Nâng cánh bay cho các nhà khoa học nữ

Trong buổi gặp mặt các đại biểu Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, trong đó có nữ trí thức, phát huy tối đa năng lực, tâm huyết của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho các nữ trí thức, các nhà khoa học nữ tham gia các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024. (Nguồn: TTXVN)

Nhà khoa học nữ trở thành hình mẫu, truyền cảm hứng cho các thế hệ sau

Ngày 14/10/2024, Quỹ Giải thưởng Tài năng nữ Việt Nam đã trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam vinh danh 11 cá nhân và 4 tập thể nữ có những đóng góp xuất sắc trong các lĩnh vực đời sống, khoa học và công nghệ. Trong đó, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hoài và TS Hà Thị Thanh Hương là hai nhà khoa học nữ hiện đang làm việc tại Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM) với những thành tích nổi bật vì những đóng góp cho cộng đồng.

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM) có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học. PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hoài đã công bố 82 công trình nghiên cứu khoa học, mang lại những đóng góp thiết thực, hữu ích cho sức khỏe cộng đồng. Với những cống hiến của mình, chị đã đạt được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá như: Nhà Khoa học nữ xuất sắc L'Oreal-UNESCO năm 2023; Giải thưởng Nhà Khoa học trẻ năm 2019 của Hiệp hội Đề kháng thuốc châu Á...

Là phụ nữ làm nghiên cứu khoa học và cũng là nhà giáo, theo PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hoài, trong nghiên khoa học, vị thế và vai trò của nữ trí thức đã được khẳng định. Phụ nữ hoàn toàn có thể được đảm nhiệm các vị trí chủ chốt trong các ngành khoa học định hình tương lai thế giới. “Tôi cho rằng, nam hay nữ đều có những tài năng, ưu thế riêng. Người Việt, đặc biệt phụ nữ Việt, rất dẻo dai, bền bỉ, cần cù, sáng tạo, không ngại khó. Đó là những nền tảng để đi trên con đường khoa học đầy chông gai”, theo PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hoài.

Cũng đang làm việc tại Trường ĐH Quốc tế, TS Hà Thị Thanh Hương - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, khoa Kỹ thuật Y sinh có nhiều phát minh, sáng chế có giá trị khoa học và thực tiễn cao, điển hình là dự án “Phần mềm Brain Analytics” giúp chẩn đoán bệnh cho các bệnh nhân vùng sâu, vùng xa. Năm 2023, TS Hà Thị Thanh Hương đã lập “cú ăn ba” lịch sử khi trở thành chủ nhân của giải thưởng “Women of the Future Southeast Asia 2023”, “Giải thưởng “Quả cầu Vàng”, danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP HCM”. Trước đó, TS Hà Thị Thanh Hương giành được học bổng khoa học quốc gia “L’Oreal - UNESCO For Women in Science 2022”. Đây là học bổng duy nhất dành cho các nhà nghiên cứu khoa học nữ, những người đã vượt qua mọi rào cản để thực hiện đam mê nghiên cứu khoa học, đóng góp vào sự phát triển của văn minh nhân loại, sự bền vững của hành tinh và sức khỏe con người. Ngoài ra, TS Hà Thị Thanh Hương còn là một trong 15 nhà nghiên cứu trẻ trên toàn thế giới được trao tặng Giải thưởng “Early Career Award năm 2020” của Tổ chức Nghiên cứu Não quốc tế (International Brain Research Organization), có trụ sở tại Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên một nữ tiến sĩ tại Việt Nam nhận được giải thưởng này.

