Nậm Dịch sau 5 năm 'về chung nhà'
BHG - Tháng 1.2020, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, 2 xã Nậm Dịch và Bản Péo (Hoàng Su Phì) sáp nhập thành một xã, lấy tên là xã Nậm Dịch, trung tâm đặt tại xã Nậm Dịch cũ. Sau khi sáp nhập, xã có diện tích tự nhiên hơn 30 km2, dân số gần 3.800 khẩu, với 14 thôn. Với nhiều điểm tương đồng về giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội và dư địa phát triển, sau 5 năm “về chung nhà”, Nậm Dịch khoác lên mình màu áo mới, đời sống người dân không ngừng nâng lên.
Những ngày đầu thực hiện sáp nhập, khó khăn nhất là việc sắp xếp nhân sự, ngoài việc bố trí đội ngũ cán bộ, công chức vào đơn vị hành chính mới, còn phải thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế đối với số cán bộ dôi dư. Huyện Hoàng Su Phì đã tăng cường gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức và tiến hành rà soát năng lực, tiêu chuẩn, kinh nghiệm của từng cán bộ để sắp xếp nhân sự hợp lý; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sắp xếp đơn vị hành chính và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

Trung tâm xã Nậm Dịch (Hoàng Su Phì) ngày càng phát triển sau sáp nhập.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của Nhân dân, sau 5 năm thực hiện sáp nhập, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, cơ sở giáo dục, y tế trên địa bàn xã duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo theo yêu cầu nhiệm vụ; tình hình phát triển KT - XH, QP-AN được đảm bảo; số lượng cán bộ, công chức xã giảm từ 36 người xuống còn 20 người. Bộ máy hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm chi ngân sách thường xuyên, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên chuyển đổi các loại giấy tờ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo trong 4 năm liên tục giảm 6%; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 38,5 triệu đồng/người/năm, đặc biệt năm 2025, xã Nậm Dịch phấn đấu về đích xây dựng Nông thôn mới.
Thôn 10 là một trong những thôn phát triển rõ nét nhất của xã Nậm Dịch. Toàn thôn có 95 hộ thì có 28 hộ làm kinh doanh, 50% hộ khá, giàu; cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư, nâng cấp; các phong trào thi đua yêu nước phát triển sôi nổi, rộng khắp. Anh Nguyễn Văn Cảnh, thôn 10 chia sẻ: “Sau sáp nhập, đường giao thông nông thôn được đầu tư, nâng cấp, nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, đời sống người dân đã tốt hơn trước rất nhiều”.
Ngay sau khi sáp nhập xã, các trường học trên địa bàn cũng sáp nhập thành trường Tiểu học và THCS Nậm Dịch với hơn 740 học sinh, trong đó có 260 học sinh ở bán trú. Để đảm bảo điều kiện ăn, ở, huyện Hoàng Su Phì đã kêu gọi nguồn xã hội hóa, xây dựng nhà bán trú cho học sinh; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học, chất lượng giáo dục của xã từng bước nâng cao, hướng đến xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.
Chủ tịch UBND xã Nậm Dịch Lù Seo Seng cho biết: “Sau 5 năm sáp nhập, đến nay chất lượng làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức của xã được nâng lên, việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân cũng ngày càng nâng cao, Nhân dân an tâm sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.
Việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tại huyện Hoàng Su Phì mở ra không gian phát triển mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Hoàng Su Phì nói riêng, tỉnh Hà Giang nói chung triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã theo chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay.