Nâng cao chất lượnggiáo dục tiểu học

Năm học 2023-2024, các cơ sở giáo dục (CSGD) bậc tiểu học trong tỉnh đã thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Đặc biệt, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được thực hiện linh hoạt, phù hợp theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) đọc sách tại Thư viện trường.

Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) đọc sách tại Thư viện trường.

Dạy thực chất, học thực chất

Để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) chỉ đạo các Phòng GD và ĐT ban hành văn bản hướng dẫn các trường tiểu học xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch môn học theo đúng hướng dẫn của Bộ, của Sở; tổ chức hội nghị hội thảo về xây dựng kế hoạch dạy học, trong đó chú trọng về kế hoạch môn học của các khối và kế hoạch giáo dục của nhà trường; kế hoạch dạy học đảm bảo khoa học, linh hoạt, vừa đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học/hoạt động giáo dục (HĐGD), vừa tăng cường các hoạt động thực hành, ứng dụng, trải nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả mục tiêu hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, phù hợp điều kiện, khả năng nhà trường.

Các trường xây dựng, triển khai hiệu quả kế hoạch dạy học năm học; đảm bảo kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày; kế hoạch dạy học được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp diễn biến thực tế và khung thời gian năm học; đảm bảo cân đối về thời lượng, nội dung; đáp ứng mục tiêu yêu cầu đối với các môn học/HĐGD bắt buộc, tự chọn và đáp ứng nhu cầu phát triển của học sinh. Đặc biệt, các trường vận dụng linh hoạt những thành tố tích cực của các mô hình dạy học nhằm thực hiện hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; thực hiện nghiêm túc công tác tự học, tự bồi dưỡng và tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tập huấn, bồi dưỡng các modun Chương trình GDPT 2018 nhằm nâng cao hiệu quả mục tiêu dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Trong năm học, các trường tập trung thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng rèn kỹ nền nếp tự học, kỹ năng học cá nhân, chia sẻ cặp đôi, trao đổi trong nhóm và trình bày kết quả trước lớp cho học sinh; tăng cường các hoạt động ứng dụng, trải nghiệm kiến thức môn học trong thực tiễn cuộc sống. Tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của Hội đồng tự quản trong học tập và rèn luyện. Tổ chức hiệu quả các buổi hội thảo và sinh hoạt chuyên môn cấp huyện về thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, thực hiện chương trình - sách giáo khoa mới lớp 1, 2, 3, 4 (trọng tâm lớp 4); Duy trì tổ chức sinh hoạt chuyên môn đối với giáo viên dạy các môn Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật, Tiếng Anh, Tin học, tạo điều kiện cho giáo viên được trao đổi, học tập kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ theo bộ môn. Phát huy hiệu quả các góc hỗ trợ giáo dục, khai thác trang thiết bị, đồ dùng dạy học, học liệu điện tử; đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học. Tiếp tục duy trì, cải tiến việc đổi mới không gian lớp học. Phát huy tốt hiệu quả của các góc hỗ trợ giáo dục theo hướng thiết thực với từng chủ đề học tập ở các môn học, tăng cường vai trò của học sinh trong việc xây dựng nội dung học tập trong các góc hỗ trợ giáo dục. Thực hiện tốt việc đa dạng hóa hình thức dạy học, nhiều trường tổ chức hình thức dạy học tại hiện trường (thư viện, vườn trường…), duy trì hiệu quả các tiết đọc thư viện theo mô hình Thư viện thân thiện. Đồng thời, khai thác hiệu quả các trang thiết bị, đồ dùng dạy học, học liệu điện tử nhằm đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng dạy học. Phát huy hiệu quả việc tăng cường tổ chức các hoạt động đổi mới giáo dục. Thông qua các hoạt động đã phát huy sự sáng tạo của đội ngũ giáo viên, học sinh và sự tham gia tích cực của phụ huynh trong các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

Triển khai các nội dung, chương trình giáo dục tiên tiến (STEM, Tin học IC3 Spark…), các nhà trường tăng cường các hoạt động trải nghiệm STEM, tạo điều kiện cho học sinh được ứng dụng, trải nghiệm kiến thức, kỹ năng các môn học vào thực tiễn đời sống, đồng thời tạo cơ hội cho học sinh tìm tòi, sáng tạo, phát triển năng lực cá nhân. Các trường tổ chức triển khai tốt việc dạy môn Tin học bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018; phát động và triển khai hoạt động làm quen với Tin học cho học sinh lớp 1, 2; triển khai dạy học Tin học IC3 cho học sinh lớp 4, 5; tích cực đầu tư tu sửa, bảo dưỡng, duy trì tốt phòng Tin học, đảm bảo cho học sinh được thực hành trong các tiết học.

Cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, các nhà trường chú trọng tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, cuộc thi, hội thi phong phú, sôi nổi; duy trì các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao đầu giờ và giữa giờ... vừa giúp học sinh được thư giãn, vừa phát hiện các "năng lực mềm" của các em để bồi dưỡng, phát huy.

Mô hình câu lạc bộ (CLB) tại các trường tiểu học được triển khai hiệu quả với nhiều hoạt động được tổ chức đa dạng, phong phú, lôi cuốn nhiều học sinh tham gia như các CLB: Võ thuật, Aerobic, Bóng bàn, Cờ vua, Chữ đẹp, Tiếng Anh…, nhất là CLB Văn, Toán tuổi thơ. Tiêu biểu là các trường tiểu học ở các huyện Mỹ Lộc, Xuân Trường, Hải Hậu, Vụ Bản. Giao lưu CLB Văn Toán tuổi thơ cấp quốc gia, 10 học sinh thuộc các CLB của huyện Nam Trực đã đại diện tỉnh Nam Định tham gia và đoạt 4 giải Bạc, 6 giải Đồng.

Đặc biệt, để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học, các trường tạo điều kiện cho học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi cấp huyện/thành phố, cấp tỉnh, cấp toàn quốc như: Hội thi Hùng biện tiếng Anh; Hội thi Phát triển năng lực học sinh tiểu học; Hội thi Viết chữ đúng và đẹp; Hội khỏe Phù Đổng; Trạng nguyên tiếng Việt... Trong đó, Sân chơi Trạng nguyên tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học, toàn tỉnh có 4.538 học sinh tham gia cấp tỉnh, có 14 học sinh tham gia cấp quốc gia và đoạt giải, trong đó 1 giải Hoàng Giáp, 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 6 giải Ba và 3 giải Khuyến khích. Tiêu biểu là thành phố Nam Định: Tại HKPĐ cấp toàn quốc, khối tiểu học thành phố Nam Định có 11 học sinh đạt giải (10 học sinh đạt Huy chương Bạc Aerobic và 1 học sinh đạt Huy chương Đồng môn Bóng bàn); có 4 học sinh dự thi Trạng nguyên tiếng Việt toàn quốc và đã đạt 1 giải Hoàng Giáp, 2 giải Nhì, 1 giải Ba. Nhiều trường tiểu học tổ chức tốt hoạt động Ngày hội đọc sách, các cuộc thi “Mở sách - mở thế giới”, Kể chuyện danh nhân..., Các trường còn tích cực tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi: cuộc thi vẽ tranh quốc tế Toyota chủ đề “Chiếc ô tô mơ ước”; Sân chơi “Ý tưởng trẻ thơ”; Vẽ tranh “Ngôi nhà mơ ước”; cuộc thi sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em; cuộc thi viết “Bác Hồ với Thiếu nhi, Thiếu nhi với Bác Hồ”; cuộc thi nhảy Flashmop Như cánh diều bay; cuộc thi vẽ tranh “Chiến thắng Điện Biên Phủ và hình ảnh Điện Biên Phủ hôm nay”… Đặc biệt, mới đây, Hội thi Phát triển năng lực học sinh tiểu học cấp tỉnh được tổ chức trên phạm vi toàn tỉnh với mục tiêu phát huy mọi khả năng đặc biệt của cá nhân học sinh qua các nội dung: Tài năng, Sáng tạo và thuyết trình sản phẩm STEM, thi Ứng dụng Trải nghiệm. Các nội dung Hội thi đã được tổ chức từ cấp trường đến cấp huyện/thành phố, lựa chọn 144 học sinh tham gia cấp tỉnh và đạt giải.

Việc tổ chức các hoạt động phát triển năng lực học sinh đã tạo thêm những sân chơi bổ ích, lý thú cho học sinh, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện trong nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202408/nang-cao-chat-luonggiao-duc-tieu-hoc-14969f6/
Zalo