Nấm hoành hành, rẫy keo thành… củi

Những ngày giữa tháng 5, nhiều diện tích keo ở Khánh Vĩnh đang chết dần. Trên các triền núi từ Khánh Thành, Cầu Bà đến Liên Sang, những rẫy keo trước đây xanh mướt giờ héo úa, chết dần chết mòn. Bệnh nấm tái phát, lan nhanh gây thiệt hại nặng nề cho những rẫy keo của người dân. Dù nguyên nhân đã rõ, biện pháp khắc phục đã có, nhưng với chi phí cao, nhiều người dân chỉ đành nhìn cây chết, coi như mất trắng.

Nhiều diện tích keo đang chết dần

Những ngày giữa tháng 5, khi nắng đã bắt đầu gắt lên khắp các triền núi ở Khánh Vĩnh, chúng tôi men theo con đường đất đỏ dẫn vào thôn Tà Mơ (xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh) để mục sở thị những rẫy keo đang chết dần vì nấm bệnh. Những rẫy keo trước đây xanh rì giờ lấm tấm những khoảng màu nâu úa, nơi thì lá rụng đầy đất, nơi thì thân cây khô quắt lại như bị đốt cháy âm ỉ. “Chỗ nào anh thấy màu nâu lốm đốm là keo chết đó” ông Cao Quyết - Trưởng thôn Tà Mơ vừa bước, vừa chỉ tay lên triền núi Suối Sung phía trước. Gương mặt ông hằn rõ nét lo âu, mắt dõi theo những rẫy cây đã từng là hy vọng của người dân nơi đây, giờ chỉ còn là đống cành khô chất chồng.

Rẫy keo của ông Phạm Thế Đoán đã cho chặt làm củi.

Rẫy keo của ông Phạm Thế Đoán đã cho chặt làm củi.

Rẫy keo 1,6ha hơn 2 năm tuổi của chính ông Quyết cũng không thoát khỏi dịch bệnh. Khoảng 30% số cây đã chết, nhiều cây khác lá vàng úa, gốc xuất hiện vết sần trắng, đen loang lổ. “Đây là một loại nấm hại làm cho cây chết và lây lan rất nhanh. Hồi đầu tôi còn chặt cây chết, tiêu hủy để ngăn lây lan, vận động bà con làm theo. Nhưng hiệu quả thì cũng hạn chế, nấm vẫn lây lan nhanh, nên giờ thì ai cũng bỏ mặc” ông Quyết nói chậm rãi, đầy bất lực.

Chỉ cách đó vài trăm mét, ông Cao Hùng đang đứng ngẩn ngơ giữa rẫy keo của mình. Ba rẫy của ông, cây đều nhiễm bệnh. Hai rẫy có thể bán vội được vài cây còn tươi, số khô thì để người ta chặt làm củi. Còn rẫy thứ ba, cây nhỏ chưa ai mua, nên cứ để mặc mưa nắng dập vùi. “Lên rẫy lần nào cũng thấy cây chết thêm nhiều mà quá xót xa” ông Hùng nói, mắt vẫn dõi vào triền đồi im ắng.

Không chỉ riêng Khánh Thành, tình trạng keo chết đang lan nhanh trên diện rộng khắp huyện Khánh Vĩnh: từ Cầu Bà, Liên Sang, Khánh Đông, Khánh Bình cho đến thị trấn Khánh Vĩnh. Có nơi, tỷ lệ cây chết đã vượt 30%.

Thiệt hại nặng nề, giải pháp thì đắt đỏ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn huyện Khánh Vĩnh hiện có khoảng 11.000ha rừng keo, chủ yếu là keo lai từ 1 đến 3 năm tuổi. Loại cây được xem là “cứu cánh sinh kế” cho người dân vùng miền núi này nay đang gục xuống từng ngày. Nhiều hộ không thể bán gỗ tận thu, đành cho người chặt làm củi, phát trắng rẫy.

Rẫy keo 1 năm tuổi của ông Phạm Thế Đoán cũng đã bị nhiễm bệnh, lá đã chuyển màu vàng.

Rẫy keo 1 năm tuổi của ông Phạm Thế Đoán cũng đã bị nhiễm bệnh, lá đã chuyển màu vàng.

