Nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Hiện nay thị trường lao động của nước ta đang phát triển, các chính sách hỗ trợ tạo việc làm và xuất khẩu lao động đã và đang từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên vẫn cần có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, thị trường xuất khẩu lao động có nhiều khởi sắc, Việt Nam đã đưa hàng chục nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Trung Quốc, các nước thuộc EU… Để ổn định thị trường lao động qua đó đưa được nhiều hơn người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, Bộ Lao động TB&XH đã từng bước mở rộng những thị trường mới. Cùng với đó, Bộ thường xuyên trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động để có những giải pháp nâng cao chất lượng, tăng dần số lượng người lao động ra nước ngoài làm việc.

Trong thời gian tới, bên cạnh các thị trường truyền thống gồm Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để mở rộng thị trường lao động ngoài nước, như Đức, Nga, Australia (chương trình visa nông nghiệp), Israel và một số thị trường châu Âu khác. Hiện nay, các doanh nghiệp đang phối hợp với đối tác nước ngoài để triển khai các hợp đồng cung ứng lao động đã ký kết và đăng ký.

Cùng với các thị trường mới, các thị trường truyền thống cũng được chú trọng. Việt Nam cùng một số nước đã ký kết Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động. Đồng thời Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã làm việc với cơ quan liên quan trong nước, các địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuẩn bị nguồn lao động, các thủ tục cho lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm đáp ứng được các điều kiện, quy định tiếp nhận lao động nước ngoài tại các quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo đó đẩy mạnh việc đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề và trang bị kỹ năng mềm cho người lao động, trang bị kiến thức pháp luật trước khi đưa lao động ra nước ngoài để hình thành một lực lượng lao động chuẩn mực trên các thị trường lao động trên thế giới.

Để công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được hiệu quả hơn, điều cần thiết là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Cùng với đó phải nâng cao ý thức của người dân, người lao động, doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài; ngăn ngừa tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật nước sở tại, cư trú bất hợp pháp. Thông tin đầy đủ, chính xác trên hệ thống thông tin truyền thông, mạng xã hội về thị trường lao động ở nước ngoài, trong đó tập trung vào các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn, mức lương cao đồng thời giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đi lao động ở nước ngoài, nhất thiết phải gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, không gian khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sáng tạo khởi nghiệp và tự tạo việc làm. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, cần làm tốt công tác kết nối doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các trường nghề để tuyển chọn, đào tạo lao động.

BẢO NGỌC

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nang-cao-chat-luong-xuat-khau-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-126463.html
Zalo