Nam bộ xứng danh 'Thành đồng Tổ quốc'

21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 23-9-1945, được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Lập tức Xứ ủy, Ủy ban nhân dân Nam bộ quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam bộ và ra Lời kêu gọi 'Toàn dân đoàn kết bảo vệ quốc gia'.Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, trên khắp vùng trời Nam bộ, quân và dân một lòng thề quyết chống ngoại xâm. Nam bộ bước vào cuộc chiến trực diện với kẻ thù.ĐI THEO TIẾNG KÊU 'SƠN HÀ NGUY BIẾN

Ngày 26-9-1945, qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Hỡi đồng bào Nam bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm... Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ.

Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”... Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng”.

Chiến thắng Giồng Dứa là một trong những thành công quan trọng về mặt quân sự mở đầu cho những thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên quê hương Tiền Giang

Chiến thắng Giồng Dứa là một trong những thành công quan trọng về mặt quân sự mở đầu cho những thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên quê hương Tiền Giang

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Bác Hồ và Chính phủ, nhân dân Nam bộ đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ thành quả cách mạng, ra sức củng cố, xây dựng Lực lượng vũ trang. Mặc dù trong tay chủ yếu là vũ khí thô sơ, song quân và dân Nam bộ với tinh thần “Độc lập hay là chết” đã anh dũng chiến đấu, tích cực tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ chúng ở thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, tạo điều kiện cho quân và dân cả nước có thêm thời gian để củng cố thực lực, bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.

Khắp các địa phương trong cả nước sục sôi “Ủng hộ cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam bộ”, thanh niên nô nức tòng quân, các chi đội Nam tiến gấp rút lên đường vào Nam chiến đấu… Chiến trường Nam bộ quy tụ sức mạnh cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.

Từ Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng theo dõi sát diễn biến chiến trường Nam bộ. Ngày 29-10-1945, trong Lời kêu gọi đồng bào Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ Nam chí Bắc, đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng.

Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước, không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc…Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất mà không một đội quân xâm lăng nào đánh tan được…”.

Ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất của quân và dân Nam bộ, tháng 2-1946, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.

Ý chí ngoan cường, hào khí Nam bộ kháng chiến, sự chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh tiếp tục được đồng bào Nam bộ phát huy suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp để cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

HÀO KHÍ NAM BỘ KHÁNG CHIẾN TRÊN ĐẤT TIỀN GIANG

Cuối tháng 9-1945, Xứ ủy Nam kỳ cùng Tỉnh ủy Mỹ Tho triệu tập Hội nghị mở rộng tại xã Mỹ Phong với sự tham dự của các đồng chí: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Dương Khuy, Nguyễn Văn Tiếp.

Trên cơ sở phân tích những âm mưu mới của thực dân Pháp, Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến và vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến, vận động bà con tản cư ra khỏi thị xã, thị trấn để thực hiện “Vườn không nhà trống”, rút các cơ quan và Lực lượng vũ trang ra khỏi thành phố, lập các phòng tuyến ngăn chặn địch, xây dựng căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười, lập các binh công xưởng ở căn cứ, đáp ứng yêu cầu chiến đấu của Lực lượng vũ trang.

Tượng đài Chiến thắng Giồng Dứa ở xã Long Định, huyện Châu Thành.

Tượng đài Chiến thắng Giồng Dứa ở xã Long Định, huyện Châu Thành.

Đáp ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, quân, dân 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công (nay là Tiền Giang) khẩn trương xây dựng lực lượng Cộng hòa Vệ binh các cấp và trên các tuyến giao thông thủy, bộ đều được lập phòng tuyến chiến đấu. Cụ thể, ở Mỹ Tho lập các phòng tuyến Rạch Tràm - Bắc Chợ Gạo, cầu Hòa Bình - Bình Ninh, vàm Kỳ Hôn; cầu Vĩ; vàm kinh xáng Lacomb (nay là kinh Nguyễn Tấn Thành) - chùa Phật Đá, Tân Hương; Tam Bình - sông Ba Rài… Ở Gò Công lập phòng tuyến Cầu Nổi - Rạch Bùn - Pháo Đài, cầu Sơn Qui…

Cho đến giữa tháng 10-1945, công tác chuẩn bị của nhân dân tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công về cơ bản đã hoàn thành. Với sự quyết tâm cao độ, toàn tỉnh sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi đánh chiếm Sài Gòn, quân Pháp tiến đánh Mỹ Tho và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đêm 26 rạng sáng ngày 27-10-1945, diễn ra trận đánh tại Cầu Nổi (Gò Công) mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược tại địa phương. Ngày 27-10-1945, một cánh quân khác của Pháp đi đường thủy đổ bộ lên Cầu Tàu (thị xã Mỹ Tho).

