Nạn nhân bị Công ty Cổ phần Triệu nụ cười lừa đảo cần phải làm gì để lấy lại tiền?

Liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty Cổ phần Triệu nụ cười, để có cơ hội lấy lại tiền, các nạn nhân cần ngay lập tức tố cáo hành vi lừa đảo đến cơ quan công an, Viện Kiểm sát nơi gần nhất.

Như ANTĐ đã đưa tin, mới đây, Phòng An ninh kinh tế - CATP Hà Nội đã phát hiện Công ty Triệu nụ cười (ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức) có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua bán đồng QFS (được gọi là tiền lượng tử) cho người dân.

Sáng 24-12, cơ quan công an đã triệu tập, làm việc với Hồ Quốc Thân - Tổng Giám đốc Công ty Triệu nụ cười và 7 nhân viên công ty có liên quan. Đồng thời, tiến hành khám xét khẩn cấp Công ty Triệu nụ cười để điều tra hành vi lừa đảo kinh doanh đồng tiền lượng tử QFS.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về đồng QFS với nhiều yếu tố tâm linh, sơ bộ xác định tổng doanh thu từ việc bán đồng QFS của Hồ Quốc Thân là khoảng 30 tỷ đồng. Hiện cơ quan ANĐT Công an thành phố Hà Nội đang tiếp tục điều tra, củng cố tài liệu chứng cứ để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định.

Lực lượng công an khám xét trụ sở Công ty CP Triệu nụ cười của Hồ Quốc Thân

Lực lượng công an khám xét trụ sở Công ty CP Triệu nụ cười của Hồ Quốc Thân

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, chiêu trò bán tiền ảo nhằm thu lời bất chính không phải là mới, song do hoa mắt vì lợi nhuận, không ít cá nhân vẫn dễ dàng sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Trong vụ việc liên quan đến Công ty Triệu nụ cười, nếu cơ quan tiến hành tố tụng có đủ căn cứ cho rằng, Chủ tịch Công ty này đã có hành vi lừa đảo kinh doanh đồng tiền lượng tử QFS thì đối tượng có thể bị khởi tố theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi.

Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm:

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168 - 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân:

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, với số tiền chiếm đoạt khoảng 30 tỷ đồng, đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo có thể đối diện với mức án cao nhất là tù chung thân.

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, để có cơ hội lấy lại tiền, các nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần ngay lập tức tố cáo hành vi lừa đảo của đối tượng đến cơ quan công an, Viện Kiểm sát nơi gần nhất để sớm được giải quyết. Khi tố cáo, nạn nhân phải gửi hồ sơ tố giác bao gồm các giấy tờ: Đơn trình báo công an; CMND/ CCCD/ Hộ chiếu của bị hại (bản sao công chứng); Sổ hộ khẩu của bị hại (bản sao công chứng); Chứng cứ liên quan để chứng minh (hình ảnh, ghi âm, video,… có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nan-nhan-bi-cong-ty-co-phan-trieu-nu-cuoi-lua-dao-can-phai-lam-gi-de-lay-lai-tien-post599477.antd
Zalo