Nam Rạch Chiếc lỗ lũy kế hơn 32 tỷ đồng trước khi Keppel thoái sạch vốn
Tập đoàn bất động sản Keppel từ Singapore thoái sạch 42% vốn tại Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc trong bối cảnh đơn vị này kinh doanh kém sắc với khoản lỗ lũy kế hơn 32 tỷ đồng.

Keppel thoái sạch vốn tại dự án Palm City. Ảnh: Palm City
Công ty Nam Rạch Chiếc vừa công bố thông tin tài chính tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Theo đó, năm 2024, doanh nghiệp quay trở lại tình trạng thua lỗ với khoản lỗ sau thuế 33,3 tỷ đồng trong khi năm 2023 có lãi gần 30 tỷ đồng. Trước đó, giai đoạn 2021-2022, công ty lần lượt lỗ 195 tỷ đồng và 73 tỷ đồng.
Khoản lỗ năm qua đã nâng lỗ lũy kế của Nam Rạch Chiếc lên hơn 32 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2024 giảm từ 629 tỷ đồng xuống 595 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2024, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu nâng từ 3,71 lần lên 4,07 lần, tương ứng nợ phải trả đạt 2.421 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay từ phát hành trái phiếu là 2.000 tỷ đồng của 2 lô mã NRCCH2226001 (700 tỷ đồng) và NRCCH2125001 (1.300 tỷ đồng).
Trái phiếu NRCCH2226001 phát hành ngày 26/01/2022, kỳ hạn 48 tháng, đáo hạn vào 26/01/2026. Còn trái phiếu NRCCH2125001 phát hành ngày 10/12/2021, kỳ hạn 48 tháng, đáo hạn vào 10/12/2025.
Trong năm 2024, Nam Rạch Chiếc đã thanh toán hơn 151 tỷ đồng lãi trái phiếu cho trái chủ với mức lãi suất 11%/năm.

Cách đây ít ngày, Tập đoàn bất động sản Keppel thông báo đã thoái toàn bộ 42% cổ phần nắm giữ tại Nam Rạch Chiếc – đơn vị phát triển dự án Palm City – cho Công ty CP Gateway với tổng số tiền là 2.612 tỷ đồng.
Con số này bao gồm khoản tiền mặt là 1.702 tỷ đồng – tương ứng 42% cổ phần tính đến ngày 4/3 dựa trên giá trị đã thỏa thuận của dự án Palm City và 840.000 trái phiếu do Nam Rạch Chiếc phát hành giá trị 910 tỷ đồng.
Palm City là khu đô thị phức hợp rộng 30ha tọa lạc tại TP.HCM. Hai giai đoạn nhà ở đầu tiên, Palm Residence và Palm Heights, đã hoàn thành và bàn giao lần lượt năm 2017 và 2019. Dự án còn lại 4 lô đất: 2 lô đất nhà ở, 1 lô đất hỗn hợp và 1 lô đất y tế.
Trước khi thoái vốn, Keppel Land đã ghi nhận tổng lợi nhuận sau thuế khoảng 24,6 triệu đôla Singapore (18,3 triệu USD) từ việc bán các căn hộ tại Palm City. Thương vụ thoái vốn hoàn tất vào tháng 3/2025, dự kiến mang lại lợi nhuận ròng khoảng 55 triệu đôla Singapore (40,9 triệu USD) cho Keppel Land.
Nam Rạch Chiếc là công ty liên danh được thành lập bởi 3 bên gồm Keppel Land (công ty con của Tập đoàn Keppel), Công ty CP Bất động sản Tiến Phước và TNHH Bất động sản Trần Thái. Trong đó, Tập đoàn Keppel sở hữu 42% vốn thông qua tổ chức là Công ty Flemmington Investments Pte Ltd, còn Tiến Phước nắm 38% và Trần Thái nắm 20%.
Dữ liệu cho thấy, tính tới ngày 5/3, Nam Rạch Chiếc do Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái nắm 2% vốn, Công ty TNHH The Cielo Dragon nắm 38% vốn, Công ty CP Bất động sản CHD nắm 18% vốn, Công ty CP Gateway Thủ Thiêm nắm 42% vốn.
Vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Nam Rạch Chiếc cũng được chuyển giao cho ông Đào Duy Hải, thay bà Lê Thị Minh Tâm.
Đại gia nào đứng sau thương vụ nghìn tỷ?
Tìm hiểu của VietTimes cho thấy Công ty Gateway Thủ Thiêm được thành lập ngày 30/12/2020 với vốn điều lệ 600 tỷ đồng, thuộc sở hữu của gia đình ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Phương Đông (OCB). Tại đây, ông Tuấn nắm 60% vốn, vợ ông là bà Cao Thị Quế Anh nắm 30% vốn và bà Trịnh Mai Linh nắm 10% vốn.
Bà Cao Thị Quế Anh đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, còn ông Đào Duy Hải giữ vai trò người đại diện theo pháp luật tại Công ty Gateway Thủ Thiêm.
Ngoài ra, ông Hải còn là Thành viên HĐQT Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) và Thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Hướng Việt (Hướng Việt Investment).