Nâng bước em tới trường
Những người lính biên phòng ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự còn tích cực thực hiện công tác dân vận, giúp dân. Trong đó, tiếp sức cho học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên giới là việc làm cao đẹp, nhân văn mang đậm dấu ấn của lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Long An.
Luôn đồng hành với giáo dục
6 giờ sáng của những ngày đầu năm mới 2024, Thượng tá Phạm Thành Trung - Đồn trưởng Đồn Biên phòng (ĐBP) Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ), vội vàng lấy xe nổ máy. “Ngoài đó, anh em mới báo có việc gấp nên mình phải chạy ra liền để hỗ trợ. Xong việc, mình sẽ xuống cơ sở thăm hỏi đời sống người dân và chuyện học hành của mấy em được đơn vị trao tặng học bổng” - Thượng tá Trung nói vội và lái xe chạy về hướng trạm biên giới.
Anh Trung có hơn 20 năm gắn bó trong lực lượng BĐBP. Anh trải qua nhiều vị trí công tác ở nhiều địa bàn biên giới tại mảnh đất Long An “trung dũng, kiên cường”.
Những ngày đầu anh Trung về biên giới công tác với muôn vàn khó khăn từ đi lại đến điều kiện ăn, ở, sinh hoạt. Dù vậy, anh và những đồng đội đến từ mọi miền đất nước bám sát địa bàn, đoàn kết thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngoài nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, trong ký ức của anh và đồng đội không bao giờ quên những thời gian khó khăn, gập ghềnh, trở ngại của lĩnh vực giáo dục trên vùng biên giới đầy khắc nghiệt nắng, gió.
Trường, lớp tạm bợ, bị ngập trong mùa lũ, HS đi lại bằng ghe xuồng, thấy mà thương. Rồi những ngày tháng gian nan vận động trẻ đến trường, ngăn dòng bỏ học giữa chừng cũng là cả một câu chuyện dài.
“Không chỉ các thầy, cô giáo, các cấp chính quyền ra sức chăm lo cho con em vùng biên học tập mà trong đó cũng có sự tham gia rất tích cực, đầy tâm huyết, trách nhiệm của những cán bộ, chiến sĩ BP” - Thượng tá Trung kể.
Có những việc làm trở thành thương hiệu, truyền thống của BĐBP tỉnh. Đó là những lớp học tình thương do BĐBP mở ra để xóa mù chữ cho trẻ em Việt kiều Campuchia về định cư ở các địa bàn biên giới. Hình ảnh những thầy giáo quân hàm xanh “bất đắc dĩ” đứng lớp giảng dạy trẻ đánh vần, đọc chữ và các phép nhân, chia, cộng, trừ thật sự rất xúc động, nhân văn giữa đời thường.
Ông Nguyễn Văn Tâm (70 tuổi) sống ở xóm Việt kiều tại xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, bày tỏ: “Chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng “không đâu tốt và nghĩa tình như quê hương mình. Về đây, chúng tôi vẫn được cưu mang và được gọi với 2 chữ "đồng bào" thật ấm áp”.
Cũng như Thượng tá Trung, Thượng tá Nguyễn Văn Nam - Chính trị viên ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), rất bận rộn với công việc. Anh cho rằng, những năm qua, với sự quan tâm đầu tư, nhiều chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước nên khu vực biên giới của tỉnh thay đổi hoàn toàn khác. Giáo dục cũng chính là điểm sáng trong bức tranh xán lạn ấy. Anh dẫn chứng, trường lớp ở vùng biên giới hiện nay hầu hết rộng rãi, được xây dựng khang trang, sạch, đẹp. Tuy nhiên, với đặc thù vùng sâu, vùng xa, đời sống nhiều người dân còn khó khăn, vì vậy, việc học của con em cũng còn có nhiều thiệt thòi.