Trước đó, tháng 9/2024, tại Lễ kỷ niệm 15 năm Chương trình Giải thưởng khoa học L'Oreál - UNESCO “Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học” tổ chức tại Hà Nội, các nhà khoa học nữ từng nhận giải thưởng từ năm 2009 đến năm 2023 đã được trao tặng Kỷ niệm chương vì những đóng góp to lớn của họ cho khoa học Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung. Kể từ khi triển khai tại Việt Nam, giải thưởng đã vinh danh và trao học bổng nghiên cứu cho 38 nhà khoa học nữ trẻ tài năng của Việt Nam, trong đó có ba người đã được trao giải Tài năng trẻ triển vọng quốc tế năm 2015, 2018 và 2022 vì những đóng góp nổi bật của họ trong lĩnh vực Khoa học sự sống và Khoa học vật liệu. Phát biểu tại sự kiện, bà Lidia Brito, Phó Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên nhấn mạnh những nhà khoa học nữ này đã trở thành hình mẫu, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ em gái và phụ nữ tương lai theo đuổi sự nghiệp khoa học và công nghệ vì “công trình của họ chứng minh sức mạnh của sự lãnh đạo của phụ nữ trong khoa học và là minh chứng hùng hồn cho những gì có thể đạt được khi phụ nữ được trao cơ hội để phát triển”.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nữ trí thức, các nhà khoa học nữ

Tại Việt Nam, khoa học và công nghệ là một trong 8 lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có sự gia tăng đáng kể (chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước), cùng với đó là những đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội như sản xuất nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, hóa học, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội… Kết quả của các hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, tích cực thu hút đầu tư, tạo việc làm, thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật và phát triển đời sống kinh tế đất nước.

Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2024 vinh danh hai nhà khoa học nữ của trường ĐH Quốc tế ĐHQG TP HCM. (Nguồn :TP)

Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2024 vinh danh hai nhà khoa học nữ của trường ĐH Quốc tế ĐHQG TP HCM. (Nguồn :TP)

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nghiên cứu khoa học cần sự tập trung cao và dành nhiều thời gian cũng như tâm huyết, song cán bộ, giảng viên nữ với thiên chức của mình (làm mẹ, nuôi con) mất khá nhiều thời gian trong các công việc gia đình, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, tâm lý ngại va chạm, dấn thân của nữ giới đôi khi cũng trở thành rào cản trong hợp tác nghiên cứu khoa học. Vì thế, nhiều nhà khoa học nữ cho rằng, để tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học nữ, chúng ta cần có những chính sách khuyến khích riêng và đặc thù hơn. Các nhà khoa học nữ có chung mong muốn, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ban, ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện với những chính sách, cơ chế đầu tư nguồn nhân lực khoa học nói chung và giới khoa học nữ nói riêng ngày càng cụ thể hơn với các cơ chế đặc thù như Quỹ khoa học và công nghệ dành cho các nhà khoa học nữ hay các cơ chế, chính sách ưu tiên chương trình khoa học và công nghệ dành cho nhà khoa học nữ…

Tháng 10/2024, Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương được Hội Nữ trí thức Việt Nam đăng cai tổ chức tại Thủ đô Hà Nội là một minh chứng sinh động cho sự chủ động hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ của đội ngũ nữ trí thức Việt Nam. Sự kiện càng có ý nghĩa khi Việt Nam vừa tổ chức Ngày hội Đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2024.

Gặp mặt các đại biểu Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hướng tới kỷ nguyên phát triển mới, Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững; góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng về biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, nâng cao năng suất lao động… Thủ tướng nhấn mạnh, với tinh thần “đổi mới để bứt phá, vượt qua chính mình - sáng tạo để vươn xa, bay cao trong bầu trời kỷ nguyên số và phát triển xanh của nhân loại”, Việt Nam nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong tiến trình đổi mới sáng tạo của nhân loại.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ đề cao và thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại để phát triển; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, trong đó có nữ trí thức, phát huy tối đa năng lực, tâm huyết, tham gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thông qua việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học và công nghệ, hạ tầng cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Đồng thời ưu tiên nguồn tài chính, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị hiện đại cho nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ; khuyến khích sự sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và đời sống...

Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, trong đó có nữ trí thức, phát huy tối đa năng lực, tâm huyết của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho các nữ trí thức, các nhà khoa học nữ tham gia các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thông qua việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học và công nghệ, hạ tầng cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; ưu tiên nguồn tài chính, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị hiện đại cho nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ; khuyến khích sự sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất và đời sống...

Hoa Bùi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nang-canh-bay-cho-cac-nha-khoa-hoc-nu-post539887.html
Zalo