Nâng cao cảnh giác với thuốc, thực phẩm chức năng giả

Hiện các thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành được công khai trên cổng dịch vụ công quốc gia; người dân có thể tra cứu cụ thể.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả qui mô lớn, ngày 16/4. Ảnh: TTXVN phát

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả qui mô lớn, ngày 16/4. Ảnh: TTXVN phát

Trước vụ việc Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết Bộ đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật và triệt để thu hồi các thuốc do đối tượng làm giả đưa ra thị trường.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý Dược, các thuốc được làm giả này chủ yếu được bán qua mạng, kênh phân phối nhỏ lẻ, chưa phát hiện thấy các sản phẩm này tại các cơ sở khám chữa bệnh do không có giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu.

Về quy trình đưa sản phẩm thuốc, vaccine, sinh phẩm ra thị trường, theo Cục Quản lý dược, thuốc phải cấp giấy đăng ký lưu hành mới được lưu thông trên thị trường.

Hiện nay, tất cả thông tin về các thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành được công khai trên cổng dịch vụ công quốc gia. Người dân có thể tra cứu các loại thuốc qua địa chỉ chính thức là: https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc

Theo quy định, tất cả các sản phẩm thuốc, vaccine, sinh phẩm đều phải được kiểm tra, đánh giá, kiểm định trước khi xuất xưởng. Đặc biệt, đối với thuốc hóa dược, tân dược, dược liệu, cổ truyền đều được lấy mẫu để kiểm tra chất lượng; nhất là những thuốc có nguy cơ làm giả cao hoặc có khả năng không đảm bảo chất lượng trong quá trình lưu hành.

Trong công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả có sự phối hợp của nhiều phía như: Ngành Y tế, Công an, lực lượng quản lý thị trường phối hợp để việc kiểm tra, giám sát đối với việc phòng, chống thuốc giả. Để công tác phòng chống thuốc giả hiệu quả hơn, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, trong số 21 loại sản phẩm đã bị cơ quan Công an bắt giữ có 4 loại giả thuốc tân dược (44 hộp Tetracyclin, 40 hộp Clorocid, 49 hộp Pharcoter, 52 hộp Neo-Codion); còn lại là 39.323 hộp gồm 17 loại sản phẩm giả nghi là thuốc đông dược, sản phẩm có nhãn ghi mục đích sử dụng như thuốc chữa bệnh.

Cảnh báo về việc người dân mua nhầm phải các loại thuốc giả và sử dụng, BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới (Bộ Quốc phòng) khuyến cáo: "Nếu người dân vô tình sử dụng phải các loại thuốc nằm trong danh sách cảnh báo, cần phải ngừng ngay việc sử dụng các loại thuốc này; bởi dù chỉ uống một liều hay nhiều liều, việc tiếp tục sử dụng có thể khiến tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, trong trường hợp sử dụng phải thuốc giả, người dân cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và tư vấn. Cần khai báo cụ thể loại thuốc đã dùng, liều lượng và thời gian sử dụng để được hỗ trợ quá trình xử lý và theo dõi".

Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng, người dân cũng cần theo dõi sát các biểu hiện bất thường như: Đau đầu, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, dị ứng... và ghi lại diễn biến triệu chứng để cung cấp cho nhân viên y tế.

Bác sĩ cũng lưu ý, nếu người dân còn bao bì thuốc nên giữ lại để có bằng chứng quan trọng giúp xác định nguồn gốc và thành phần thuốc giả.

Đặc biệt, người dân cần báo cáo với cơ quan chức năng như: Sở Y tế, Cục Quản lý Dược hoặc công an địa phương về các loại thuốc nghi ngờ là thuốc giả để không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần ngăn chặn mối nguy hiểm cho cộng đồng.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/nang-cao-canh-giac-voi-thuoc-thuc-pham-chuc-nang-gia-20250418090519687.htm
Zalo