Nam thanh niên rơi xuống hang sâu 56 mét ở Mã Pì Lèng giờ ra sao?
Các bác sĩ đánh giá, nam thanh niên rơi xuống hang sâu 56 mét ở Mã Pì Lèng và mắc kẹt suốt 10 giờ đồng hồ nhưng vẫn tỉnh táo, có thể xuất viện sau vài ngày là kỳ tích…
Trao đổi với phóng viên ngày 5/4, vợ anh Thò Mí Ly (21 tuổi, ở thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn Hà Giang, người bị rơi xuống hố sụt sâu 56 mét ở Mã Pì Lèng) cho biết, sau khi được lực lượng chức năng cứu nạn, cứu hộ thành công, hiện chồng chị đã qua giai đoạn nguy hiểm và đang tiếp tục được các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn tích cực điều trị.
"Gia đình tôi rất cảm kích trước sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã kịp thời sơ cứu, đưa chồng tôi đến bệnh viện để điều trị...", vợ anh Thò Mí Ly xúc động nói.
Bác sĩ Sấn Văn Cương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn cũng thông tin, bệnh nhân Cao Hoài Đức (71 tuổi, ở Hà Nội - tài xế xe 7 chỗ rơi xuống vực) đang hồi phục sức khỏe. Bệnh nhân Đức và Ly bị rạn xương sườn, gãy mỏm xương sống nhưng đều không phải can thiệp mổ nên có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Trước đó, khoảng 9h ngày 3/4, ông Đức điều khiển xe nhãn hiệu Ford Everest loại 7 chỗ đi theo Quốc lộ 4C từ thị trấn Đồng Văn sang huyện Mèo Vạc.
Khi đến khu vực Tượng đài Thanh niên xung phong thuộc thôn Séo Sà Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc thì ông Đức dừng xe để khách xuống xe đi bộ lên tuyến đường đi vách đá trắng để chụp ảnh.
Trong lúc ông Đức lái xe lùi xe vào vị trí gửi xe thì lao xuống taluy âm, cách mặt đường 16m. Đúng lúc này, anh Ly đứng ở phía đuôi xe chụp ảnh thì bất ngờ bị xe va vào người khiến anh rơi xuống taluy âm.
Hậu quả ô tô bị hư hỏng nặng, ông Đức bị thương, còn anh Ly bị rơi xuống hố sâu 56 mét.
Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Công an tỉnh Hà Giang, Công an huyện Mèo Vạc đã đến hiện trường phối hợp cùng bộ đội tổ chức cứu hộ cứu nạn.
Do khu vực rơi xuống có hai miệng hố nên lực lượng tìm kiếm phải xác định vị trí nạn nhân, đồng thời tiến hành kiểm tra khí độc.
Khi xác định được vị trí nạn nhân cách miệng hố hơn 50m và dưới hố không có khí độc, lực lượng tìm kiếm đã cử 2 cán bộ chiến sĩ đeo mặt nạ phòng độc, bình ô xi xuống để sơ cứu cho nạn nhân.
Vì địa hình không thể dùng máy móc thiết bị hiện đại nên lực lượng tìm kiếm phải sử dụng các đoạn gỗ đặt ngang miệng hố để kéo nạn nhân lên.
Sau hơn 10 tiếng nỗ lực tìm kiếm, đến chiều tối cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã đưa được nạn nhân lên an toàn và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn để điều trị.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, hiện nay tỉnh Hà Giang đã khoanh vùng được 30 cụm di sản, trong đó xác định có 58 hang động và hố sụt. Đây là những hang động, hố sụt lớn đã được điều tra, khảo sát để quản lý, bảo vệ.
Tuy nhiên, ngoài những hang động, hố sụt lớn, còn hàng trăm hang động, hố sụt nhỏ vẫn chưa được điều tra, khảo sát. Các hang, hố sụt nhỏ nằm ở thung lũng núi đá, ven đường, trên nương ngô, trong vườn nhà dân. Hầu hết các hang, hố sụt có miệng nhỏ hẹp, bị cây cối che lấp, cho nên rất khó phát hiện, dễ xảy ra tai nạn. Nếu chẳng may có người rơi xuống các hang, hố sụt, thì công tác cứu hộ rất khó khăn do các hang, hố sụp thường nhỏ hẹp, có độ sâu lớn, ẩm ướt, trơn trượt.
Từ thực tế trên, Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Hà Giang đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, bảo vệ đối với hệ thống hang động, hố sụt dễ gây tai nạn trên địa bàn; cắm biển cảnh báo nguy hiểm, làm rào chắn đối với những hang động, hố sụt nguy hiểm để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc cho người dân và du khách.