Nâng cao chất lượng điều dưỡng, bảo đảm an toàn cho người bệnh
Sáng 26/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo khoa học lĩnh vực điều dưỡng với chủ đề 'Nâng cao năng lực thực hành - An toàn người bệnh'.
Dự hội thảo có lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Hội Điều dưỡng Việt Nam, Sở Y tế Bắc Giang cùng 135 đại biểu là trưởng các khoa, phòng, trung tâm, thành viên Hội đồng điều dưỡng và điều dưỡng tiêu biểu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Các đại biểu dự hội thảo.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trung bình mỗi năm, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 365 nghìn lượt khám bệnh; 65,4 nghìn lượt điều trị nội trú và thực hiện hơn 12 nghìn ca phẫu thuật.
Xác định vai trò của điều dưỡng, Bệnh viện luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Hằng năm, Bệnh viện tổ chức từ 18 - 20 lớp tập huấn điều dưỡng, với nội dung tập trung cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn, phòng ngừa sự cố y khoa, kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng thiết bị y tế an toàn.
Năm 2024, Bệnh viện cập nhật 32 quy trình, chỉnh sửa 256 bảng kiểm soát người bệnh và ban hành 25 quy định thực hiện quy chế chuyên môn, giúp chuẩn hóa hoạt động điều dưỡng. Nhờ đó, tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ giảm từ 3,25% năm 2022 xuống còn 1,45% năm 2024.
Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận về các nội dung: Bảo đảm an toàn người bệnh tại Việt Nam; vai trò của điều dưỡng trưởng trong công tác bảo đảm an toàn người bệnh; phòng ngừa sự cố y khoa; nâng cao năng lực của điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh tham luận tại hội thảo.
Trao đổi về công tác bảo đảm an toàn người bệnh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh thông tin, dù chưa có số liệu thống kê chính thức về sự cố y khoa trên phạm vi toàn quốc song theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ sai sót y khoa ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam thường cao. Nguyên nhân bởi hạn chế về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và chất lượng chuyên môn.
Qua nắm bắt thực tế tại nhiều cơ sở y tế, việc nhận diện nguy cơ, báo cáo sự cố, chăm sóc người bệnh nguy cơ cao, thực hành dựa trên bằng chứng... vẫn còn những hạn chế. Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu chính là năng lực thực hành an toàn người bệnh của điều dưỡng - người trực tiếp tiếp xúc và chăm sóc người bệnh mỗi ngày.
Liên quan đến nội dung này, đồng chí Từ Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác khám, chữa bệnh, năng lực thực hành an toàn người bệnh của một bộ phận điều dưỡng, đặc biệt tại tuyến cơ sở còn chưa đồng đều, việc tiếp cận quy trình mới, công cụ hiện đại hạn chế. Một số chỉ tiêu về an toàn người bệnh mới đạt mức trung bình; trang thiết bị hỗ trợ hoạt động điều dưỡng thiếu đồng bộ…
Để khắc phục những tồn tại, theo đồng chí Từ Quốc Hiệu, ngành điều dưỡng tỉnh nói chung, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng cần tăng cường đào tạo, cập nhật kiến thức và kỹ năng thực hành an toàn người bệnh; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chuyên môn, đặc biệt việc tuân thủ quy trình kỹ thuật và quy chế chăm sóc người bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đánh giá chất lượng chăm sóc.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ, bác sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh nhấn mạnh, hội thảo được tổ chức trong bối cảnh toàn ngành Y tế đang nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm lo sức khỏe Nhân dân và hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Tiến sĩ, bác sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh phát biểu tại hội thảo.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, đồng chí đề nghị ngành Y tế Bắc Giang nói chung, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng tăng cường đào tạo, tập huấn thực hành an toàn người bệnh cho điều dưỡng, nội dung cần sát với thực tế công việc hằng ngày, có hướng dẫn cụ thể trong từng quy trình chăm sóc người bệnh.
Xây dựng văn hóa an toàn người bệnh tại mỗi khoa, phòng, lấy người bệnh làm trung tâm, bắt đầu từ vai trò gương mẫu của trưởng khoa, điều dưỡng trưởng. Tích hợp nội dung an toàn người bệnh vào hoạt động thường quy như: Giao ban, họp bệnh án, kiểm tra kiểm soát nhiễm khuẩn… để biến an toàn thành một phần trong thói quen chuyên môn.