Nam Định trong 'chiếc gương PAPI 2024': Nhìn thẳng thực trạng để phục vụ người dân tốt hơn

Theo báo cáo xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2024, tỉnh Nam Định đạt 44,35 điểm. So với năm 2023, tăng 1,18 điểm và 3 bậc trên bảng xếp hạng, xếp thứ 20/61 tỉnh, thành phố tham gia khảo sát, thuộc nhóm trung bình cao toàn quốc. Tuy nhiên, không chỉ tập trung vào thay đổi thứ hạng, Nam Định chủ động tiếp cận PAPI như một 'chiếc gương' phản chiếu toàn diện để nhận diện rõ những mặt đã làm tốt, những lĩnh vực còn hạn chế trong từng trụ cột nội dung, từ đó đề ra giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Kiểm soát thủ tục hành chính và Xúc tiến đầu tư tỉnh.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Kiểm soát thủ tục hành chính và Xúc tiến đầu tư tỉnh.

Những thay đổi chiều sâu

Bức tranh PAPI 2024 của Nam Định cho thấy những cải thiện rõ rệt ở 6/8 nội dung, đặc biệt tại các trụ cột phản ánh trực tiếp niềm tin và sự hài lòng của người dân với chính quyền địa phương như: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, Công khai minh bạch, Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, Thủ tục hành chính công, Quản trị môi trường và Quản trị điện tử đều ghi nhận tăng điểm. Một chỉ số không thay đổi là Trách nhiệm giải trình với người dân và 1 chỉ số Cung ứng dịch vụ công giảm nhẹ 0,01 điểm.

Đáng chú ý, chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng 0,37 điểm, đạt 6,93 điểm, dù vẫn thuộc nhóm trung bình thấp, nhưng người dân đánh giá cao các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tăng cường nỗ lực phòng, chống tham nhũng và thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện các quy định của pháp luật liên quan, bảo vệ người tố giác, thúc đẩy quản trị điện tử, nâng cao hiệu quả giám sát và bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân. Đáng kể, năm 2024 tăng tỷ lệ người dân ghi nhận những nỗ lực mạnh mẽ hơn của chính quyền các cấp trong việc kiểm soát tham nhũng lĩnh vực cung ứng dịch vụ công, công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công. Tuy nhiên, một số hạn chế cũ vẫn còn như tình trạng tham nhũng "vặt" khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc phải “bồi dưỡng” để được chăm sóc tốt hơn tại bệnh viện công tuyến huyện.

Chỉ số Thủ tục hành chính công tăng 0,15 điểm, đạt 7,33 điểm, đạt mức điểm cao nhất trong các chỉ số, nằm trong nhóm trung bình cao. Tại chỉ số này, người dân đánh giá có sự chuyển biến rất tích cực trong mức độ chuyên nghiệp và khả năng đáp ứng yêu cầu của người dân đối với dịch vụ hành chính công ở những lĩnh vực cần thiết nhất cho đời sống, gồm: chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dịch vụ hành chính công cấp xã/phường. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn còn các dư địa cần cải thiện, đáng chú ý người dân phản ánh tình trạng chậm trả kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thông tin phí/lệ phí chưa minh bạch tại một số “một cửa” cấp xã, cấp huyện.

Chỉ số Công khai, minh bạch thông tin nhằm đảm bảo quyền “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” với những chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đời sống và sinh kế của người dân tăng 0,21 điểm, nằm trong nhóm trung bình cao. Ở chỉ số này, người dân phản ánh, tỉnh đã thực hiện tốt hơn việc công khai kế hoạch sử dụng đất, thu chi ngân sách cấp xã và danh sách hộ nghèo. Tuy nhiên, người dân vẫn mong muốn được tiếp cận tốt hơn các thông tin chính sách và được tham vấn cụ thể hơn trong các quyết định có ảnh hưởng tới đời sống.

Chỉ số Tham gia của người dân ở cấp cơ sở của tỉnh tăng 0,18 điểm, đạt 5,61 điểm, nằm trong nhóm trung bình cao. Kết quả này phản ánh việc người dân đánh giá tỉnh tiếp tục huy động hiệu quả sự tham gia của người dân vào công tác bầu cử chọn vị trí trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố và trong đóng góp tự nguyện của người dân cho các công trình công cộng ở địa phương (đường sá, cầu cống, nhà văn hóa, sân chơi...). Dù vậy, người dân vẫn đề xuất được tham gia từ khâu lập kế hoạch đến giám sát thực hiện tại cơ sở.

