Năm nay, 165.000 tấn vải thiều Bắc Giang sẽ 'đổ bộ' thị trường
Vải thiều Bắc Giang chính thức bước vào vụ thu hoạch mới 2025. Năm nay, 'thủ phủ' vải thiều cung cấp ra thị trường khoảng 165.000 tấn, cam kết bảo đảm chất lượng, minh bạch nguồn gốc và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tiêu thụ.
Sáng 28/5, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, OCOP năm 2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thịnh khẳng định, Bắc Giang là thủ phủ vải thiều của Việt Nam với khoảng 29.700ha trong năm 2025, chiếm trên 60% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Dự kiến, sản lượng vải thiều đạt khoảng 165.000 tấn.
Vải thiều Bắc Giang được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại 8 quốc gia. Sản phẩm được xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc...
Tỉnh đã cấp mã số vùng trồng cho gần 300 vùng, với hơn 21.000 ha và đầu tư hệ thống sơ chế, đóng gói, logistics đồng bộ, phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khảo sát sản phẩm vải thiều Bắc Giang.
Ngoài vải thiều, Bắc Giang còn có hàng trăm sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, cùng 56 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng và tiềm năng. Tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ để nâng cao giá trị nông sản.
Tại hội nghị, Bắc Giang cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa trong việc khảo sát, ký kết và tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cam kết đồng hành với doanh nghiệp, đảm bảo minh bạch nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong suốt quá trình tiêu thụ.
Nhiều ý kiến tại hội nghị đã đề xuất các giải pháp, như tận dụng hệ thống logistics để giảm chi phí vận chuyển, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, mở rộng kênh phân phối hiện đại, ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội, đánh giá, nhiều năm qua, tỉnh Bắc Giang đã có cách làm rất đáng ghi nhận, nhất là việc quy hoạch vùng trồng hợp lý, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào canh tác, mở rộng liên kết sản xuất - tiêu thụ.
Đặc biệt, người trồng vải chủ động áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP và canh tác theo hướng hữu cơ, góp phần nâng cao chất lượng, giữ gìn thương hiệu và uy tín của vải thiều Bắc Giang.

Đoàn xe chở vải thiều chín sớm ở Bắc Giang đi tiêu thụ ở thị trường nước ngoài.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tỉnh Bắc Giang chủ động, phối hợp nâng cấp chất lượng giống, đầu tư mạnh vào nghiên cứu khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sau thu hoạch, bảo quản, chế biến để kéo dài thời gian tiêu thụ và chinh phục các thị trường xa, yêu cầu cao.
Cùng với đó, mở rộng thị trường xuất khẩu với trọng tâm là Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ, Đông Nam Á, Trung Đông và tập trung xây dựng chuỗi tiêu thụ tại thị trường nội địa một cách đồng bộ, đảm bảo trong thời gian ngắn quả vải tươi, ngon của Bắc Giang sẽ đến tay người tiêu dùng.
Với thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan chức năng, đối tác của Trung Quốc tăng cường kết nối giao thương, giới thiệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân sang ký kết, thu mua, tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.
Đồng thời, rút ngắn tối đa thủ tục hành chính, tạo luồng xanh, ưu tiên giúp vải thiều của tỉnh Bắc Giang được nhập khẩu vào Trung Quốc với thời gian nhanh nhất, thuận lợi nhất.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Oanh, tỉnh cũng xác định tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc, đồng thời tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại quốc tế để phát triển thị trường mới.