Nắn dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới

Dự thảo Luật Dữ liệu lần đầu tiên quy định việc chuyển dữ liệu ra khỏi biên giới Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp, tổ chức.

Việc cho phép chuyển dữ liệu ra nước ngoài giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, chuỗi cung ứng và mở rộng nguồn lực tài chính (Ảnh: Shutterstock)

Việc cho phép chuyển dữ liệu ra nước ngoài giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, chuỗi cung ứng và mở rộng nguồn lực tài chính (Ảnh: Shutterstock)

“Mỏ vàng” mới

Trong kỷ nguyên số, dữ liệu được xem là nguồn tài nguyên mới, là “đất đai trên không gian số”, là “mỏ vàng” để các quốc gia khai thác, ứng dụng các công nghệ mới. Dữ liệu xuyên biên giới đóng vai trò trọng yếu trong nhiều lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm, dược phẩm, ô tô, công nghệ thông tin - truyền thông…, là yếu tố then chốt cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, mở rộng doanh nghiệp và rộng hơn là tài nguyên quốc gia.

Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho biết, hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn nằm trong top 10 nước có lượng dữ liệu chuyển qua biên giới lớn nhất. Nếu năm 2001, Việt Nam ở vị trí 11 trong bảng xếp hạng, thì đến năm 2019 đã ở vị trí top 7 thế giới, với lưu lượng 7,99 triệu Mbps.

Dự thảo Luật Dữ liệu lần đầu tiên quy định về chuyển dữ liệu ra nước ngoài: “Hoạt động cung cấp, chuyển dữ liệu ra nước ngoài đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích trong thông tin cá nhân, bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích công cộng xã hội, đồng thời thúc đẩy luồng dữ liệu an toàn và tự do xuyên biên giới”.

Ông Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an (cơ quan soạn thảo) cho biết, Dự thảo quy định, việc chuyển dữ liệu ra khỏi biên giới Việt Nam đều phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá tác động và cấp phép. Riêng đối với dữ liệu cá nhân, việc chuyển giao phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo thống kê, cứ sau 12 giờ, lượng dữ liệu trên toàn thế giới lại tăng gấp đôi. Hãng nghiên cứu thị trường Statista dự báo, quy mô doanh thu của thị trường dữ liệu lớn toàn cầu đã vượt mức 271 tỷ USD vào cuối năm 2022 và ước đạt 308 tỷ USD trong năm 2023. Con số này sẽ tăng mạnh, đạt hơn 655 tỷ USD vào năm 2029.

Thủ tướng sẽ quyết định việc cung cấp, chuyển giao dữ liệu cốt lõi. Bộ Quốc phòng chủ trì xác định và đánh giá tác động, quyết định cung cấp, chuyển giao các dữ liệu quan trọng thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cơ yếu. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan đánh giá tác động việc chuyển giao dữ liệu quan trọng không thuộc quân sự, quốc phòng.

Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, việc đánh giá tác động khi chuyển giao dữ liệu sẽ tập trung vào việc xác định mức độ rủi ro tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia, lợi ích công cộng và quyền lợi của cá nhân, tổ chức. Bộ Công an sẽ xem xét tính hợp pháp, mục đích, quy mô và độ nhạy cảm của dữ liệu; khả năng bị giả mạo, phá hủy, rò rỉ hoặc sử dụng trái phép; biện pháp bảo vệ dữ liệu và quyền lợi của chủ thể dữ liệu; cũng như khả năng quản lý dữ liệu sau khi chuyển giao.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Theo ông Joseph P. Whitlock, Giám đốc Điều hành Liên minh Dữ liệu Toàn cầu (GDA), các hạn chế đối với chuyển dữ liệu xuyên biên giới có tác động tiêu cực đến nền kinh tế địa phương, vì chúng hạn chế các doanh nghiệp trong nước và các tổ chức khác hưởng lợi đầy đủ từ công nghệ và dịch vụ tiên tiến có sẵn trên thị trường toàn cầu.

“Các công ty trong nước bị hạn chế chuyển dữ liệu có thể gặp khó khăn trong việc truy cập các dịch vụ đó, làm giảm khả năng cạnh tranh của họ, đặc biệt là quốc tế và khiến họ gặp rủi ro bảo mật dữ liệu lớn hơn. Các hạn chế đối với việc chuyển dữ liệu quốc tế cũng làm cho các cơ quan chính phủ tốn nhiều nguồn lực hơn trong việc quản lý”, ông Joseph P. Whitlock nói.

Góp ý nội dung chuyển dữ liệu ra nước ngoài, ông Vũ Linh, đại diện Thành đoàn TP.HCM cho rằng, việc áp dụng các biện pháp bảo mật tương tự tiêu chuẩn Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) đòi hỏi việc đánh giá tác động trước khi chuyển dữ liệu cho các tổ chức quốc tế. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ thể dữ liệu và đảm bảo dữ liệu không bị lạm dụng.

Do vậy, theo ông Linh, cần tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng. Mọi tổ chức phải được kiểm tra và đánh giá bởi các cơ quan có thẩm quyền về việc tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật trước khi được phép chia sẻ hoặc chuyển dữ liệu ra nước ngoài…

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Dữ liệu vào giữa tháng 10/2024, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, luồng dữ liệu xuyên biên giới ngày càng gia tăng đòi hỏi phải có khung pháp lý rõ ràng để quản lý. Việc quy định chuyển dữ liệu ra nước ngoài cần được cân nhắc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân liên quan đến dữ liệu cá nhân.

Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo xác định rõ các loại dữ liệu quan trọng bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài, quy định về lưu trữ bản sao dữ liệu quan trọng tại Việt Nam và truy xuất, kiểm soát dữ liệu khi đã chuyển giao. Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự cố dữ liệu, quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong quyết định việc chuyển giao dữ liệu, tuân thủ quy định về đánh giá dữ liệu để tránh chồng chéo trong quản lý.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ của Quốc hội cũng bày tỏ đồng tình với quy định này. Việc cho phép chuyển dữ liệu ra nước ngoài sẽ thúc đẩy dòng chảy dữ liệu, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, chuỗi cung ứng và mở rộng nguồn lực tài chính. Đây cũng là cách minh bạch, chống hoạt động rửa tiền và hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, việc trao đổi dữ liệu phải bảo đảm chủ quyền số, quy định với dữ liệu số Việt Nam để bảo vệ tối đa lợi ích của đất nước cũng như các thỏa thuận quốc tế. Vì vậy, ông Huy đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm nội hàm trao đổi dữ liệu xuyên biên giới, nhất là về mặt quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế.

Tú Ân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nan-dong-chay-du-lieu-xuyen-bien-gioi-d228053.html
Zalo