Nâng cao chất lượng công tác dân vận trong tình hình mới

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận: 'Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công…', những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, công tác dân vận đã được cụ thể hóa bằng những việc làm, hành động cụ thể. Qua các mô hình dân vận khéo, không những góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mà còn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từ đó tiếp thêm niềm tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước.

Cán bộ Ðồn Biên phòng Na Cô Sa và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) bàn giao mô hình kinh tế cho phụ nữ nghèo trong khuôn khổ chương trình “Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Ảnh: Quang Long

Cán bộ Ðồn Biên phòng Na Cô Sa và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) bàn giao mô hình kinh tế cho phụ nữ nghèo trong khuôn khổ chương trình “Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Ảnh: Quang Long

Nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả

Nằm trên đỉnh núi cao, bản Pu Cai, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) là nơi sinh sống của 30 hộ dân tộc Mông. Nhiều năm trước, đây là địa bàn khó khăn bậc nhất của xã; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phức tạp. Nhưng giờ đây, đời sống người dân đang đổi thay từng ngày; mọi người, mọi nhà đều sống bình yên trong sự đoàn kết, thuận hòa. Hầu hết các sự việc mâu thuẫn, xích mích dù to hay nhỏ, trong gia đình hay ngoài cộng đồng… đều được giải quyết thấu đáo; những chủ trường, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước được người dân tiếp cận nhanh chóng, đồng thuận, nhất trí cao.

Theo ông Sùng Vàng Giàng, Trưởng bản Pu Cai, trong giải quyết các vụ việc ở cơ sở, bản thân ông và các thành viên trong tổ hòa giải luôn sử dụng phương châm “mưa dần thấm lâu”, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những người trong cuộc, từ đó đưa ra cách giải quyết thuyết phục nhất, tạo mối đoàn kết nội bộ bản.

Ông Giàng cho biết, trước đây khi Nhà nước triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, một số trường hợp không đồng thuận giao đất để thực hiện. Tuy nhiên, khi vai trò của các tổ chức đoàn thể được phát huy, người dân đã hiểu và đồng thuận. Chẳng những vậy, bà con còn tự nguyện hiến đất để tuyến đường sớm hoàn thành.

Xác định công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, những năm qua, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai tổ chức các phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Các cấp ủy, chính quyền, đơn vị lực lượng vũ trang, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực quan tâm lãnh đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia thực hiện; cùng với đó, xây dựng nhiều mô hình, điển hình thực hiện phong trào “Dân vận khéo” gắn với thực hiện hương ước, quy ước ở địa phương. Ðáng nói, nhiều mô hình, điển hình dân vận khéo đã phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa trong xã hội, được các đơn vị học tập nhân rộng. Ðến nay, toàn tỉnh có hơn 700 mô hình, điển hình tiên tiến “Dân vận khéo”. Sau hơn 10 năm triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, toàn tỉnh đã có gần 2.000 tập thể, hơn 4.700 cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xây dựng hệ thống chính trị...

Nâng cao chất lượng trong tình hình mới

Không chỉ phát huy vai trò tham gia giải quyết những vấn đề phát sinh tại cơ sở, bảo vệ quyền, lợi ích cho nhân dân, những năm qua, công tác dân vận đã được cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đẩy mạnh. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, mỗi cấp, ngành, mỗi tổ chức chính trị - xã hội đã gắn phong trào thi đua với các hoạt động, nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Ðảng, pháp luật Nhà nước; khơi gợi tinh thần yêu nước trong Nhân dân, vận động Nhân dân tích cực tham gia lao động, sản xuất; thực hiện hiệu quả các cuộc vận động như: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ngày Vì người nghèo”...

Dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, song theo nhận định của cơ quan chức năng, công tác dân vận vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Ðể phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng và công tác dân vận nói chung tiếp tục phát huy hiệu quả, lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, mới đây tại Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, dân chủ cơ sở trên địa bàn tỉnh” do Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức, đại biểu cũng tham gia đóng góp ý kiến, trao đổi, đề ra nhiều giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh việc cần thiết phải nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới; xem đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, đối với phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội; đồng thời phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, phù hợp với điều kiện từng địa phương, cơ sở... có như vậy thì việc gì cũng thành công.

Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/quoc-phong/209156/nang-cao-chat-luong-cong-tac-dan-van-trong-tinh-hinh-moi
Zalo