Nâng cao chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn Thủ đô

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lực lượng lao động có tay nghề trên địa bàn Thủ đô của các doanh nghiệp, công ty, nhà máy là rất lớn. Tuy nhiên, hoạt động thu hút học nghề, đào tạo nghề tại Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, cần sớm có những giải pháp tháo gỡ để bảo đảm nguồn cung lao động cho thị trường, góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô bứt phá trong thời gian tới.

Vẫn còn tâm lý trọng bằng cấp

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm luôn được chính quyền các cấp của TP Hà Nội coi trọng, quan tâm chỉ đạo, thể hiện cụ thể qua Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII, Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó xác định đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, là khâu đột phá quan trọng để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế.

 Học viên Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội thực hành chăm sóc sắc đẹp. Ảnh: KHÁNH AN

Học viên Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội thực hành chăm sóc sắc đẹp. Ảnh: KHÁNH AN

Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 4-12-2018 về triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp.

Tuy nhiên đến nay, kết quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia học nghề trên địa bàn chưa đạt tỷ lệ như mong muốn, đến năm 2023 mới đạt 18,5%, chưa bằng một nửa kế hoạch đề ra, dù thời hạn đến năm 2025 đã cận kề. Sự mất cân đối về số lượng người học ở các trình độ đào tạo sẽ dẫn đến việc không thực hiện được chủ trương đào tạo nghề chất lượng cao, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng công tác hướng nghiệp cho học sinh chưa thực sự tốt. Hiện nay, trong xã hội có nhiều gia đình vẫn còn nặng nề tâm lý trọng bằng cấp. Nhiều bậc phụ huynh thường làm công tác tư tưởng để áp đặt con mình thi vào các trường đại học thay vì các trường đào tạo nghề mà không quan tâm đến nhu cầu của xã hội, thực lực cũng như nguyện vọng của các em học sinh.

Cùng với đó, trên địa bàn TP Hà Nội có rất nhiều trường đại học từ công lập đến dân lập, mỗi trường lại mở thêm nhiều khoa, viện đào tạo đa lĩnh vực với số lượng chỉ tiêu lớn. Từ đó, học sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn các trường đại học sau khi tốt nghiệp THPT, dẫn đến các trường đào tạo nghề rất khó cạnh tranh để thu hút học sinh.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là còn một số cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn Thủ đô có chất lượng chưa cao, chưa có sự đầu tư bài bản từ cơ sở vật chất đến trình độ của giáo viên; không có sự hỗ trợ kịp thời, phù hợp với các đối tượng theo học nghề cũng như chưa bảo đảm được đầu ra cho học viên.

Đẩy mạnh phối hợp giữa doanh nghiệp và các trường nghề

Thừa nhận sự mất cân đối về số lượng người học ở các trình độ đào tạo tại Thủ đô, theo bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, cần tăng cường công tác định hướng, truyền thông để các bậc phụ huynh, các em học sinh hiểu rõ về những hình thức đào tạo, từ đó có lựa chọn phù hợp. Bà Bạch Liên Hương đánh giá, nhiều lao động trình độ sơ cấp hoặc trung cấp nhưng có tay nghề chuyên môn sâu, được đào tạo kỹ lưỡng thì năng lực làm việc thực tế không thua kém so với những người có bằng cấp cao hơn. Bên cạnh đó, hình thức đào tạo nghề trình độ sơ cấp thường có thời gian đào tạo ngắn (dưới 3 tháng), vì vậy, người học sẽ nhanh chóng được tiếp cận với thị trường lao động và dễ dàng có việc làm, có thu nhập ngay. Điều này đáp ứng đồng thời nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng như nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động.

 Tiết học của sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: KHÁNH AN

Tiết học của sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: KHÁNH AN

Hằng năm, Sở cũng tích cực phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn TP Hà Nội, thường xuyên tổ chức các ngày hội gắn kết, giáo dục nghề nghiệp, thu hút hàng nghìn người tham gia. Sở cũng phối hợp với nhiều doanh nghiệp hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề để có thể đưa học sinh vào thực hành, thực tập tại các phân xưởng, công ty, nhà máy cũng như hỗ trợ các cơ sở nâng cao chất lượng trang bị, thiết bị đào tạo. Kết quả từ năm 2020 đến nay, đã có hơn 4.000 lượt doanh nghiệp cùng nhiều hình thức phối hợp đa dạng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó đã tiếp nhận 154.000 học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập tại các cơ sở này.

Bên cạnh đó, Điều 16 Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định về cơ chế thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố, trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn; hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn TP Hà Nội; hỗ trợ học phí cho học viên học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao của Thủ đô.

Có thể nói, đây chính là cơ sở giúp TP Hà Nội xây dựng và ban hành các cơ chế đặc thù để phát triển nguồn lao động chất lượng cao của Thủ đô, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế, khẳng định vai trò và vị thế của Thủ đô trên cả nước.

HOÀNG CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nang-cao-chat-luong-dao-tao-nghe-tren-dia-ban-thu-do-786353
Zalo