Nam Định: Chú trọng phát triển sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ

Các mô hình sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ đang được đẩy mạnh và nhân rộng tại Nam Định. Hướng đi này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Những năm gần đây, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định đã chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP… tạo ra nhiều sản phẩm lúa, gạo, rau, củ, quả, thịt lợn, thịt gà chất lượng và là cơ sở để hình thành, duy trì, thúc đẩy các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Đến hết vụ xuân năm 2024, toàn tỉnh đã có khoảng 900ha sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP/GlobalGAP, tiêu biểu như: Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và rau màu sử dụng phân bón hữu cơ của Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên); mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); mô hình sản xuất rau, củ, quả ở xã Yên Cường, Yên Dương, Yên Tân (Ý Yên); mô hình sản xuất rau màu của Hợp tác xã (HTX) Trường Xuân, xã Giao Lạc (Giao Thủy); mô hình sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm của Công ty TNHH Cường Tân, xã Trực Hùng (Trực Ninh)...

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ ngày càng được người nông dân Nam Định quan tâm mở rộng. (Ảnh tư liệu)

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ ngày càng được người nông dân Nam Định quan tâm mở rộng. (Ảnh tư liệu)

Việc phát triển các mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân mà còn góp phần làm giảm diện tích ruộng bị bỏ hoang ở các địa phương. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ xuân năm 2024, diện tích ruộng bị bỏ hoang trong toàn tỉnh giảm 529ha so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, huyện Ý Yên giảm 232ha, Nghĩa Hưng giảm 81ha, Vụ Bản giảm 76ha, Trực Ninh giảm 59ha…

Nhân rộng các mô hình trồng rau quả an toàn

Nhằm tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cung ứng cho thị trường, một số HTX, đơn vị, cá nhân trong tỉnh đã đầu tư xây dựng mô hình sản xuất rau sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần mang lại thu nhập cao hơn và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Trên diện tích 4.500m2, khu sản xuất rau hữu cơ của ông Trần Đức Tuệ thuộc xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) trồng các loại rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Tuệ, để cây rau sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, không phải dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu như tập quán canh tác rau truyền thống, trước khi trồng ông dùng phân hữu cơ bón lót, bổ sung dinh dưỡng cho đất, đồng thời sử dụng màng che để hạn chế sâu bệnh phát triển. Với cách làm này, các quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ, tư duy sản xuất cũng thay đổi theo hướng phát triển trồng trọt bền vững, an toàn, mỗi sản phẩm đưa ra thị trường đều là sản phẩm sạch.

Mô hình ổi lê của gia đình bà Hoàng Thị Mơ, ở xã Hải Cường (Hải Hậu) là một trong 5 mô hình nhận được nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển (CGFED) là một tổ chức Phi chính phủ, Phi lợi nhuận ở Việt Nam. Đây là chương trình do Trung tâm phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hải Hậu tổ chức, hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, góp phần bảo vệ môi trường. Nhờ trồng theo hướng hữu cơ, an toàn nên cây ổi phát triển nhanh, ra quả quanh năm. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, trung bình mỗi năm vườn ổi mang lại nguồn thu nhập cho gia đình bà Mơ khoảng 80 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các loại cây ăn quả khác.

Cũng tại xã Hải Cường, anh Lê Tiến Đạt đã thành công với mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện với diện tích 700m2, anh Đạt đã đầu tư xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gồm khu nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, hệ thống quạt mát, camera tự động, trồng thử nghiệm các loại rau, quả, đặc biệt là giống dưa lưới của Nhật Bản theo quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ. Mỗi tháng anh Đạt cung ứng ra thị trường từ 500-600kg rau sạch với giá bán trên dưới 35 nghìn đồng/kg.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm sức lao động, hầu hết người trồng rau trên địa bàn tỉnh đều tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mặc dù giá rau, củ, quả sạch khá cao so với giá rau thông thường nhưng các hộ trồng kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn kiên trì thực hiện mô hình, quyết tâm giữ chữ tín, cũng như thương hiệu rau, củ, quả sạch đã được người tiêu dùng tin tưởng.

Bà con nông dân tích cực triển khai các mô hình trồng rau quả an toàn. Ảnh: Báo Nông Nghiệp

Bà con nông dân tích cực triển khai các mô hình trồng rau quả an toàn. Ảnh: Báo Nông Nghiệp

Đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ

Phân bón hữu cơ ngày càng được các đơn vị, HTX, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Nam Định lựa chọn để hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, hiệu quả và bền vững.

Tại huyện Trực Ninh, Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh là đơn vị đi đầu trong phát triển sản xuất lúa gạo hàng hóa theo hướng hữu cơ. Một trong những ưu tiên lựa chọn của Công ty là phối hợp với Công ty Cổ phần Nano Industry Đăng Quang để đưa phân bón hữu cơ vào sản xuất lúa.

Từ vụ xuân năm 2024, được sự cho phép và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công ty đã sử dụng phân bón PAN để chăm sóc cho lúa với diện tích khảo nghiệm là 10,5ha cấy bằng các giống lúa VNR20, nếp Cô Tiên và nếp Ngọc Lam tại xã Liêm Hải (Trực Ninh).

Kết quả từ vụ xuân vừa qua cho thấy, các giống lúa sử dụng phân bón này đều có tỷ lệ nảy mầm cao, sức sống mầm tốt, độ đồng đều khá. Bộ rễ phát triển khỏe mạnh, thân đứng, cứng cây, bộ lá cứng, ít dảnh vô hiệu, khả năng chống đổ khá nên mức độ nhiễm sâu bệnh nhẹ hơn so với ruộng đối chứng. Cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao hơn ruộng đối chứng từ 23-33kg/sào, tương đương 638-915kg/ha. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, việc sử dụng phân bón hữu cơ còn giúp giảm việc phát thải khí nhà kính, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.

Sử dụng phân bón hữu cơ để hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, hiệu quả và bền vững. (Ảnh minh họa)

Sử dụng phân bón hữu cơ để hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, hiệu quả và bền vững. (Ảnh minh họa)

Không chỉ có doanh nghiệp, nhiều hộ nông dân cũng mạnh dạn áp dụng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững. Gia đình chị Nguyễn Thị Khoa, nông dân xã Liên Bảo (Vụ Bản) đã mạnh dạn thuê gom, tích tụ ruộng đất nông nghiệp của các hộ dân trong vùng, đầu tư mua máy làm đất, máy cấy, máy gặt để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô 3,5ha.

Sau khi hoàn thành khâu cải tạo, loại bỏ tồn dư hóa chất trong đất, chị trồng lúa bằng các giống Đài Thơm, BT7 kháng bạc lá theo quy trình sản xuất hữu cơ. Chị sử dụng phân chuồng ủ hoai mục kết hợp phân hữu cơ vi sinh để chăm sóc lúa; sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh… Nhờ thực hiện nghiêm quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ nên toàn bộ diện tích lúa của gia đình chị sinh trưởng, phát triển tốt suốt vụ, ít sâu bệnh, năng suất bình quân đạt trên 200 kg/sào. Toàn bộ lượng lúa thương phẩm được các doanh nghiệp thu mua với giá bán cao gấp 1,5 lần lúa đại trà.

hời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định sẽ tăng cường, tiếp nhận khảo nghiệm các loại phân bón hữu cơ mới và tổ chức nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nam-dinh-chu-trong-phat-trien-san-xuat-nong-san-theo-huong-huu-co-93449.html
Zalo