Nâng cao chất lượng điều trị vô sinh, hiếm muộn
Ngày 24/4, Bệnh viện 19-8 cùng với chuyên gia đầu ngành tổ chức hội thảo khoa học 'Vô sinh-Hiếm muộn và bệnh lý nam khoa trong lực lượng công an nhân dân: Thực trạng và điều trị' nhằm cập nhật, chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật trong khám và điều trị vô sinh tới cán bộ y tế công an nhân dân Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8, phát biểu tại hội thảo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8, chia sẻ, vô sinh hiện đang là một vấn đề y tế công cộng có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây do yếu tố môi trường sống (ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước,..), áp lực cuộc sống hiện đại, áp lực về kinh tế, áp lực công việc, tuổi kết hôn và sinh con muộn, khoảng cách giữa các lần sinh xa, lối sống và hành vi tình dục không lành mạnh.
Đặc biệt, lực lượng công an có tính chất công việc đặc thù, công tác ở địa bàn khó khăn, lao động trong môi trường nặng nhọc, tiếp xúc với các hóa chất độc hại, chất phóng xạ, tia phóng xạ; cán bộ ra-đa các nhà máy sản xuất, kho cất giữ vũ khí, các bệnh viện... cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng về sức khỏe chung và sức khỏe sinh sản nói riêng.
Thiếu tá Nguyễn Trần Thành, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật tiết niệu-nam khoa, Bệnh viện 19-8 phân tích, cán bộ công an thường xuyên làm nhiệm vụ, học tập trong điều kiện khắc nghiệt, áp lực công việc cao. Bên cạnh đó, nhiều chiến sĩ gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản nhưng không được thăm khám và điều trị kịp thời do đặc thù công tác. Những bệnh viện chuyên khoa thường rất đông, trong khi đó các chiến sĩ thường xuyên phải làm nhiệm vụ, khó khăn trong việc sắp xếp thăm khám.
"Theo khảo sát của bệnh viện, có tới hơn 50% chiến sĩ mong muốn bệnh viện của Bộ Công an có trung tâm hỗ trợ sinh sản để đáp ứng nhu cầu điều trị cho cán bộ và người dân. Đồng thời, tăng cường khám sức khỏe tiền hôn nhân, khám sức khỏe sinh sản định kỳ để phát hiện, điều trị sớm các bệnh lý", bác sĩ Thành nói.

Toàn cảnh hội thảo.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Chủ tịch Hội Y học giới tính Việt Nam, theo nghiên cứu chung, tại Việt Nam có khoảng 10% các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, trong đó có cả nguyên nhân từ nam giới và nữ giới. Đối với lực lượng công an nhân dân có những nguyên nhân “đặc thù” dẫn đến tình trạng vô sinh và các bệnh lý nam khoa.
“Lực lượng này thường xuyên phải tập luyện, làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, căng thẳng do phải xử lý các vụ án, duy trì trật tự, hoặc làm việc ở môi trường độc hại, sóng cao tần,… Tất cả đều có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới và nữ giới.
Trong khi đó, thực tế hiện nay việc tầm soát sức khỏe sinh sản chưa được quan tâm. Hầu hết, khám sức khỏe định kỳ thường khám toàn thân, vấn đề huyết áp, tim mạch, bệnh lý mà bỏ qua chức năng sinh sản”, ông Quang nhận định.
Đa phần gia đình hiếm muộn còn trẻ tuổi, cuộc sống khó khăn, đã điều trị với chi phí tốn kém ở cơ sở y tế mà chưa có kết quả, một số gặp khó khăn chưa thể đi khám bệnh hoặc đã khám song chưa đủ chi phí điều trị.
Trước thực tế đó, Bệnh viện 19-8 đang xây dựng Đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ sinh sản và Y học giới tính để cán bộ chiến sĩ thuận lợi trong việc thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8, với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành cùng việc đầu tư cơ sở vật chất cho việc thành lập trung tâm, bệnh viện mong muốn mang lại chất lượng điều trị tốt nhất cho các chiến sĩ công an.
Điều quan trọng hơn nữa, bệnh viện sẽ nghiên cứu chính sách ưu đãi tốt nhất về mặt tài chính cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Theo đó, việc chi trả cho các chi phí thụ tinh trong ống nghiệm, khám sàng lọc tiền hôn nhân, xét nghiệm tầm soát các bệnh lý về gene... sẽ được tính ở mức thấp hơn so với nhiều cơ sở y tế khác.

Bệnh viện 19-8 nâng cao chất lượng điều trị vô sinh, hiếm muộn, sàng lọc bệnh lý thalassemia cho cán bộ chiến sĩ công an.
Cùng với vấn đề vô sinh hiếm muộn, Bệnh viện 19-8 cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề khám, tư vấn, sàng lọc bệnh thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh). Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người mang gene thalassemia, khoảng 8.000 trẻ sinh ra mắc bệnh thalassemia, 800 trẻ không thể ra đời do phù thai; với tỷ lệ người mắc bệnh khoảng 1-2% dân số.
"Việc sàng lọc và chẩn đoán sớm giúp giảm tỷ lệ trẻ sinh ra mắc bệnh thalassemia thể nặng. Góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa và quản lý bệnh thalassemia, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cán bộ chiến sĩ, người dân và giảm gánh nặng về y tế cho xã hội, cho lực lượng công an nhân dân", bác sĩ Tuyền chia sẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thanh Tuyền cũng đề xuất Nhà nước hỗ trợ về mặt kinh phí hoặc bảo hiểm y tế chi trả cho việc khám, điều trị vô sinh hiếm muộn, sàng lọc bệnh thalassemia để tiếp sức cho các gia đình trên hành trình tìm con, sàng lọc những phôi khỏe mạnh; góp phần nâng cao chất lượng dân số.