Nan giải thu hồi đất rừng bị lấn chiếm ở Đắk Lắk và Đắk Nông

Để người dân lấn chiếm, xâm canh đất rừng thời gian dài, diện tích lớn, đến nay 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk mới xây dựng kế hoạch thu hồi...

Một cánh rừng ở Đắk Lắk bị người dân phá để lấy đất canh tác. Ảnh: TT

Một cánh rừng ở Đắk Lắk bị người dân phá để lấy đất canh tác. Ảnh: TT

Vi phạm lâm luật vẫn phức tạp

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh xảy ra 225 vụ vi phạm lâm luật. Trong đó, 134 vụ phá rừng với diện tích thiệt hại 31,28ha, diện tích phá rừng tăng 37,8% (8,58ha) so với cùng kỳ năm 2023.

Lý giải về tình trạng này, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho rằng, phá rừng tăng còn do giá cả các mặt hàng nông sản tăng, kéo theo nhiều người phá rừng, mở rộng diện tích sản xuất, “nóng” nhất hiện nay là tình trạng phá rừng, tái lấn chiếm đất rừng ở huyện Đắk Glong.

Theo đánh giá, dù địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, nhưng tình trạng phá rừng vẫn diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2024, toàn huyện Đắk Glong xảy ra 116 vụ phá rừng, tăng 21 vụ so với 2023 và diện tích tăng trên 4ha.

Còn tại Đắk Lắk, trong 9 tháng năm 2024 đã xảy ra 663 vụ vi phạm lâm luật (tăng 49 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Tịch thu 176m3 gỗ các loại, 60 phương tiện vi phạm. Diện tích rừng bị thiệt hại hơn 145ha. Theo lý giải, tình trạng vi phạm lâm luật chủ yếu do di dân tự do, phá, lấn chiếm đất rừng để sản xuất.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra (1858/KL-TTCP ngày 18/10/2022), từ năm 2015 đến nay, Đắk Lắk giảm hơn 44.000ha rừng, trong đó giai đoạn từ 2017 - 2020 là 27.460ha.

Thu hồi gắn với bảo đảm sinh kế

Thời gian qua, các địa phương tổ chức nhiều đợt thu hồi đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, xâm canh. Tuy nhiên, con số đạt được rất nhỏ so với thực trạng diện tích rừng, đất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý nhưng bị lấn chiếm, xâm canh.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông, trên địa bàn tỉnh có khoảng 70.000ha đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để canh tác, sản xuất nông nghiệp.

Các huyện Đắk Glong, Tuy Đức, Krông Nô là địa phương có diện tích rừng bị mất, lấn chiếm nhiều nhất. Ở những địa bàn này, hàng năm có hàng trăm hộ dân di cư tự do từ phía Bắc vào cần đất để sản xuất. Việc xử lý phải hết sức thận trọng, vì gây ảnh hưởng đến sinh kế người dân, dễ tạo ra “điểm nóng”.

“Mục đích, không làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và không làm vỡ quy hoạch ba loại rừng, nhằm đảm bảo duy trì ổn định tỉ lệ che phủ rừng”, ông Anh thông tin.

UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp thu hồi đất bị lấn. Đối với những trường hợp người đang trực tiếp sử dụng đất trái phép phù hợp quy hoạch và cam kết, đồng thuận thì lập hồ sơ, cho thuê đất để tiếp tục ổn định sản xuất theo quy hoạch.

Đối với những diện tích đất thuộc quy hoạch ba loại rừng thì yêu cầu người dân lấn chiếm phải cam kết sử dụng đất để trồng rừng hoặc sản xuất nông lâm kết hợp.

Trong trường hợp người lấn chiếm đất trái phép không chấp hành thì cương quyết cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi, đưa vào phương án sử dụng đất theo quy hoạch.

“UBND tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo để thu hồi đất bị lấn chiếm giao về địa phương quản lý. Đồng thời, tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển rừng bền vững bằng phương thức nông lâm kết hợp, và trồng cây phân tán giai đoạn 2021 - 2025 cho 13 đơn vị chủ rừng, tổng diện tích 5.925ha”, ông Anh nói thêm.

 Một khu dân cư do người dân di cư tự do từ phía Bắc vào Tây Nguyên. Ảnh: AM

Một khu dân cư do người dân di cư tự do từ phía Bắc vào Tây Nguyên. Ảnh: AM

 Thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và giữ rừng hiện trạng là bài toán khó đối với các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: TT

Thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và giữ rừng hiện trạng là bài toán khó đối với các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: TT

Thu hồi đất rừng gắn trách nhiệm người đứng đầu

Ngày 24/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn ký ban hành kế hoạch xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, địa phương này đặt mục tiêu đến hết năm 2026 phải thu hồi toàn bộ 128.000ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trên địa bàn.

Để thực hiện kế hoạch, ngoài các tổ công tác đặc biệt của tỉnh, UBND tỉnh Đắk Lắk giao các huyện thành lập ban chỉ đạo để xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại địa bàn theo quy định của pháp luật. Trong đó, đảm bảo gắn trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Trước đó, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã có kết quả giám sát công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn xác định, trong 3 năm (2021 - 2023) có hơn 14.000ha rừng tự nhiên bị suy giảm, gần 128.000ha đất có nguồn gốc lâm nghiệp bị lấn chiếm. Bên cạnh đó, tình trạng người dân làm nhà ở, mua bán, sang nhượng đất rừng trái phép diễn ra phức tạp, nguy cơ tạo ra “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Từ đó, HĐND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xử lý dứt điểm các vụ vi phạm lấn chiếm đất rừng, không để tồn đọng kéo dài. Bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án vi phạm pháp luật về rừng nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

HĐND tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk phải xây dựng phương án xử lý đối với gần 128.000ha đất có nguồn gốc lâm nghiệp bị lấn chiếm, xâm canh và xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan.

Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Đắk Lắk, đã xử lý kỷ luật 20 cán bộ, nhân viên ngành kiểm lâm. Trong đó, kỷ luật khiển trách 15, cảnh cáo 2, cách chức 2, và buộc thôi việc 1, phê bình 26 tập thể và 77 cá nhân.

Thành Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nan-giai-thu-hoi-dat-rung-bi-lan-chiem-o-dak-lak-va-dak-nong-post713297.html
Zalo