Ông Cao Hùng tính sơ sơ: hơn 2ha keo của ông, chi phí đầu tư trồng và chăm sóc lên tới gần 50 triệu đồng, vậy mà bán cả rẫy cũng chỉ được 25 triệu, chưa bằng một nửa vốn. Ông Bùi Văn Khôi (tổ 5, thị trấn Khánh Vĩnh) bán 2ha rẫy keo chết cũng chỉ được gần 40 triệu. Còn ông Phạm Thế Đoán thì đầu tư trồng và thuê công chăm sóc 2 rẫy keo hết hơn 45 triệu đồng, nhưng nay coi như mất trắng. Ông Đàm Ngọc Thường - Trưởng thôn Trà Liên (xã Liên Sang) thậm chí còn bỏ rẫy: “4,8ha keo 2 năm tuổi bị nhiễm bệnh chết hết, đến nay đang để đất trống chưa dám trồng lại vì sợ cây tiếp tục nhiễm bệnh”.

Theo ông Dương Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thành, hơn 250ha keo trên địa bàn đều đã bị nhiễm bệnh, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hàng trăm hộ dân. Giữa tháng 4-2025, địa phương đã báo lên Phòng Nông nghiệp và Môi trường, đề nghị tiến hành kiểm tra xác định nguyên nhân và biện pháp phòng trừ.

Một rẫy keo bị chết nhiều không thể cứu vãn nên người dân đã bỏ mặc.

Một rẫy keo bị chết nhiều không thể cứu vãn nên người dân đã bỏ mặc.

Ông Nguyễn Lê Toàn Trực - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường cho biết, sau khi nắm thông tin, đơn vị đã phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Diên Khánh - Khánh Vĩnh cùng chính quyền địa phương kiểm tra hiện tượng, tìm hiểu nguyên nhân cây keo chết.

Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định do 2 tác nhân chính: nấm Ceratocystis manginecans và mối Macrotermes malaccensis. Thật ra, đây không phải là bệnh mới. Nó từng xuất hiện từ năm 2016 ở Khánh Thành, nhưng đến đầu năm 2025 mới thực sự bùng phát, lan rộng trên quy mô lớn. Bà Phạm Thị Bưởi - Phó Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Diên Khánh - Khánh Vĩnh cho biết: biện pháp phòng trừ có thể là dùng chế phẩm vi sinh MF1, các loại nấm và vi khuẩn đối kháng, phun thuốc hóa học kết hợp đào hố nhử và sử dụng thuốc tiêu diệt mối trưởng thành.

Ông Cao Quyết thu gom những cây keo chết để tiêu hủy.

Ông Cao Quyết thu gom những cây keo chết để tiêu hủy.

Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện đã khuyến cáo đến tất cả các xã, nhưng phần lớn hộ dân đều đành chịu. Mặc dù các biện pháp phòng trừ mà cơ quan chức năng đưa ra là rất khoa học, song các biện pháp sinh hóa lại có chi phí rất cao. Thêm vào đó, diện tích quá lớn phải sử dụng lượng thuốc nhiều, mặt khác việc tưới gốc hay phun xịt cũng sẽ rất khó khăn do mật độ cây keo trồng dày, độ che phủ cao và địa hình phức tạp... Vì thế, những người dân mà chúng tôi gặp gỡ đều cho biết, họ không có khả năng sử dụng các biện pháp tốn kém này mà đành bỏ mặc những rẫy keo đã nhiễm bệnh chết nhanh từng ngày.

Chúng tôi rời rẫy keo vừa mới bị phát trụi của ông Phạm Thế Đoán (Tổ 5 thị trấn Khánh Vĩnh) mà không khỏi xót xa. Gió xào xạc thổi qua sườn đồi từng một thời xanh biếc bóng keo, nay xám ngoét những thân cây chết khô loang lổ. Tôi nghe như vang đâu đây tiếng khẩn cầu của người dân với mong muốn tránh được dịch bệnh cho vụ trồng rừng năm sau…

THẾ ANH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202505/nam-hoanh-hanh-ray-keo-thanh-cui-fb5256d/
Zalo