Năm học đặc biệt

Năm học 2024-2025 đã chính thức bắt đầu, hiện các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã hoàn tất các khâu chuẩn bị để ngày mai 5-9 tổ chức lễ khai giảng. Đây là năm học rất đặc biệt với nhiều thầy cô giáo và các em học sinh, đó là sẽ triển khai đồng bộ Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở khối cuối cấp, gồm lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Đặc biệt hơn, đây là năm học sẽ diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018.

Bài 1:
CHỦ ĐỘNG THÍCH ỨNG

Chương trình GDPT 2018 có rất nhiều điểm mới quan trọng so với Chương trình GDPT 2006. Đây là chương trình giáo dục đổi mới toàn diện từ sách giáo khoa đến phương pháp dạy học và cả chương trình giáo dục. Một chương trình dạy học hướng tới kết quả đầu ra và giáo dục theo “5 phẩm chất”, “10 năng lực”. Để chương trình đi vào thực tiễn, các giáo viên bộ môn dạy lớp cuối cấp đã dành cả kỳ nghỉ hè để tìm hiểu, làm quen, chuẩn bị phương pháp giáo dục mới, cách dạy mới với tâm thế sẵn sàng.

Ðổi mới phương pháp dạy và học

2025 là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 nên ngay từ cuối năm 2023, Bộ GD&ĐT đã công bố 17 đề thi minh họa kèm theo đáp án và phân tích về mục tiêu đánh giá năng lực học sinh hướng đến để đội ngũ giáo viên, các cơ sở giáo dục tham khảo, tìm hiểu, chuẩn bị tâm thế. Theo đó, cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình GDPT 2018 và được thể hiện thông qua đề thi minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo. Từ đó, người học sẽ được biết đề thi gồm mấy phần, có những dạng câu hỏi trắc nghiệm nào, những (thành phần) năng lực nào được đánh giá trong đề thi minh họa.

Thầy Phạm Văn Tín, giáo viên Trường THPT Ða Kia, huyện Bù Gia Mập luôn đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, đưa chất lượng môn Lịch sử đứng đầu toàn tỉnh

Thầy Phạm Văn Tín, giáo viên Trường THPT Ða Kia, huyện Bù Gia Mập luôn đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, đưa chất lượng môn Lịch sử đứng đầu toàn tỉnh

Là giáo viên trẻ nhưng những năm gần đây thành tích môn thi Lịch sử tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Đa Kia, huyện Bù Gia Mập do thầy Phạm Văn Tín phụ trách luôn trong top đầu tỉnh. Riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, môn Lịch sử của Trường THPT Đa Kia có điểm thi đạt 8,1, xếp thứ 3 toàn tỉnh, cao hơn trung bình môn Lịch sử toàn tỉnh 1,44 điểm. Đặc biệt, lớp do thầy Tín phụ trách có điểm trung bình cao hơn các trường chuyên. Cụ thể, lớp 12A6 đạt trung bình 8,7 điểm; lớp 12A4 đạt trung bình 8,4 điểm. Đó là câu chuyện của những năm học trước, còn năm học 2024-2025 thực hiện Chương trình GDPT 2018 với phương pháp giáo dục mới, cách dạy mới nên kết quả có thể sẽ thay đổi. Bởi vậy, nhiều tháng qua thầy Tín đã dày công tìm hiểu phương pháp dạy học mới, đồng thời nghiên cứu đề thi minh họa để chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho năm học này.

Qua nghiên cứu, thầy Tín cho biết, môn Lịch sử có nhiều điểm mới trong cấu trúc đề thi và đề thi minh họa môn được chia làm 2 phần. Để chọn đúng/sai, thí sinh cần có vốn kiến thức đủ lớn, toàn diện. Vì vậy, học sinh phải tích cực đọc sách, tư liệu và có tư duy (đọc hiểu ngữ liệu), vận dụng kiến thức, sự hiểu biết ý nghĩa, bản chất của sự kiện mới xác định đúng câu trả lời. Không có chỗ cho học vẹt, học thuộc lòng hay chọn theo kiểu “ăn may”, đoán mò.

Là người chuyên đào tạo, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lý, Trường THPT chuyên Quang Trung (TP. Đồng Xoài) nên không chỉ kỳ nghỉ hè vừa qua mà từ hơn 2 năm trước, khi Chương trình GDPT 2018 bắt đầu triển khai ở lớp 10, thầy Nguyễn Xuân Sáng đã tập trung nghiên cứu kỹ 3 bộ sách của 3 khối lớp. Đồng thời, thầy Sáng cũng tham gia đầy đủ các lớp tập huấn để hiểu rõ hơn về nội dung cũng như phương pháp mới trong quá trình giảng dạy.

