Nam thanh niên tím tái, xuất huyết toàn thân sau khi ăn tiết canh lợn

Một trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn nguy kịch vừa được chuyển đến điều trị tại Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân đang được điều trị tích cực. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân đang được điều trị tích cực. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân là anh V.Đ.H, 30 tuổi, trú tại Hải Phòng, được đưa tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch chỉ vài ngày sau khi ăn tiết canh lợn.

Theo lời kể từ người thân, khoảng 3 ngày trước khi nhập viện, anh H có ăn tiết canh. Tối hôm trước khi được phát hiện, anh vẫn gọi điện về nhà nhưng không ai bắt máy. Đến sáng hôm sau, gia đình phá cửa phòng thì phát hiện anh trong tình trạng lơ mơ, tím tái toàn thân, tiêu chảy ra máu.

Anh lập tức được đưa đến cơ sở y tế trong tình trạng tụt huyết áp nghiêm trọng, chỉ còn 60/40 mmHg – một dấu hiệu của sốc tuần hoàn nặng. Dù đã được truyền dịch và dùng thuốc vận mạch nhưng bệnh nhân không có dấu hiệu cải thiện. Nhận thấy tình trạng nguy hiểm, các bác sĩ quyết định chuyển tuyến khẩn cấp tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tại đây, anh H. được xác định đang trong giai đoạn sốc nhiễm trùng – một biến chứng nặng khi vi khuẩn xâm nhập vào máu và gây viêm trên toàn bộ hệ thống tuần hoàn. Máu không đủ nuôi các cơ quan quan trọng như não, tim, gan, thận, khiến bệnh nhân có nguy cơ suy đa tạng. Bệnh viện đã phải tiến hành hồi sức tích cực, cho thở máy, lọc máu liên tục và theo dõi chặt chẽ các chỉ số huyết động, đông máu.

ThS.BS Lê Sơn Việt, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tình trạng bệnh nhân rất nặng ngay từ thời điểm nhập viện. Ngoài việc tụt huyết áp sâu, bệnh nhân còn rối loạn đông máu nặng, với tình trạng xuất huyết tại nhiều vị trí như mũi, miệng, dạ dày và dưới da. Đặc biệt đáng lo ngại là sự xuất hiện của các ban hoại tử – những mảng da tím tái, phù nề, đau nhức do vi khuẩn liên cầu lợn tấn công vào thành mạch máu, gây hoại tử mô. Các ban hoại tử đang lan rộng khắp tứ chi, kèm theo xuất huyết dưới da, đẩy người bệnh vào nguy cơ hoại tử diện rộng, nhiễm khuẩn huyết và suy đa cơ quan. Tiên lượng hiện tại, theo bác sĩ Việt, là rất dè dặt.

Các bác sĩ đang chờ kết quả cấy máu để xác định chính xác vi khuẩn gây bệnh, tuy nhiên mọi dấu hiệu lâm sàng hiện tại đều cho thấy khả năng cao do vi khuẩn Streptococcus suis – thường gọi là liên cầu lợn gây ra. Đây là loại vi khuẩn cực kỳ nguy hiểm, thường khởi phát nhanh chóng chỉ trong 24 đến 72 giờ sau khi xâm nhập vào cơ thể. Một số triệu chứng ban đầu như sốt, đau bụng, tiêu chảy dễ khiến người bệnh chủ quan, nhưng chỉ sau đó một ngày có thể tiến triển thành sốc nhiễm trùng, hoại tử mô và suy đa tạng, những biến chứng có thể dẫn tới tử vong.

Vì vậy, để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, BS Lê Sơn Việt khuyến cáo người dân nên sử dụng thịt có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch. “Tuyệt đối không nên ăn tiết canh hay các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ. Nếu sau khi ăn mà có bất kỳ biểu hiện bất thường nào như sốt, đau đầu, buồn nôn, đi ngoài… cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, điều trị kịp thời”, BS Lê Sơn Việt nhấn mạnh.

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nam-thanh-nien-tim-tai-xuat-huyet-toan-than-sau-khi-an-tiet-canh-lon-423661.html
Zalo