều lắm. Nhờ Nhà nước phát động, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con làm theo; tích cực trồng trọt, chăn nuôi, làm ăn có thu nhập, tích lũy; mua sắm xe cộ, điện thoại...".

Ông Trần Văn Dớn, người có uy tín trong đồng bào Khmer, ấp Thứ Vải A, xã Tân Hưng Tây, đánh giá, tuy còn những hộ khó khăn, nhưng cơ bản bà con đều có ý thức, tích cực làm ăn, tăng gia sản xuất để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được huyện Phú Tân triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả. Trong 3 năm, từ năm 2022-2024, huyện Phú Tân được tỉnh phân bổ vốn hơn 5 tỷ đồng để thực hiện chương này. Nguồn vốn kịp thời giải ngân cho các hoạt động hỗ trợ sản xuất, sinh kế, thực hiện các mô hình giảm nghèo, đất ở, đất sản xuất... Nhiều bà con đã phát huy tốt ý chí tự lực, cần cù, sáng tạo, làm ăn có hiệu quả và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Bà con đồng bào Khmer ở Phú Tân hiện nay phần lớn luôn nêu cao ý thức chủ động, cần cù trong sản xuất. Ðã có nhiều tấm gương tích cực vươn lên trong việc làm ăn, tham gia tốt các phong trào ở địa phương và là chỗ dựa uy tín cho nhiều bà con trên địa bàn.

Là tấm gương lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng, giờ đây có một cơ ngơi vững chắc, ông Thạch Quang Hiền, người có uy tín trong đồng bào Khmer ở Khóm 5, thị trấn Cái Ðôi Vàm, cho rằng, thiên nhiên nơi đây rất ưu đãi, tiềm năng dồi dào, nếu ai có tâm huyết, có sự cần cù, chịu thương chịu khó thì mọi người sẽ làm ăn thành đạt. Bà con Khmer ở đây giờ khác xưa, mọi người đã có sự chuyên cần, biết tiết kiệm, tích lũy cho cuộc sống.

Ông Thạch Quang Hiền (bìa phải), có cuộc sống ổn định từ việc kinh doanh vật liệu xây dựng.

Ông Thạch Quang Hiền (bìa phải), có cuộc sống ổn định từ việc kinh doanh vật liệu xây dựng.

Thay đổi hạ tầng, đời sống

Hạ tầng nông thôn vùng DTTS của huyện những năm qua có nhiều thay đổi, kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được ưu tiên đầu tư, góp phần lưu thông hàng hóa và đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân. Hệ thống các công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đã được các cấp, các ngành, các xã, thị trấn chỉ đạo triển khai thực hiện khá quyết liệt. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, những yêu cầu cấp thiết về điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt của một bộ phận hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn, mở ra cơ hội và môi trường làm ăn mới, giúp các hộ tạo ra nguồn thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Từ đó, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm từ 1,5-2%.

Qua hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình ông Thạch Bal, ấp Thứ Vải A, xã Tân Hưng Tây, tích cực tăng gia sản xuất (trồng chuối, bắp, rau cải) cải thiện đời sống. Cuộc sống tuy chưa khá giả nhưng ổn định hơn trước nhiều.

Ông Thạch Bal tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: HUỲNH LUÂN

Ông Thạch Bal tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: HUỲNH LUÂN

Huyện Phú Tân đã triển khai thực hiện đồng bộ chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực DTTS; thực hiện chính sách về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm; phát triển giáo dục - đào tạo; nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe; tạo điều kiện cho đồng bào DTTS tiếp cận các dịch vụ xã hội, văn hóa, truyền thông... Từ đó, ý thức về phát triển sản xuất, tự lực làm ăn để vươn lên của bà con thấy rõ.

Huyện Phú Tân có 8/8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có sự đóng góp tích cực của đồng bào DTTS. Qua đó, đã góp phần phát triển toàn diện về mặt bằng kinh tế - xã hội, nâng cao mức hưởng thụ về đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng./.

Quốc Hiệp

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nang-cao-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-a33910.html
Zalo