Năm học mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nam Bộ

Vùng Tây Nam Bộ hiện có 43 dân tộc thiểu số, trong đó, chiếm số đông là đồng bào Khmer, Hoa, Chăm. Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực này đã có sự phát triển vượt bậc.

Giờ học của học sinh Trường tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng. (Ảnh NGUYỄN PHONG)

Giờ học của học sinh Trường tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng. (Ảnh NGUYỄN PHONG)

Những ngày này ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nam Bộ, không khí đón chào năm học mới 2024-2025 thật rộn ràng.

Tiếp sức đến trường

Trước thềm năm học mới, Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng đã trao 570 suất học bổng Lương Định Của tặng học sinh, sinh viên với tổng trị giá hơn 1,2 tỷ đồng, trong đó, phần lớn các suất học bổng dành cho các em người dân tộc thiểu số mồ côi cha mẹ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, gặp trở ngại trong học tập, trong cuộc sống. Sáu tháng đầu năm 2024, tỉnh Sóc Trăng đã vận động cho quỹ học bổng được hơn 32 tỷ đồng. Các cấp hội khuyến học tổ chức trao 22.327 suất học bổng các loại cho học sinh, sinh viên vượt khó, hiếu học tiêu biểu, đạt thành tích cao trong các kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế. Đồng thời, vận động xây dựng 26 căn nhà khuyến học với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng tặng học sinh khó khăn về nhà ở để các em yên tâm học tập tốt.

Em Trần Thị Chanh Tha, học sinh lớp 9A2, Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Đầu năm, chúng em được nhà trường cấp sách, vở, viết… đầy đủ. Giáo viên luôn quan tâm, khuyến khích chúng em học tốt cũng như giữ vệ sinh nơi ăn ở, sinh hoạt sạch sẽ. Gia đình em rất mừng bởi không phải lo chi phí học tập hằng năm”.

Gần ngày khai giảng năm học mới, 212 học sinh mồ côi, trong đó có nhiều em là người dân tộc Khmer ở xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang nhận học bổng và thẻ bảo hiểm y tế do Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thuận phối hợp Công ty TNHH một thành viên Xổ số Kiến thiết Kiên Giang trao tặng. Em Danh Đức, học sinh lớp 8 ở xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận xúc động nói: “Được nhận học bổng, em dùng để mua dụng cụ học tập, giúp cho cha mẹ đỡ gánh nặng khi bước vào năm học mới này. Em sẽ cố gắng học tập tốt để sau này có ích cho xã hội, không phụ lòng các bác, các chú đã giúp đỡ”.

Năm học mới 2024-2025, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh An Giang tiếp tục được nhận các khoản chế độ theo quy định của Nhà nước. Theo đó, các học sinh dân tộc thiểu số được nhận học bổng, học phẩm, trang cấp hiện vật theo quy định đối với trường phổ thông dân tộc nội trú; được bảo đảm sách giáo khoa, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; học sinh ở ấp, xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí học tập. Đối với cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ dạy tiếng dân tộc thiểu số, các cơ sở giáo dục giảng dạy tiếng Khmer được địa phương giao thêm biên chế giáo viên, trang bị cơ sở vật chất đáp ứng tốt công tác giảng dạy.

Theo Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh An Giang, cộng đồng này vừa tổ chức chương trình “Chắp cánh ước mơ” năm học 2024-2025 hỗ trợ các học sinh đồng bào Chăm 200 phần quà, mỗi phần trị giá 350.000 đồng; tặng 15 suất học bổng cho sinh viên đồng bào Chăm vượt khó học tốt, mỗi suất trị giá bốn triệu đồng. Còn tại Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Tri Tôn, các thầy, cô giáo biết tin một nữ sinh học lớp 8 của trường bị bệnh tim, ngay trong ngày tựu trường, các thầy, cô giáo, nhân viên trường quyên góp được hơn 17 triệu đồng giúp em này phẫu thuật tim…

Nâng cao chất lượng dạy và học

Sau gần ba năm thực hiện phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sóc Trăng được đầu tư gần 194 tỷ đồng nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy cho một số trường dân tộc nội trú trên địa bàn. Hiện, tỉnh Sóc Trăng có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú phủ hầu hết các địa phương trong tỉnh với hơn 100 lớp và hơn 3.300 học sinh vùng đồng bào dân tộc theo học; trong đó có năm trường đạt chuẩn quốc gia. Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100% số trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia. Thời gian qua, việc nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo kịp thời. Các trường đều xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai đến đội ngũ cán bộ, giáo viên thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, tăng cường các hoạt động giáo dục cho học sinh.

Thực tế cho thấy, chất lượng giáo dục trong các trường phổ thông dân tộc nội trú ở Sóc Trăng ngày càng nâng lên; tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt từ 99 đến 100%; trong đó, có từ 70 đến 80% học sinh vào các trường đại học, cao đẳng; 10 đến 15% học sinh vào học tại Trường dự bị đại học Thành phố Hồ Chí Minh. Công tác giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng không ngừng phát triển, tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt gần 90%; học sinh người Khmer đều được học hai thứ tiếng Việt-Khmer. Toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 giáo viên là người dân tộc Khmer.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 595 trường học mầm non, phổ thông công lập, trong đó có 56 đơn vị, trường học công lập trực thuộc sở. Chuẩn bị cho năm học 2024-2025, tỉnh phân bổ hơn 158,2 tỷ đồng đầu tư xây dựng, bổ sung phòng học lý thuyết, phòng học bộ môn, nhà đa năng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, sửa chữa phòng học hiện hữu, ký túc xá, đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy… tại bảy trường học trực thuộc sở. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang Thiều Văn Nam cho biết, tỉnh chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo; ưu tiên bố trí, sắp xếp cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cho các cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các trường phổ thông dân tộc nội trú. Tỉnh cũng đã kịp thời chi hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các trường vùng dân tộc thiểu số, công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Đối với người học, tỉnh và ngành giáo dục thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em; miễn, giảm học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông công lập; hỗ trợ chi phí học tập và chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh…

Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có sáu trường phổ thông dân tộc nội trú, trong đó có một trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông có 12 lớp (420 học sinh) và năm trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở có 40 lớp (mỗi trường có tám lớp, quy mô 250 học sinh). Tỉnh có một trường trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, hằng năm có hơn 50 học sinh dân tộc thiểu số trúng tuyển. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp trung học phổ thông duy trì ổn định, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024 đạt 100%.

Theo Ban Giám hiệu Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Tri Tôn (An Giang), năm học này có 545 học sinh, trong đó hơn 90% là học sinh người Khmer và Hoa. Nhà trường có 93 phòng, trong đó khối phòng học, phòng học bộ môn và khối phục vụ học tập có 28 phòng; khối phòng hành chính-quản trị có 10 phòng; thư viện một phòng; khối các công trình và phòng chức năng khác có 54 phòng bảo đảm phục vụ tốt cho hoạt động dạy học và ăn ở của học sinh tại trường.

Qua 5 năm (2019-2024), nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học hướng vào chiều sâu để nâng cao chất lượng dạy và học với phương châm “Lấy học sinh làm trung tâm”. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh khá, giỏi hằng năm tăng lên, đạt từ 25% đến 30%, hiệu quả đào tạo giai đoạn 2020-2024 đạt 96,95%. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở hằng năm đạt 100%; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông An Giang từ 60% đến 70%...

Nguyễn Phong, Quốc Trinh, Thanh Dũng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nam-hoc-moi-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tai-tay-nam-bo-post828555.html
Zalo