Năm tăng tốc của du lịch Việt Nam
Với khoảng 17 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, du lịch Việt Nam năm 2024 đã nỗ lực hồi phục như trước dịch và tăng tốc chạy đua trong khu vực.
Sonja Thürlemann, du khách 66 tuổi đến từ Thụy Sĩ cho biết đã nghe bạn bè nói về Việt Nam rất nhiều nên quyết định ghé thăm. Bà ấn tượng với ẩm thực ba miền và yêu thích phố cổ Hà Nội, Hội An, chợ nổi Cái Răng. "Đất nước chúng tôi có nhiều cảnh đẹp nhưng không riêng biệt từng vùng như Việt Nam", Sonja nói.
Vợ chồng Sonja Thürlemann và Marcellinus Franziskus Thürlemann là hai trong số hàng chục triệu lượt khách quốc tế "vì yêu mà đến Việt Nam" trong năm nay.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 11 tháng đầu năm lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 16 triệu lượt. Đến hết tháng 12, Việt Nam ước đón 17-17,5 triệu lượt, tăng hơn 35% so với 2023 và bằng 94-97% mức 18 triệu lượt của năm 2019. Theo Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), mức hồi phục năm nay tại châu Á - Thái Bình Dương đạt 85%. Như vậy, so với trong khu vực, hồi phục của du lịch Việt ở mức cao.
"Tăng từ 12,6 triệu lượt khách quốc tế của năm ngoái lên 17,5 triệu trong năm nay là nỗ lực đáng kể của ngành du lịch", Chủ tịch Công ty du lịch Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ nói. Ngoài các chiến dịch xúc tiến, quảng bá du lịch ra thế giới, năm nay các địa phương liên tục tổ chức chuỗi sự kiện, lễ hội để thu hút khách du lịch. Cách thức tổ chức quy mô, bài bản và hấp dẫn hơn cho thấy người Việt dần có ý thức hơn trong thu hút khách quốc tế.
"2024 là năm thành công của ngành. Phục hồi gần bằng trước dịch cho thấy khả năng cạnh tranh, sức hút của Việt Nam", Viện trưởng Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh cho biết.
Một trong những nguyên nhân giúp lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ, theo ông Quỳnh, là nhờChính phủ đã mở rộng cửa với du lịch quốc tế; quảng bá du lịch được đẩy mạnh. Cơ sở hạ tầng, khách sạn, dịch vụ du lịch được cải thiện, giúp khách nâng cao trải nghiệm. Việt Nam cũng thúc đẩy nhiều loại hình du lịch hút khách như du lịch biển, sinh thái, văn hóa, ẩm thực, MICE. MICE là một trong những loại hình khởi sắc năm nay với ví dụ điển hình là đoàn 4.500 khách Ấn Độ tới Việt Nam hồi tháng 8.
Từ 15/8/2023, Việt Nam nâng thời hạn tạm trú từ 15 lên 45 ngày với công dân 13 nước miễn thị thực đơn phương cũng như áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ tại 13 sân bay, 13 cửa khẩu đường biển và 16 cửa khẩu đường bộ; thời gian tạm trú được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày và thị thực có giá trị nhập cảnh nhiều lần.
"Em gái tôi đặt tour đến Việt Nam ngay sau khi thông tin nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày được chính thức công bố. Cô ấy sẽ có mặt ở Hà Giang vào tháng 2/2025, thời điểm hoa đào nở rộ nhất", Maria Sanchez, nữ du khách người Tây Ban Nha đang du lịch tại Việt Nam cho biết. Nhiều người bạn của cô cũng chuyển hướng đến Việt Nam vào năm 2025, sau khi chính sách nới lỏng visa có hiệu lực hồi tháng 8.
"Khách nói thời hạn lưu trú 45 thật tuyệt, họ có thể đi nhiều, ở lại mỗi nơi lâu hơn, thay vì cưỡi ngựa xem hoa như hồi có 15 ngày", Nguyễn Bá Thắng, hướng dẫn viên du lịch chuyên thị trường khách Tây Ban Nha, sống tại TP Hồ Chí Minh nói.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Tiến Đạt cho biết thành công năm nay của ngành du lịch một phần nhờ đóng góp lớn từ tệp khách Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hàn Quốc. Lượng khách đến từ ba thị trường này trong 11 tháng đầu năm đạt khoảng 8,6 triệu lượt, chiếm 54% thị phần khách quốc tế. Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng lớn của Việt Nam trong năm nay cũng đến từ tệp khách châu Âu, đặc biệt là các quốc gia được hưởng chính sách nới lỏng và miễn thị thực đơn phương như Italy, Pháp, Anh.
"Du lịch Việt đang dần hoạt động bài bản hơn" là đánh giá của ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy. Trước đây, du lịch Việt không có nhiều sản phẩm thu hút du khách. Các sản phầm thường bị chồng chéo và gần giống nhau, không có sự khác biệt. Nhưng năm nay, mọi thứ đã thay đổi. Nhiều nơi có sản phẩm du lịch độc đáo, kích thích khách ở lâu hơn, thay vì 7-10 ngày, khách đã ở lại 3-4 tuần.
"Hà Nội năm nay đã mở rộng thêm loạt sản phẩm du lịch đêm, không chỉ ở trung tâm mà còn ở ngoại ô, khiến khách có thể đi ở một hai tuần không chán", ông Tuyên nói.
Các chuyên gia cũng đánh giá cao lượng khách nội địa của Việt Nam, ước đón 120 triệu lượt cho đến hết năm nay; tăng 13% so với 106 triệu lượt của năm ngoái và gấp 1,5 lần con số 80 triệu lượt của năm 2019. Đặc biệt, con số này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao trong suốt 9 tháng đầu năm nay.
"Khách Việt hiện tiêu dùng rất thông minh", ông Đạt lý giải việc giá vé máy bay đắt nhưng lượng khách đi du lịch không giảm. Nhiều người đã chọn du lịch gần nhà để di chuyển bằng ôtô hoặc tàu hoặc bay vào giờ xấu để tiết kiệm chi phí. Nhiều người trong số đó còn đi du lịch 2-3 lần trong năm.
"Vé máy bay đắt thì chúng tôi chọn đi mùa thấp điểm. Mùa hè cao điểm, gia đình chọn đi tàu từ Hà Nội đến Huế, Đà Nẵng hoặc chọn điểm gần có thể lái xe, chi phí dễ chịu hơn rất nhiều", Nguyễn Ngọc Lan Anh, 30 tuổi nói về kế hoạch đi du lịch ba lần trong năm...