'Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới'
Đây là chủ đề Hội thảo khoa học quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức chiều 28/8.
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; đồng chí Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chủ trì Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Vũ Trọng Lâm cho biết, thời gian qua, với sự quan tâm của các ngành, các cấp, sự nỗ lực của các cơ quan xuất bản, cơ sở đào tạo, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản đã liên tục được đổi mới về mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu về nguồn lực chất lượng cao cho ngành trong tình hình mới.
Hiện nay, trên cả nước có bốn cơ sở chủ yếu đào tạo cán bộ ngành xuất bản, in và phát hành, bao gồm: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội. Các cơ sở đào tạo về lĩnh vực xuất bản đã tích cực rà soát, đổi mới mục tiêu, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cập nhật các nội dung đào tạo mới phù hợp với thực tiễn phát triển ngành xuất bản, theo hướng hiện đại, khoa học, lấy người học làm trung tâm, chú trọng tính thực hành, thực tế và tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Công tác đào tạo ngày càng bám sát và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi mới của thực tiễn. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và tác động sâu sắc đến tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có Xuất bản, các cơ sở đào tạo đã nhanh chóng chuyển trọng tâm đào tạo sang lĩnh vực xuất bản số, xuất bản điện tử, trang bị cho người học kiến thức, năng lực ứng dụng các công nghệ xuất bản hiện đại; tích cực xây dựng lộ trình và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hoạt động giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành xuất bản trong tình hình mới. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, biên tập, cán bộ chuyên môn kỹ thuật và quản lý trong ngành xuất bản đã trưởng thành, tiến bộ nhiều mặt, trình độ sau đại học ngày càng tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng đào tạo chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Con số 4/450 trường đại học hiện nay ở Việt Nam có đào tạo về xuất bản, in và phát hành cho thấy sự rất ít ỏi, cùng với đó sức hút của ngành xuất bản có phần “yếu thế” hơn so với các ngành báo chí - truyền thông ở khía cạnh thu nhập và tính năng động, nên số lượng tuyển sinh, đào tạo hàng năm của các cơ sở đào tạo còn thấp, chưa thực sự giải tỏa được “cơn khát” nhân lực của ngành xuất bản.
Đặc biệt, nội dung nhiều chương trình đào tạo ngành xuất bản chưa thực sự phù hợp. Các nội dung đào tạo cấp thiết trong bối cảnh hiện nay như công nghệ xuất bản, công nghệ truyền thông, quản trị mạng, kinh doanh xuất bản phẩm… đều là những vấn đề mới, khó, nhưng thời gian và các điều kiện đào tạo cần thiết như cơ sở vật chất - kỹ thuật, đội ngũ giảng viên, nhất là các nhà khoa học đầu ngành của các cơ sở đào tạo còn thiếu.
Bên cạnh đó, trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến sự ra đời của nhiều phương thức xuất bản và phát hành mới, cùng với sự thay đổi về thị hiếu và đòi hỏi ngày càng cao trong trải nghiệm của công chúng đối với các xuất bản phẩm đã tác động lớn đến hoạt động xuất bản, in và phát hành sách tại Việt Nam. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản tại Việt Nam bởi thế cần phải thay đổi để bắt kịp xu thế mới, vì chính sự tồn tại và phát triển của ngành, nhất là khi ngành xuất bản đang phải vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, định hướng tư tưởng, nâng cao dân trí, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc; đồng thời phải thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản trở thành một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, phát triển toàn diện, vững chắc.
“Xuất phát từ thực tế đó, Hội thảo hôm nay là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo, quản lý các ban, bộ, ngành, ở Trung ương và địa phương, các cơ quan xuất bản, in, phát hành trao đổi, nghiên cứu, thảo luận nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản ở Việt Nam hiện nay, làm rõ những vấn đề đặt ra, từ đó đề xuất các giải pháp, khuyến nghị trong đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản, đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong giai đoạn phát triển mới”- Đồng chí Vũ Trọng Lâm nêu rõ.
Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới” được tổ chức trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang hướng tới tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/08/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”. Một trong những vấn đề trọng tâm đặt ra đối với ngành xuất bản trong thời kỳ mới được nêu rõ trong Chỉ thị, đó là việc phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ, giải pháp then chốt.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 68 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hội Xuất bản, và các cơ quan xuất bản, với nhiều chủ đề và góc nhìn phong phú, đa dạng.
Các tham luận tập trung làm rõ ba vấn đề chủ yếu: 1) Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; 2) Phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan về thực trạng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản ở Việt Nam hiện nay, chỉ rõ các thành tựu, hạn chế và phân tích nguyên nhân, làm rõ những vấn đề đặt ra; 3) Đề xuất các định hướng, giải pháp và khuyến nghị về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy khẳng định, các tham luận tại Hội thảo đều thống nhất khẳng định: Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là nhiệm vụ then chốt, có tính chất quyết định đến sự phát triển của ngành Xuất bản ở Việt Nam trong thời kỳ mới, điều này đã được khẳng định trong Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/08/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”.
Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động đào tạo cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Xuất bản có tư tưởng chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tư duy khoa học, giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, làm chủ các quy trình, công nghệ hiện đại, có năng lực hoạt động và thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện tác động của chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
Công tác đào tạo phải góp phần giúp ngành Xuất bản thực hiện tốt hai nhiệm vụ kép: vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc sách của nhân dân, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế, xây dựng ngành Xuất bản trở thành một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, phát triển toàn diện, vững chắc.
