Nam Định tạo môi trường thuận lợi mời gọi nhà đầu tư

Những năm gần đây, Nam Định đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, linh hoạt trong mời gọi các nhà đầu tư, thu hút dòng vốn FDI.

Công nhân lao động tại Công ty TNHH Triton (thành phố Nam Định). Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Công nhân lao động tại Công ty TNHH Triton (thành phố Nam Định). Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Chính quyền các cấp tỉnh Nam Định cùng với cơ quan chức năng địa phương đã đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cho nhóm doanh nghiệp đang hoạt động, đồng thời tạo môi trường thuận lợi, cải cách mạnh thủ tục hành chính theo hướng nhanh, gọn, ít đầu mối, không gây phiền hà cho doanh nghiệp, người tân, tạo môi trường thuận lợi để mời gọi nhà đầu tư...

* Bức tranh sáng của nền kinh tế

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định, 9 tháng của năm 2024, toàn tỉnh có 1.016 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký trên 29.800 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 13.200 lao động, tăng 7,5% về số doanh nghiệp, gấp hơn 3 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 57 dự án, gồm 28 dự án đầu tư trong nước và 29 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký trên trên 7.000 tỷ đồng và 228 triệu USD; trong đó, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy giấy bao bì công nghệ cao từ nguyên liệu giấy phế liệu tái chế và bột giấy cho Công ty Cổ phần Giấy GĐT với tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng tại Khu Công nghiệp Bảo Minh mở rộng; Dự án nhà máy may XIELONG Việt Nam với tổng mức đầu tư 40 triệu USD tại Khu Công nghiệp dệt may Rạng Đông...

Công nhân lao động tại Công ty TNHH Triton (thành phố Nam Định). Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Công nhân lao động tại Công ty TNHH Triton (thành phố Nam Định). Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Theo điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong quý III/2024, có 54,61% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên; 91,18% số doanh nghiệp có số đơn hàng xuất khẩu quý III/2024 tăng và giữ ổn định so với quý trước.

Từ sự phát triển của khu vực sản xuất công nghiệp, bức tranh kinh tế của Nam Định 9 tháng qua có nhiều điểm sáng. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 9,35% so với cùng kỳ năm trước; quy mô kinh tế Nam Định ước đạt 82.647 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 9.000 tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán năm, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2023.

* Đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp

Từ một tỉnh thuần nông, những năm gần đây, Nam Định đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, linh hoạt trong mời gọi các nhà đầu tư, thu hút dòng vốn FDI. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng tập trung thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và các Chương trình hành động, kế hoạch của tỉnh về đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư.

Công nhân lao động tại Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam (huyện Trực Ninh). Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Công nhân lao động tại Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam (huyện Trực Ninh). Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Tỉnh đã công bố và triển khai thực hiện Danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện để thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; Danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện để thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Nam Định; Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung và Danh mục cơ sở dữ liệu mở tỉnh Nam Định...

Các sở, ngành chức năng của tỉnh tập trung chỉ đạo, quyết tâm cải cách thủ tục hành chính gắn với hoàn thiện hạ tầng nền tảng Chính quyền điện tử, rà soát cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy trình, thủ tục gây rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng về thời gian, chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể, các tổ chức tín dụng được tỉnh triển khai thực hiện kịp thời. Các cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo hoạt động ngân hàng thông suốt, an toàn, hiệu quả, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nam Định, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tháng 9/2024 ước đạt 127.581 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 114.613 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp FDI được thành lập từ năm 2016, sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam (trụ sở tại huyện Trực Ninh) có trên 1.000 lao động với mức lương từ 8 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Ông Ravi Chunilal Navin, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam cho biết, ông lựa chọn Nam Định để xây dựng công ty may bởi nơi đây có lịch sử phát triển ngành dệt may lâu năm, nguồn lao động lành nghề, cần cù, thông minh. Bên cạnh đó, địa phương không chỉ có hệ thống giao thông thuận tiện mà còn có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển. Ông Ravi Chunilal Navin mong muốn tỉnh sẽ quan tâm hơn nữa đến doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp FDI trong việc xử lý các thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp ổn định, phát triển.

Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục hoàn thiện Đề án thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ; đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện thủ tục các dự án trọng điểm của tỉnh như: Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (Tỉnh lộ 490); xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển (Tỉnh lộ 484)…; tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp trong công tác giải phóng mặt bằng, phối hợp với nhà đầu tư để sớm triển khai các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng.

Công nhân lao động tại Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam (huyện Trực Ninh). Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Công nhân lao động tại Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam (huyện Trực Ninh). Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Các ngành, các địa phương tích cực đổi mới trong chiến lược hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ nhóm doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng nhà xưởng, các doanh nghiệp mới đưa nhà máy vào vận hành sản xuất, kinh doanh, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư các dự án quy mô lớn.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định; Trung tâm hành chính một cửa các huyện, thành phố để người dân, doanh nghiệp được giải quyết các thủ tục với cơ quan Nhà nước thuận tiện, nhanh chóng. Các đơn vị làm tốt việc hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước về thủ tục, cơ chế, chính sách khi tìm hiểu đầu tư vào tỉnh.

Nguyễn Lành/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nam-dinh-tao-moi-truong-thuan-loi-moi-goi-nha-dau-tu/350317.html
Zalo