Có em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải nghỉ học giữa chừng, càng tiếc khi trong đó có những trường hợp học tốt và ham học. “Vì vậy, ngoài các lớp học tình thương, những năm gần đây, BĐBP tỉnh còn thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa khác giúp đỡ các HS có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên giới” - Thượng tá Nam chia sẻ.
Học bổng tiếp sức cho học sinh khó khăn
Những việc làm tiêu biểu, có thể kể đến mô hình Con nuôi ĐBP; Dự án cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường; chương trình Nâng bước em tới trường. Nổi bật là chương trình Nâng bước em tới trường do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động và được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh hưởng ứng triển khai, thực hiện từ năm học 2016-2017 đến nay. Kinh phí để trao học bổng do cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh tự nguyện đóng góp.
Chương trình Nâng bước em tới trường đã, đang trở thành một việc làm mẫu mực, bài bản, mang lại những hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Những suất học bổng phần nào sẻ chia khó khăn với nhiều gia đình, góp phần giúp đỡ các em HS có thêm điều kiện đến trường học tập và rèn luyện.
Những suất học bổng còn cổ vũ, động viên, khích lệ các em vươn lên trong học tập, cuộc sống. Chương trình Nâng bước em tới trường còn lan tỏa và gắn kết thêm tình cảm quân - dân bền chặt, xây dựng mối quan hệ đoàn kết với người dân và các cấp chính quyền, lực lượng bên Campuchia. Từ đó, cùng chung sức, chung lòng bảo vệ đường biên, cột mốc, lãnh thổ quốc gia và sự bình yên biên giới.
Với những người lính BP: "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Bên cạnh hoàn thành tốt các nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, phòng, chống tội phạm, buôn lậu, người lính BP rất vui và hạnh phúc khi được đóng góp để chia sẻ, đồng hành, giúp đỡ, tiếp sức HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn trong hành trình học tập.
Thượng tá Chung Văn Hai - Trưởng ban Vận động quần chúng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cho biết, nhân dịp khai giảng năm học mới hàng năm đều trao tặng 64 suất học bổng của chương trình Nâng bước em tới trường (mỗi suất trị giá 6 triệu đồng) cho HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn (45 HS nội biên ở các xã biên giới của tỉnh và 19 HS ngoại biên ở các xã biên giới đối diện bên nước bạn Campuchia). Đến nay, sau 8 năm BĐBP tỉnh trao tặng 512 suất học bổng (360 em nội biên và 152 em ngoại biên), với tổng số tiền gần 3,1 tỉ đồng.
Mới đây, thừa ủy quyền của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp trao học bổng chương trình Nâng bước em tới trường cho em Chhun Ni Ta - HS lớp 8A, Trường THCS Th'may, xã Th'may, huyện Kong Pong Ro, tỉnh Svay Rieng. “Em mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng vẫn muốn được đi học. Em cảm ơn phần quà học bổng từ các chú BĐBP Việt Nam, đây là niềm khích lệ, động viên rất lớn” - Chhun Ni Ta nói và được một cán bộ BP dịch lại.
Nghĩa cử cao đẹp của những người lính BP nơi tiền tiêu của Tổ quốc đối với HS vùng biên càng tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ cũng như truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng./.
Nhiều năm qua, trên tuyến biên giới của tỉnh, BĐBP tỉnh mở các lớp học tình thương cho hàng trăm em Việt kiều trở về từ Campuchia. Đồng thời, tại ĐBP Cửa khẩu Cảng Bến Lức đã mở các lớp dạy học cho hàng chục em là con công nhân, người lao động. Từ năm 2019 đến nay, BĐBP tỉnh cũng thực hiện mô hình Con nuôi ĐBP. Đến nay, các đơn vị nhận nuôi và đỡ đầu 8 em.
Năm học 2023-2024, thực hiện Dự án cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường trao tặng 12 suất học bổng cho 12 HS người dân tộc thiểu số với kinh phí gần 90 triệu đồng.