Nâng cao công tác phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm giao mùa, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao đi cùng với nguy cơ lây lan dịch bệnh động vật. Do đó, cần tập trung vào việc ngăn chặn, phòng trừ dịch bệnh trên động vật trước, trong và sau Tết.

Tăng cường ngăn chặn, phòng trừ dịch bệnh trên động vật trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Tăng cường ngăn chặn, phòng trừ dịch bệnh trên động vật trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến tại "Hội nghị phòng, chống dịch bệnh động vật cuối năm và kiểm soát giết mổ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025" tổ chức ngày 4/1 tại Hà Nội.

Tăng cường kiểm soát dịch bệnh

Theo báo cáo của Cục Thú y, năm 2024, ngành thú y tiếp tục kiểm soát tốt nhiều loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển ước đạt từ 5,2-5,5%; bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, một số loại dịch bệnh nguy hiểm có chiều hướng gia tăng so với năm 2023 như: bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng và bệnh viêm da nổi cục.

Chia sẻ tại hội nghị, lãnh đạo Cục Thú y cho biết, trong năm 2025 Cục sẽ tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Cụ thể, chỉ đạo, huy động các nguồn lực hợp pháp để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh.

Toàn cảnh hội nghị phòng, chống dịch bệnh động vật cuối năm và kiểm soát giết mổ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Toàn cảnh hội nghị phòng, chống dịch bệnh động vật cuối năm và kiểm soát giết mổ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Mục tiêu nữa của Cục Thú y là tổ chức triển khai việc tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng vật nuôi hiện có được tiêm phòng, trong thời gian sớm nhất có thể.

Song song đó, chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Đặc biệt, bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật, ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.

Về công tác giết mổ, Cục xác định sẽ tổ chức rà soát, xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung theo quy định. Sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu cơ sở giết mổ gia súc để xây dựng hệ thống thông tin kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm thông qua cơ sở dữ liệu.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đại diện ngành nông nghiệp Lào Cai cho biết, là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn nhưng trong năm 2024 công tác quản lý dịch bệnh của địa phương đã được thực hiện khá tốt, không để lây lan trên quy mô lớn.

Dù địa hình phức tạp, phân tán, chăn nuôi nhỏ lẻ, lực lượng mỏng nhưng cơ quan chuyên môn tỉnh Lào Cai đã thực hiện tốt các chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, tham mưu cho tỉnh ban hành các kế hoạch, chính sách kiểm soát dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng các dịch nguy hiểm với tỷ lệ cao. Kết quả trên có được là do có lực lượng thú y cơ sở, các cộng tác viên thú y thôn bản đã hỗ trợ, phát hiện và tham mưu cho địa phương kiểm soát, ngăn chặn dịch từ sớm. Do đó, dù có nhiều ổ dịch nhưng Lào Cai đều kiểm soát sớm, không lây lan.

Đại diện ngành nông nghiệp Lào Cai chia sẻ tại Hội nghị.

Đại diện ngành nông nghiệp Lào Cai chia sẻ tại Hội nghị.

Về công tác giết mổ, trong năm 2024, Lào Cai đã có thêm 4 cơ sở giết mổ tập trung, nâng tổng số của tỉnh lên 10 cơ sở. Mục tiêu trong năm 2025 của Lào Cai là tất cả huyện, thị, thành phố đều có cơ sở giết mổ tập trung và nâng tỷ lệ kiểm soát từ 60% năm 2024 lên 80% trong năm tới.

Thay đổi cách làm để đẩy lùi dịch bệnh

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định mặc dù có nhiều khó khăn trong năm 2024 nhưng ngành nông nghiệp đã vượt qua một cách ngoạn mục, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào.

Trong đó, phải kể đến đóng góp của lực lượng thú y về phòng, chống dịch bệnh cho động vật bao gồm cả trên cạn, dưới nước và động vật hoang dã.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh thời điểm gần Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm giao mùa, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao đi cùng với nguy cơ lây lan dịch bệnh động vật. Do đó, cần tập trung vào việc ngăn chặn, phòng trừ dịch bệnh trước, trong và sau Tết.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cần thay đổi cách làm, tìm hiểu nguyên nhân của các địa phương bị thiệt hại nhiều do dịch bệnh, tìm hiểu công tác cán bộ thú y ở địa phương đó. Nếu cần thiết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có văn bản đề nghị địa phương quan tâm hơn đến công tác thú y.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, thời điểm gần Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm giao mùa, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao đi cùng với nguy cơ lây lan dịch bệnh động vật.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, thời điểm gần Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm giao mùa, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao đi cùng với nguy cơ lây lan dịch bệnh động vật.

Để thực hiện được mục tiêu phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đưa ra một loạt nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ trưởng nhấn mạnh, hiện nay, cơ chế, chính sách đã cơ bản hoàn thiện nhưng cần có giải pháp hiệu quả để đưa vào cuộc sống, đến tận cơ sở. Thứ hai là đẩy mạnh tiêm phòng các dịch bệnh có nguy cơ cao, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi.

Nhiệm vụ tiếp theo là đẩy nhanh tiến độ tổ chức nghiên cứu, khảo kiểm nghiệm để rút ngắn thời gian cho ra đời các loại vaccine. Cùng với đó, tổ chức xây dựng vùng sản xuất an toàn dịch bệnh nhưng cần kiểm chứng, đánh giá và cần tới sự phối hợp giữa chăn nuôi và thú y.

Một giải pháp quan trọng nữa là tăng cường quản lý các cơ sở giết mổ, tăng tập trung, giảm nhỏ lẻ. Muốn làm được cần chú trọng quy hoạch, thu hút đầu tư và tổ chức thực hiện, giám sát một cách hiệu lực, hiệu quả.

"Muốn kiểm soát tốt dịch bệnh chúng ta phải quản lý tốt buôn lậu, công tác này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Cùng với đó là kiểm soát tốt khâu nhập khẩu để phòng trừ mầm bệnh từ nước ngoài", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh thêm.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề cập đến việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Từ đó nâng cao giá trị của ngành hàng trong thời gian tới.

THANH TRÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nang-cao-cong-tac-phong-chong-dich-benh-dip-tet-nguyen-dan-post854341.html
Zalo