Nam Định: Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường từ vỏ thuốc bảo vệ thực vật

Nhiều người có thói quen vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngay tại bờ ruộng, sông, ngòi… làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, nguồn nước và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng.

Người dân vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa rác thải đặt tại đồng ruộng xã Nam Cường, huyện Nam Trực. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Người dân vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa rác thải đặt tại đồng ruộng xã Nam Cường, huyện Nam Trực. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Trên các cánh đồng tại tỉnh Nam Định thời điểm này người dân đang bước vào giai đoạn phun các loại thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây trồng. Sau khi sử dụng xong, nhiều người có thói quen vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngay tại bờ ruộng, sông, ngòi… làm ô nhiễm môi trường, nguồn nước làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng.

Tại cánh đồng lúa rộng hàng chục ha ở xã Nam Điền, huyện Nam Trực, vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng của nhiều nhãn hiệu như: thuốc trừ sâu Fartack 50EC, thuốc trừ bệnh Bisomin 2SL, thuốc trừ sâu Phoppaway 80WG, thuốc trừ cỏ Sunrice 15WG… được vứt bừa bãi dọc theo đường ruộng, đầu ruộng. Tại các mương nước, nhiều vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cũng được vứt thẳng xuống nguồn nước, nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

 Vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng bị vứt thẳng xuống mương nước tại cánh đồng xã Nam Điền, huyện Nam Trực. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng bị vứt thẳng xuống mương nước tại cánh đồng xã Nam Điền, huyện Nam Trực. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Liên, xóm Tiền Phong 2 cho biết, trên các cánh đồng của xóm hiện chưa có thùng đựng vỏ bao bì thuốc trừ sâu nên nhiều người có thói quen sau khi phun thuốc xong là vứt ngay tại đầu ruộng hay đầu nguồn nước, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay, nhưng cũng không thấy xóm có thông báo nhắc nhở hay tổ chức đi thu gom.

Tình trạng nông dân vứt tràn lan vỏ, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cũng diễn ra trên hầu khắp các cánh đồng tại xã Nghĩa An, huyện Nam Trực.

Trên bao bì thuốc bảo vệ thực vật đều có ghi cảnh báo thuốc có thể có hại nếu tiếp xúc với da; có thể có hại nếu hít phải; độc đối với sinh vật thủy sinh… việc người dân vứt vỏ thuốc xuống dòng sông, có thể gây nguy hại cho gia súc, gia cầm khi uống phải nguồn nước có chứa thuốc, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người mỗi khi ra đồng làm việc.

Ông Nguyễn Văn Tài, người dân xóm 12, cho hay trên các con mương nội đồng hiện có rất nhiều vỏ thuốc trừ sâu, thuốc sử dụng không hết chảy xuống nước khiến tôm, cá cũng như các loài vật khác không sống nổi, bây giờ đi làm đồng người dân cũng không dám rửa tay chân ở dưới mương vì sợ nhiễm bệnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nam Định, trung bình mỗi năm, nông dân tại tỉnh Nam Định sử dụng trên 600 tấn thuốc bảo vệ thực vật để phun cho lúa và các loại hoa màu.

Để hạn chế tình trạng vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bị vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước xung quanh, những năm qua nhiều địa phương đã xây dựng và duy trì mô hình bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đem lại hiệu quả cao.

Từ đầu vụ lúa xuân năm 2025 đến nay, tình trạng vứt bỏ bừa bãi vỏ thuốc bảo vệ thực vật ra các khu vực ruộng, mương nước tại thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng giảm đi đáng kể nhờ đã đầu tư xây dựng hàng chục bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng cũng như tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bảo vệ môi trường của bà con nông dân.

Vừa pha xong thuốc để chuẩn bị phun trừ sâu cuốn lá kết hợp rầy nâu trên cánh đồng lúa rộng hàng chục ha tại xóm 8, ông Vũ Tiến Đạt cẩn thận thu gom các loại bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bỏ gọn vào túi nilon rồi đưa vào bể thu gom của xã theo quy định.

Ông Vũ Tiến Đạt chia sẻ, trước đây chưa có các bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật, sau khi phun thuốc cho lúa xong, ông thường cho các vỏ thuốc vào hết trong túi nilon rồi mang ra bãi rác vứt. Tuy nhiên từ khi địa phương xây dựng bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại khu vực đầu ruộng, ông và người dân trong xóm sau khi trừ sâu xong liền vứt vào bể rất tiện lợi.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Quỹ Nhất Vũ Văn Khá, hiện nay tại hầu hết các cánh đồng trên địa bàn đều được đặt bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường cũng đã được nâng lên, việc bỏ vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào đúng nơi quy định đã trở thành thói quen của người dân.

Toàn bộ lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được địa phương ký hợp đồng với đơn vị thu gom, xử lý đúng theo quy định.

Đến nay, tỉnh Nam Định đã xây dựng được hơn 20.000 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại đặt các tuyến đường nội đồng, bờ ruộng, bờ mương. Trong năm 2024, số lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom, xử lý sau sử dụng trên 100 tấn.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp Nam Định, ý thức của người dân về tác hại lâu dài của rác thải thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường đã được nâng lên, đa số người dân địa phương đã tự giác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào đúng nơi quy định.

Tuy nhiên, tại một số địa phương trong tỉnh hiện vẫn chưa xây dựng được bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, mặt khác tại những nơi có bể chứa, một số nông dân sau khi sử dụng vẫn vứt tràn lan ra đồng ruộng, nguồn nước gây ô nhiễm môi trường.

Thuốc bảo vệ thực vật là những hợp chất độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm, trong mỗi bao bì đựng thuốc sau khi sử dụng luôn tồn dư lượng thuốc nhất định, khi những hóa chất này ngấm vào đất sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiếp xúc.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định Nguyễn Quốc Việt khuyến cáo, người dân cần sử dụng đúng liều lượng thuốc theo hướng dẫn trong mỗi đợt phun trừ sâu bệnh, sau khi sử dụng xong cần thu gom vỏ thuốc bỏ vào đúng nơi quy định, không nên vứt bừa bãi ra ngoài môi trường.

Thời gian tới, các ngành chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hợp tác xã, các địa phương… thu gom, xử lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật đúng cách để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nam-dinh-bao-dong-tinh-trang-o-nhiem-moi-truong-tu-vo-thuoc-bao-ve-thuc-vat-post1033412.vnp
Zalo