Tại Hội thảo, các ý kiến tham luận và phát biểu đã chỉ rõ những tiêu chí đánh giá cụ thể và các yếu tố tác động đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản Việt Nam hiện nay, tìm hiểu kinh nghiệm đào tạo nhân lực ngành Xuất bản của các nước trên thế giới và một số gợi mở đối với Việt Nam…
Theo đồng chí Phan Xuân Thủy, các ý kiến tham luận đã phân tích những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản ở Việt Nam sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Các cơ sở đào tạo chủ lực trong lĩnh vực Xuất bản đã tích cực rà soát, đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong cả ba lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, theo hướng hiện đại, khoa học, lấy người học làm trung tâm, chú trọng tính thực hành, thực tế và tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Công tác đào tạo ngày càng bám sát và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi mới của thực tiễn, thường xuyên bổ sung, cập nhật các nội dung đào tạo mới theo những bước tiến của ngành Xuất bản trong nước và thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong ngành Xuất bản, các cơ sở đào tạo đã nhanh chóng thích ứng, chuyển trọng tâm sang các lĩnh vực xuất bản số, xuất bản điện tử, công nghệ xuất bản, in và phát hành, thương mại hóa trong hoạt động xuất bản… gắn với trang bị các kỹ năng thiết yếu về công nghệ thông tin, năng lực ngoại ngữ, tin học cho người học. Cùng với đó tiếp tục quan tâm bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp đội ngũ cán bộ ngành Xuất bản. Nhờ đó, đã đào tạo và cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực xuất bản ngày càng có năng lực, trình độ, phẩm chất, cơ bản đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều ý kiến cũng làm rõ những hạn chế, khó khăn còn tồn tại trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản ở Việt Nam thời gian qua, cụ thể là: Quy mô đào tạo nhân lực cho ngành Xuất bản còn khiêm tốn; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa theo kịp yêu cầu phát triển của ngành Xuất bản.
Là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, song ngành Xuất bản cũng đang chứng kiến sự vắng bóng các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia ở các lĩnh vực mới của ngành ở nhiều cơ sở đào tạo. Hệ thống lý luận của ngành học - khoa học xuất bản đang đi chậm hơn so với sự phát triển mạnh mẽ của ngành trong thực tiễn. Năng lực của đội ngũ giảng viên ở các cơ sở đào tạo chưa đồng đều, hoặc chưa có kinh nghiệm sâu về lĩnh vực chuyên môn, hoặc thiếu kỹ năng sư phạm. Phương pháp đào tạo một số nơi, một số lúc còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo của người học, chưa phát huy được hết tính tích cực, chủ động của học viên, sinh viên. Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ đào tạo dù đã được các nhà trường nỗ lực đầu tư, song vẫn còn nhiều thiếu thốn, chưa theo kịp các công nghệ mới, hiện đại của ngành, khó đáp ứng được yêu cầu trang bị kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho người học.
Các tham luận và ý kiến tại Hội thảo đã phân tích, dự báo bối cảnh, xu hướng phát triển của ngành xuất bản trong thời gian tới, từ đó đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, cụ thể:
Một là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Xuất bản, coi đây là động lực quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, in và phát hành sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần khẳng định vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hai là, tiếp tục rà soát, đổi mới nội dung, hình thức, khung chương trình đào tạo. Thiết kế các mảng kiến thức và thời lượng phù hợp cho từng mảng cụ thể trong tổng thể chương trình đào tạo; nội hàm từng môn học cần chú trọng cập nhật các kiến thức và kỹ năng phù hợp với thực tiễn yêu cầu, đặc biệt chú trọng mảng kiến thức mới về xuất bản như phát hành xuất bản phẩm điện tử, quy trình công nghệ quản lý nhà nước về xuất bản, công nghệ kinh doanh xuất bản phẩm và những kiến thức và kỹ năng liên quan đến xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; coi trọng khối kiến thức, kỹ năng thực hành, thực tập nghề nghiệp trong chương trình đào tạo.
Ba là, thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên ngành Xuất bản trong các cơ sở đào tạo; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng phương tiện hiện đại trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản; tăng cường sử dụng phương tiện hiện đại trong hoạt động giảng dạy để cải tiến phương pháp, hình thức và công cụ giảng dạy và học tập; tăng cường và hoàn thiện hệ thống học liệu phục vụ công tác đào tạo; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, tổng kết thực tiễn trong ngành Xuất bản.
Bốn là, tăng cường gắn kết giữa cơ sở đào tạo với cơ quan, doanh nghiệp, nhà xuất bản, cơ sở in, phát hành trong quá trình đào tạo; gắn việc đào tạo, dự báo nhu cầu đào tạo với yêu cầu thực tiễn của ngành xuất bản, in và phát hành. Thu hút các chuyên gia là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo nhà xuất bản, công ty, doanh nghiệp sách tham gia giảng dạy các môn học, chuyên đề trong chương trình đào tạo; liên kết chặt chẽ với các nhà sách/công ty/doanh nghiệp sách trên địa bàn thực hiện đào tạo mảng thực hành nghiệp vụ cho từng môn học song hành với các chương trình thực tập nghề nghiệp trong chương trình đào tạo; tăng cường hợp tác quốc tế trong khu vực và thế giới trong đào tạo nhân lực cho ngành xuất bản.
Năm là, cùng với đào tạo tại các cơ sở đào tạo đại học, các cơ quan xuất bản cũng cần phải thường xuyên tiến hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp thường kỳ đối với cán bộ, biên tập viên, trong đó đặc biệt chú trọng các nội dung gắn với chuyển đổi số xuất bản, trí tuệ nhân tạo, kiến thức về truyền thông, tiếp thị, kinh doanh, thương mại hóa trong hoạt động xuất bản.
* Sau Hội thảo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các đơn vị liên quan sẽ phối hợp chắt lọc ý kiến tham luận, góp ý để xây dựng báo cáo kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật để tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ biên tập, xuất bản ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.