Ngoài ôn luyện học sinh giỏi, để chuẩn bị tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học năm 2025, thầy Sáng cho biết đã nghiên cứu và bám sát đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT đã công bố để giảng dạy, ôn tập, kiểm tra học sinh giúp các em làm quen với đề thi mới. Đồng thời cập nhật các sách tham khảo của đội ngũ giáo viên uy tín trong bộ môn Địa lý nhằm áp dụng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Cùng với đó, thường xuyên trao đổi với đội ngũ giáo viên cốt cán, giáo viên khắp mọi miền đất nước thông qua internet để có nhiều tư liệu, phương pháp giảng dạy…

Học tự luận để thi trắc nghiệm

Là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 cho lớp 12 và sẽ có nhiều thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nên các giáo viên bộ môn đã sẵn sàng tâm thế đón nhận sự thay đổi tích cực từ Bộ GD&ĐT ở nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, công tác ra đề thi, tổ chức thi… Trong đó, thực hiện tốt công tác giảng dạy, chú trọng việc tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Thầy Tín tâm niệm, dù có nhiều đổi mới trong giảng dạy và thi cử nhưng cốt lõi việc học và ôn luyện bộ môn chính là làm sao cho học sinh nắm vững kiến thức cơ bản tốt nhất; quan tâm rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào tình huống, bài tập; tăng cường kỹ năng đọc hiểu tư liệu, chú trọng thực hành đề thi theo cấu trúc của Bộ GD&ĐT…

Một tiết học của học sinh tại Trường THPT chuyên Quang Trung (TP. Ðồng Xoài) - Ảnh tư liệu

Với môn Lịch sử, theo thầy Tín, đây là môn học đòi hỏi tư duy cao, không đơn thuần là học thuộc hay chăm chỉ giải nhiều đề thi trắc nghiệm là được. Môn Lịch sử yêu cầu các em có cách học và ôn thi đúng đắn mới đạt được nguyện vọng của bản thân. Xuất phát từ thực tế hướng dẫn học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử trong nhiều năm học vừa qua, thầy Tín cho rằng, cái cốt lõi trong luyện thi mà ít giáo viên nhận ra chính là phải nắm vững nguyên tắc “học tự luận để thi trắc nghiệm”. Bởi khi chọn ban xã hội để dự thi tốt nghiệp THPT và xét đại học, cao đẳng trước tiên cần xác định rõ Lịch sử là môn học khó, cần được đầu tư nghiêm túc, nhiều thời gian và nhất thiết phải có người hướng dẫn trong suốt quá trình học.

“Các em nên đặt ra mục tiêu số điểm cần đạt cho bản thân để lấy đó làm động lực phấn đấu. Ngoài xác định mức điểm thi đạt được, các em cần xác định mục tiêu của ôn luyện. Bên cạnh đó, cần vững kiến thức cơ bản của sách giáo khoa, đặc biệt cần loại bỏ tư tưởng Lịch sử là môn học thuộc lòng. Thực tế, đề thi tốt nghiệp THPT cho thấy rất nhiều câu hỏi yêu cầu tư duy cao, phải biết so sánh, phân tích, liên hệ thực tế, giải thích, chứng minh… chứ không chỉ học thuộc lòng” - thầy Tín chia sẻ.

Chia sẻ về giải pháp ôn luyện chuẩn bị từ sớm cho các kỳ thi theo Chương trình GDPT 2018, thầy Sáng cho biết, điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là ở bản thân các em. Các em cần tích cực tiếp thu kiến thức trên lớp, tranh thủ thời gian học tập, thay đổi phương pháp học sao cho phù hợp. Hãy học một cách thông minh và linh hoạt thay vì học nhiều nhưng không đọng lại được kiến thức. Tôi nhận thấy một điều mà các em cần trau dồi, đó là tự học, không ai có thể giúp mình ngoài bản thân. Hơn cả, tôi tin rằng khi các em thực sự nỗ lực sẽ đạt được kết quả xứng đáng. Còn thầy cô giáo sẽ luôn đồng hành, hướng dẫn các em một cách nhiệt thành nhất có thể.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/162214/nam-hoc-dac-biet
Zalo