Nam Định: Nỗ lực phòng, chống khai thác IUU
Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân trong hoạt động khai thác thủy sản; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), quyết tâm cùng cả nước gỡ cảnh báo 'thẻ vàng' cho thủy sản Việt Nam.
Nhiều giải pháp quyết liệt
Với mục tiêu cùng ngư dân tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng, giành lại thẻ xanh, tỉnh Nam Định đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp. Trong đó, năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh đã thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá (Văn phòng IUU) kiểm tra, kiểm soát tàu cá rời/cập cảng, ban hành quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ trực văn phòng 24/24h, thực hiện chế độ giao ca, báo cáo theo quy định.
Bên cạnh đó, Nam Định đã ký kết Kế hoạch phối hợp Kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng khai thác và phòng, chống khai thác IUU giai đoạn 2023-2025 với các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa; ký kết Quy chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm ngư Vùng 1 và Chi cục Thủy sản trong công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và trao đổi thông tin chống khai thác IUU.
Hiện nay, toàn tỉnh Nam Định có 1.746 tàu cá với gần 5.400 lao động khai thác thủy sản. Trong 10 tháng năm 2024, tổng sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh ước trên 50.820 tấn, đạt 83,31% kế hoạch; trong đó, khai thác biển đạt 48.480 tấn, khai thác nội địa đạt 2.342 tấn.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Nam Định đã tổ chức 4 lớp tập huấn với 815 ngư dân và cán bộ làm công tác chống khai thác IUU các huyện ven biển; phát 815 bộ tài liệu tuyên truyền, gồm: Sổ tay đi biển cho ngư dân, sổ tay một số điều ngư dân cần biết trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tờ rơi nhóm hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự; tờ rơi hướng dẫn phân vùng khai thác thủy sản, hướng dẫn người dân nộp nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản… Nhờ vậy, nhận thức của ngư dân về khai thác thủy sản được nâng lên rõ rệt, không có tàu cá hay thuyền viên nào vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài.
Cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân, Sở NNPTNT đã chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Thủy sản phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên kiểm tra tại khu vực các cửa sông ra biển và vùng biển tỉnh Nam Định để ngăn chặn, xử lý tàu cá có hành vi vi phạm khai thác thủy sản.
“Hằng năm, Thanh tra Sở đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra chuyên ngành, trong đó có nội dung kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật về đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, sổ danh bạ thuyền viên, trang thiết bị hàng hải, ngư lưới cụ; các điều kiện đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tàu cá; đồng thời ngăn chặn các hành vi vi phạm khai thác IUU góp phần từng bước tháo gỡ thẻ vàng EC đối với ngành thủy sản Việt Nam” - lãnh đạo Thanh tra Sở NNPTNT cho biết.
Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh Nam Định thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai các cuộc kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản trên biển, cửa sông và vùng nội đồng tỉnh Nam Định. Kết quả, trong 10 tháng năm 2024, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 71 trường hợp với tổng số tiền 417 triệu đồng. Thông qua hoạt động kiểm tra, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Đưa hoạt động khai thác thủy sản đi vào nền nếp
Để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng”, đưa hoạt động khai thác thủy sản đi vào nền nếp, thời gian tới, Nam Định sẽ quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra, kiểm soát tàu cá trên biển và tại các cảng cá; ngăn chặn, xử lý kịp thời tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU; kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập bến của tàu cá, kiên quyết không cho ra khơi những tàu không đảm bảo yêu cầu theo quy định; xác minh, xử lý các tàu cá không duy trì tín hiệu thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển…
Yêu cầu các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, Thanh tra, Thủy sản… tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các vi phạm về khai thác thủy sản trên vùng biển của tỉnh; tổ chức xác minh, xử lý ngay các trường hợp tàu cá mất kết nối trên 10 ngày, không duy trì tín hiệu thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (VMS) khi tàu hoạt động trên biển; thường xuyên đưa tàu neo đậu, bố trí lực lượng chốt chặn 24/24h tại các cửa sông ra biển để ngăn chặn, phát hiện các lỗi vi phạm về khai thác IUU.
Tỉnh Nam Định cũng đề nghị, Ban Quản lý cảng cá, Văn phòng đại diện Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập bến của các tàu cá; kiên quyết không cho tàu cá không bảo đảm các yêu cầu theo quy định ra khơi; chấm dứt tình trạng tàu cá nhiều “không” (không có giấy phép, không trang bị thiết bị VMS, không duy trì tín hiệu VMS, tàu không có biển số, không đánh dấu tàu cá theo quy định…) ra khơi hoạt động khai thác hải sản.
Đồng thời, yêu cầu Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn ven biển tuyên truyền, vận động, nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ các trường hợp tàu cá, ngư dân có ý định khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, sở, ngành và lực lượng chức năng nếu để tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn ngư dân khai báo trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) trước khi rời, cập cảng...
Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc tích cực, chủ động của ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương, vẫn rất cần sự tự giác, trách nhiệm của các chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân thì mới giải quyết dứt điểm sớm tình trạng tàu cá vi phạm, góp phần cùng cả nước tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản./.