Quyết liệt khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng phục vụ

Trên quan điểm không chỉ xem PAPI như một bảng xếp hạng, mà là công cụ phản biện và soi chiếu để đổi mới cách quản lý, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, tỉnh đặc biệt chú trọng phân tích những chỉ số thấp điểm và cả những chỉ số tăng điểm nhưng vẫn còn nội dung thành phần chưa tốt để từ đó đưa ra giải pháp điều chỉnh sát thực tiễn. Chẳng hạn chỉ số Quản trị môi trường và Quản trị điện tử vẫn ở mức trung bình thấp trên bình diện toàn quốc. Cụ thể, chỉ số Quản trị môi trường năm 2024 tuy tăng 0,26 điểm so với năm trước song đạt 3,57 điểm. Theo đánh giá của người dân, việc thiếu tích cực trong thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương và chất lượng nguồn nước sinh hoạt là những lý do chính dẫn tới điểm chỉ số nội dung này còn rất thấp...

Chỉ số Quản trị điện tử cũng chỉ tăng 0,06 điểm, đạt 3,39 điểm, dù người dân ghi nhận nỗ lực nâng cấp nền tảng số và thúc đẩy tăng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhưng tỷ lệ người dùng có tương tác trên Cổng thông tin điện tử còn thấp; nhiều thủ tục vẫn phải làm trực tiếp tại “một cửa”.

Chỉ số Trách nhiệm giải trình với người dân giữ nguyên điểm số với mức điểm đạt 4,26 điểm, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số điểm ở mức trung bình thấp. Điểm chỉ số này không có sự thay đổi so với năm 2023 do mức độ tin tưởng vào tòa án và cơ quan tư pháp địa phương cũng như mức độ sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp dân sự qua tòa án hoặc phi tòa án ít có sự chuyển biến; trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố và công chức UBND cấp xã vẫn là những người được đa số người dân tiếp cận để yêu cầu giải quyết bức xúc, khúc mắc hơn so với cán bộ đoàn thể ở cơ sở và đại biểu HĐND cấp xã.

Bên cạnh đó, điểm chỉ số Cung ứng dịch vụ công của tỉnh đạt 7,84 điểm, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số điểm ở mức trung bình cao nhưng cho thấy người dân vẫn chưa thật sự hài lòng về chất lượng giáo dục, y tế tuyến huyện. Các vấn đề như dạy thêm, bệnh viện quá tải, vệ sinh kém, và gợi ý đến nhà thuốc tư nhân để mua thuốc tiếp tục ảnh hưởng đến mức độ hài lòng chung.

Trên cơ sở kết quả phân tích PAPI 2024, tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, chính quyền địa phương: Khẩn trương rà soát từng chỉ số còn yếu, phân tích nguyên nhân, xây dựng kế hoạch cải thiện cụ thể; giao trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu, nâng cao năng lực cán bộ, đổi mới tinh thần phục vụ công vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ số trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm tiện lợi, minh bạch và giảm tiếp xúc trực tiếp; tăng cường trách nhiệm giải trình, đối thoại định kỳ với người dân, lắng nghe phản ánh, sửa đổi chính sách sát với thực tiễn đời sống.

Trong bối cảnh toàn quốc triển khai tổ chức lại đơn vị hành chính, bỏ cấp huyện, sáp nhập xã và tiến tới sáp nhập tỉnh, Nam Định xác định đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để đổi mới tư duy và phương thức quản trị. Tỉnh đã đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm: Tinh gọn bộ máy nhưng không xa dân, tăng cường phân cấp, ủy quyền để chính quyền cơ sở thực hiện tốt vai trò phục vụ. Phát triển mạnh chính quyền số, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, giảm thiểu phiền hà, nâng mức độ hài lòng. Chú trọng đào tạo, bố trí cán bộ kiêm nhiệm có năng lực thực chất, tinh thần trách nhiệm cao và khả năng giao tiếp, giải quyết tình huống tốt. Tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, thúc đẩy quản trị công khai, minh bạch và công bằng.

Với các giải pháp đó, Nam Định đang không ngừng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nền hành chính hiện đại, thân thiện, phục vụ hiệu quả, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cải cách. Mỗi chỉ số tăng là sự chứng minh cho thay đổi về chất lượng phục vụ, niềm tin xã hội và nền tảng cho phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Thanh Thúy,

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202505/nam-dinh-trong-chiecguong-papi-2024-nhin-thang-thuc-trang-de-phuc-vu-nguoi-dan-tot-hon-0371a22/
Zalo