Năm nay, bão và áp thấp nhiệt đới tập trung nhiều vào tháng 9 - 11
Năm 2024 dự báo thiên tai diễn biến phức tạp là nhận định được Tiến sỹ Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết tại hội nghị nhận định xu thế thiên tai năm 2024 diễn ra chiều 21/3 tổ chức tại Hà Nội.
Hội nghị cũng được kết nối trực tuyến đến Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự, các Đài Khí tượng thủy văn khu vực, Đài Khí tượng thủy văn các tỉnh, thành phố.
Để thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục sẽ tiếp tục làm tốt công tác phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
Tổng cục chỉ đạo các đơn vị chức năng nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra gây thiệt hại lớn như bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất. Tổng cục áp dụng đa dạng các hình thức thông tin, truyền tin phù hợp với từng đối tượng, điều kiện cụ thể của địa phương, đảm bảo cung cấp nhanh chóng, kịp thời thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai đến người dân khu vực bị ảnh hưởng.
Tiến sỹ Hoàng Đức Cường cho biết, năm 2023, thời tiết và khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng ENSO ở trạng thái El Nino. Thiên tai đã xảy ra 18/22 loại hình. Năm 2023 ghi nhận là năm có mức nhiệt độ cao thứ hai trong chuỗi số liệu quan trắc (năm 2019 là năm có nhiệt độ trung bình trên toàn quốc cao hơn trung bình nhiều năm là 1,21 độ C). Đáng chú ý, hầu hết các tháng trong năm đều quan trắc được giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ, đặc biệt các tháng 5 và 6/2023. Hơn 22 đợt mưa lớn và 5 đợt lũ lớn diện rộng, trong đó đợt lũ từ ngày 13/11-18/11 là đợt lũ lớn nhất trong năm, xảy ra trên các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận, đỉnh lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế vượt báo động 3. Cùng với đó là các trận lũ quét, sạt lở đất tại Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Bão, áp thấp nhiệt đới tập trung nhiều vào tháng 9-11
Thông tin về các hình thái thời tiết năm 2024, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, hiện tượng El Nino vẫn duy trì với xác suất khoảng 60-65% và sẽ kết thúc vào tháng 4-6/2024. Từ tháng 7-8, hiện tượng La Nina sẽ xuất hiện với xác suất khoảng 55-65%.
Từ nay đến tháng 6, ít khả năng xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông. Sau đó, vào mùa bão năm 2024 (từ cuối tháng 6), số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng ở mức thấp hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Khả năng cao xuất hiện tập trung nhiều vào nửa cuối mùa bão (tháng 9-11/2024).
Nắng nóng xuất hiện sớm và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Khu vực Tây Bắc Bộ nắng nóng xuất hiện vào tháng 4-7, cao điểm vào tháng 5-6. Khu vực Đông Bắc Bộ vào tháng 5-8, cao điểm tháng 6-7. Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế vào tháng 4-8, cao điểm tháng 6-7. Khu vực Đà Nẵng-Khánh Hòa vào tháng 5-8, cao điểm tháng 7. Khu vực Nam Bộ vào tháng 3-5, cao điểm tháng 3-4.
Mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện muộn, từ tháng 6/2024, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình.
Mưa lớn có khả năng xuất hiện nhiều trong các tháng cuối năm tại khu vực Trung Bộ (từ tháng 9-11/2024).
Nguy cơ hạn hán, thiếu nước ở Trung Bộ, Tây Nguyên và xâm nhập mặn tại Nam Bộ
Dòng chảy trên các sông khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước ở khu vực trên.
Từ tháng 4-6, hạn hán xảy ra tại các tỉnh Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Từ tháng 5-8, hạn hán xảy ra tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Từ nay đến hết mùa hạn mặn (hết tháng 5/2024), Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của 4 đợt xâm nhập mặn tăng cao (từ 23-28/3, 8-14/4, 23-28/4, 6-12/5).
Mùa lũ năm 2024 ít có khả năng đến sớm trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, nguồn nước trên các sông và các hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Trên sông Đà thiếu hụt từ 30-50%, cao hơn năm 2023 khoảng 5-10%; sông Gâm và sông Chảy thiếu hụt từ 20-30% so với trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2023 từ 10-20%. Sông Thao, sông Lô và sông Hồng thiếu hụt từ 40-50%, tương đương năm 2023.
Xu thế mùa lũ năm 2024 trên khu vực Bắc Trung Bộ ở mức thiếu hụt từ 15-30% so với trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2023 khoảng 5-10%. Khu vực Trung Trung Bộ thiếu hụt từ 15-40% so với trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2023 từ 10-15%. Khu vực Nam Trung Bộ ở mức thiếu hụt từ 15-25% so với trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2023 khoảng 7-10%.
Khu vực Tây Nguyên ở mức thiếu hụt từ 15-25% so với trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2023 khoảng 5-10%. Sông Đồng Nai khả năng cao hơn từ 5-10% so với trung bình nhiều năm, tương đương năm 2023
Đỉnh lũ năm trên các sông chính khu vực Bắc Bộ ở mức báo động 1 đến báo động 2, thấp hơn trung bình nhiều năm
Đỉnh lũ năm 2024, trên các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận ở mức báo động 1 đến báo động 2; các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 đến báo động 3.
Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất; ngập úng vùng trũng thấp, khu đô thị và ven sông.
Đối với dòng chảy trên sông Mê Công, từ đầu năm 2024, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long hiện tương đương cùng kỳ năm 2021. Tổng lượng mưa ở thượng nguồn sông Mê Công tháng 4-5/2024 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%; tháng 6-8 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm; tháng 9 ở mức cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm.
Đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1 và trên báo động 1
Mùa lũ 2024 trên sông Mê Công khả năng tương đương so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng dòng chảy ở thượng nguồn sông Mê Công có khả năng thấp hơn từ 7-15% so với trung bình nhiều năm.
Tại khu vực Nam Bộ, đỉnh lũ năm 2024 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1 và trên báo động 1, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,3-0,5m.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã thông tin về hệ thống hỗ trợ cảnh báo trực tuyến lũ quét và sạt lở đất, công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm và cảnh báo tác động đến hoạt động kinh tế-xã hội phục vụ phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trên khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, cập nhật phân vùng nguy cơ và ngưỡng mưa phục vụ cảnh báo sạt lở đất...