Nâng cao chất lượng công tác biên soạn lịch sử đảng bộ
Tính đến tháng 12/2024, toàn tỉnh có 10/10 huyện, thành phố; 144/151 xã, phường, thị trấn đã xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương. Hiện 7 xã, phường, thị trấn đang tiến hành sưu tầm, biên soạn, chỉnh sửa, chuẩn bị xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương.
Tính đến tháng 12/2024, toàn tỉnh có 10/10 huyện, thành phố; 144/151 xã, phường, thị trấn đã xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương. Hiện 7 xã, phường, thị trấn đang tiến hành sưu tầm, biên soạn, chỉnh sửa, chuẩn bị xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương.
Trước thềm Đại hội Đảng các cấp, công tác chuẩn bị được xã Chí Đạo (Lạc Sơn) tập trung triển khai đảm bảo kế hoạch, hướng dẫn của huyện. Đây cũng là thời điểm để địa phương nhìn lại quá trình xây dựng, phát triển của Đảng bộ xã. Và cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Chí Đạo giai đoạn 1945 - 2020 là một trong những tư liệu quý được cán bộ, đảng viên quan tâm tìm đọc. Đồng chí Quách Thanh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Chí Đạo cho biết: Cuốn lịch sử Đảng bộ xã được chúng tôi tổ chức biên soạn công phu, có giá trị, ít sai sót, được các cơ quan chuyên môn cấp trên và đông đảo cán bộ, nhân dân, bạn đọc đánh giá cao, nhất là rất thiết thực góp phần giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, học sinh trên địa bàn xã. Đây cũng là tài liệu quan trọng lưu giữ, khẳng định những nhân vật lịch sử, đóng góp của các tầng lớp cán bộ, nhân dân đối với sự phát triển của địa phương.
Thực tế cho thấy, việc sưu tầm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu đề tài khoa học lịch sử được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, chú trọng từ khâu xây dựng kế hoạch sưu tầm, xác minh và thẩm định tư liệu. Do đó, những văn bản, hiện vật, tài liệu, tư liệu, nhân chứng… cơ bản đầy đủ, chính xác, phong phú, giúp cho các sản phẩm, công trình khoa học đáp ứng được yêu cầu và có giá trị lớn. Nhiều địa phương dành nguồn kinh phí từ 30 - 50 triệu đồng hỗ trợ cho mỗi đơn vị cơ sở trực thuộc triển khai công tác sưu tầm, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống. Như huyện Cao Phong hỗ trợ mỗi xã 80 triệu đồng; huyện Kim Bôi hỗ trợ mỗi xã 70 triệu đồng; huyện Lương Sơn hỗ trợ mỗi xã từ 60 - 80 triệu đồng; TP Hòa Bình và các huyện còn lại hỗ trợ mỗi xã 20 - 60 triệu đồng. Ngoài ra, đảng bộ các xã, phường, thị trấn, đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị ra nghị quyết chi kinh phí để phục vụ công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống. Nhiều tập thể, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ, tham gia vào việc sưu tầm, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, ngành, đơn vị…
Bên cạnh đó, công tác thẩm định lịch sử đảng bộ dần đi vào nền nếp, bài bản và khoa học. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức thẩm định nhiều công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn. Chất lượng thẩm định ngày càng được nâng cao, góp phần đảm bảo tính chính xác, khoa học, giáo dục.
Cùng với việc thẩm định các công trình lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng thẩm định nhiều tài liệu giảng dạy lịch sử truyền thống, tài liệu tuyên truyền, phim tư liệu lịch sử, các cuộc trưng bày triển lãm, hội thảo chuyên đề về công tác lịch sử… để đảm bảo tính khoa học, giáo dục và lịch sử của nội dung tuyên truyền.
Nét nổi bật trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng của tỉnh là Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai đề tài "Biên soạn sách giáo khoa giảng dạy lịch sử đảng bộ địa phương trong trường phổ thông ở tỉnh Hòa Bình”. Đề tài được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Lịch sử Đảng đánh giá cao, ứng dụng vào thực tiễn với việc xuất bản hàng vạn cuốn "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình (1929 - 2010)” cấp phát cho 100% trường học trên toàn tỉnh phục vụ việc dạy và học lịch sử địa phương. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành kiểm tra, đánh giá việc giảng dạy, học tập lịch sử địa phương. Đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng về nội dung chương trình lịch sử địa phương cho giáo viên môn Lịch sử nhằm nâng cao chất lượng công tác này.
Đồng chí Võ Ngọc Kiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận định: Công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ, truyền thống cách mạng của địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị ngày càng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và có chuyển biến tích cực. Nhiều huyện, thành phố đã chỉ đạo biên soạn tài liệu giáo dục truyền thống lịch sử địa phương và đưa vào giảng dạy trong trường học, Trung tâm Chính trị cấp huyện.
Nhìn chung, các ấn phẩm lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống được xuất bản đã tái hiện khá đầy đủ, toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử phong trào cách mạng của địa phương, đơn vị; đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính giáo dục.