Năm yếu tố có thể định hình thị trường chứng khoán thế giới năm 2025

Sau một năm chứng kiến những kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán, năm 2025 được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều đợt khởi sắc hơn nữa. Tuy nhiên, những yếu tố chính nào có thể tác động đến tâm lý thị trường trong năm tới?

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Yếu tố đầu tiên có khả năng ảnh hưởng đến thị trường trong năm 2025 là vấn đề nợ công. Các nhà phân tích cho rằng những nền kinh tế lớn đang phải đối mặt với vấn đề nợ ngày càng gia tăng, có thể đe dọa tăng trưởng kinh tế. Trong báo cáo triển vọng năm 2025, Brooks Macdonald nhận định các nước cần giải quyết những thách thức này để có thể duy trì sự ổn định kinh tế trong năm 2025.

Tại Anh và Pháp, tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lần lượt gần 100% và 112%. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Mỹ đang phải đối mặt với tỷ lệ 123% và có dự báo còn tăng cao hơn nữa. Giám đốc đầu tư của công ty AJ Bell, ông Russ Mould, cho hay, gói chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump thậm chí có thể đẩy nhanh tốc độ gia tăng nợ chính phủ từ mức cao kỷ lục 36.000 tỷ USD, đồng thời nhấn mạnh khoản chi trả lãi của Mỹ cho khoản nợ này đã vượt quá 1.000 tỷ USD/năm, "một khoản tiền lớn hơn cả ngân sách quốc phòng".

Theo ông Mould, nếu Mỹ không bắt đầu cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thu, nước này có thể sẽ gặp rắc rối. Các kịch bản có thể xảy ra là lợi suất trái phiếu tăng lên do nguồn cung tăng, hoặc lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn, hoặc Fed tìm cách cắt giảm lãi suất.

Sau vấn đề nợ công, một yếu tố khác được dự báo sẽ tác động đến thị trường năm 2025 là các diễn biến trong hoạt động thương mại toàn cầu. Trong khi kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ấn tượng, chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể đẩy Trung Quốc và Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone), đặc biệt là Đức, tụt lại sau các khu vực khác. Thuế quan cũng sẽ thúc đẩy lạm phát ở Mỹ, có khả năng buộc Fed phải thay đổi chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn tỏ ra lạc quan. Chuyên gia Chris Crawford của công ty quản lý tài sản Crawford Fund Management nhận định rằng thị trường đang phóng đại khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại lớn, vì chính quyền Tổng thống đắc cử Trump được dự đoán sẽ áp thuế một cách có giới hạn và hướng đến những mục tiêu nhất định. Ông Mould cho rằng, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã "nói lớn tiếng” về vấn đề thuế quan, nhưng thực tế ông chỉ thực sự "vung gậy" vào Trung Quốc. Ông cho rằng điều tương tự có thể xảy ra trong lần này. Mặc dù vậy, báo cáo triển vọng của Brooks Macdonald nhấn mạnh rằng căng thẳng thương mại có thể gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây ra sự gián đoạn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Yếu tố tiếp theo là ảnh hưởng của đồng USD. Thuế quan của Mỹ có thể làm giảm thâm hụt thương mại của nước này, và do đó khiến dòng tiền USD ra nước ngoài sẽ giảm đi. Theo AJ Bell, nếu Mỹ tạo ra thặng dư thương mại lần đầu tiên kể từ năm 1975, đồng USD sẽ chủ động chảy trở về Mỹ. Ông Mould nhấn mạnh, do vị thế của USD là đồng tiền dự trữ của thế giới, được sử dụng trên toàn bộ nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu, nên việc có ít USD hơn có thể khiến thanh khoản toàn cầu giảm, gây ra những hậu quả bất lợi.

Việc có ít USD hơn trên thị trường toàn cầu sẽ đẩy “đồng bạch xanh” mạnh lên, từ đó làm tăng chi phí trả nợ của các nước mới nổi, vốn thường vay bằng đồng tiền này.

Một yếu tố khác cũng rất đáng chú ý trong năm 2025 là liệu nhóm "Magnificent Seven" (nhóm bảy công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ theo giá trị thị trường) có còn giữ được "phép màu" hay không. Trên thị trường chứng khoán, nhóm " Magnificent Seven", bao gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft, Nvidia và Tesla, đã kiếm được rất nhiều tiền trong năm nay. Tuy nhiên, trong năm 2025, lực đẩy từ “con sóng” trí tuệ nhân tạo (AI) có thể sẽ không còn mạnh mẽ như năm 2024.

Ông Mould cho biết mức tăng trung bình 65% trong năm nay của nhóm này đã đưa tổng vốn hóa thị trường của họ lên 18.000 tỷ USD, tương đương 35% giá trị của chỉ số S&P 500. Ông nói thêm, vì đang có mức định giá quá cao, nên các công ty này có thể gặp thách thức khi nền kinh tế bất ngờ suy thoái, cũng như lạm phát kéo dài và lãi suất cao hơn dự đoán.

Đồng quan điểm, ông Crawford tin rằng sự thống trị của nhóm "Magnificent Seven" sẽ suy yếu khi các kỳ vọng quá mức và quy mô quá lớn của những công ty này hạn chế hiệu suất hoạt động của họ. Ông cho rằng các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa, vốn đã tụt lại phía sau trong vài năm qua, sẽ tăng trưởng và thu hút nhiều sự chú ý hơn từ các nhà đầu tư.

Cuối cùng, một yếu tố quan trọng nữa có thể định hình thị trường năm 2025 là hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Ông Crawford dự đoán năm 2025 sẽ mở ra một đợt bùng nổ M&A, nhờ việc nới lỏng các quy định của chính phủ và thị trường tín dụng thuận lợi. Ông dự báo đây sẽ là làn sóng M&A lớn nhất trong hơn 10 năm qua.

Công ty Crawford Fund Management cũng nhận định các điều kiện đang thuận lợi cho sự khởi sắc trở lại của hoạt động phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) sau một thời gian dài ảm đạm. Công ty này dự đoán một làn sóng IPO sẽ tràn vào thị trường chứng khoán trong năm 2025 và sẽ được đón nhận nồng nhiệt với các mức định giá hào phóng.

Khánh Ly (Theo euronews)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/nam-yeu-to-co-the-dinh-hinh-thi-truong-chung-khoan-the-gioi-nam-2025-20241227142435707.htm
Zalo