Cánh đường bộ của quân Pháp theo đoàn xe Anh - Ấn từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho, đến cầu Tân Hương cũng bị cản lại do cầu bị phá. Ngày hôm sau, địch mới vào được thị xã nhưng vẫn bị chặn đánh quyết liệt.

Ngày 23-12-1945, quân Pháp vượt qua kinh Xáng Long Định để tiến chiếm Cai Lậy. Lực lượng vũ trang Công đoàn, Đại đội 4 và Trung đội du kích Cai Lậy tiến hành đốt cháy nhà dây thép, nhà thông tin, các trụ sở, trại lính mã tà...

Cuối tháng 12-1945, quân Pháp đánh chiếm Cái Bè, quân dân địa phương tổ chức nhiều đợt đánh phá, đốn cây cản đường, phá cầu... để giam chân địch trong thị trấn, tổ chức di chuyển lực lượng ra ngoài để bảo toàn lực lượng.

Mặc dù đương đầu trực diện với kẻ thù trong điều kiện khó khăn nhiều mặt, nhưng với lòng yêu nước “thề quyết chống quân ngoại xâm”, quân dân Tiền Giang đã anh dũng, kiên cường đánh giặc và giành được những thắng lợi quan trọng.

Về chính trị, ngày 6-1-1946, dưới bom đạn của kẻ thù, nhân dân 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã nô nức đi bầu cử Quốc hội và đã chọn được 5 đại biểu đại diện cho nhân dân tỉnh nhà. Trong đó, đồng chí Nguyễn Thị Thập và các đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn, Ngô Tấn Nhơn đắc cử ở tỉnh Mỹ Tho; ở tỉnh Gò Công, các đồng chí Nguyễn Văn Côn và Nguyễn Công Trung đã đắc cử.

Đến tháng 5-1946, Mặt trận Việt Minh tỉnh tiến hành đại hội; tiếp theo, Hội Liên Việt tỉnh đã được ra đời. Qua đó, khối đoàn kết toàn dân tiếp tục được mở rộng. Chính quyền cách mạng phát triển vững chắc, kiểm soát hoàn toàn vùng nông thôn. Ủy ban Hành chính được đổi thành Ủy ban Kháng chiến - Hành chính để phù hợp với tình hình mới. Cơ sở chính trị quần chúng được xây dựng ở các thị xã, thị trấn.

Từ đó, phong trào đấu tranh chính trị ngày càng dâng cao. Các cuộc bãi công, bãi khóa, bãi thị liên tiếp nổ ra. Phần lớn trí thức đều hướng về cách mạng. Nhiều học sinh “xếp bút nghiên” ra vùng bưng biền tham gia kháng chiến.

Về quân sự, mặc dù có quân đông, vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, nhưng quân Pháp chỉ chiếm được các thị xã, thị trấn và một số trục đường giao thông chiến lược. Tuy vậy, bọn chúng vẫn bị quân dân ta thường xuyên tập kích và phải gánh chịu những tổn thất nặng nề. Trong năm 1946, ta đã giành được những chiến thắng tiêu biểu, như trận Bình Ninh (Chợ Gạo); trận Bình Đức (Châu Thành); trận Long Khánh (Cai Lậy); trận tấn công thị trấn Cái Bè, làm chủ thị trấn trong nhiều giờ; trận Tân Bình Điền (Gò Công); trận Mỹ Trung - Mỹ An (Cái Bè)...

Lực lượng vũ trang trong tỉnh được xây dựng và phát triển nhanh chóng, bao gồm 3 thứ quân: Dân quân du kích, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực. Trong đó, các đơn vị của bộ đội chủ lực ngày càng lớn mạnh. Năm 1947, ở Mỹ Tho có Trung đoàn 105, ở Gò Công có Tiểu đoàn 305.

Năm 1948 - 1949, các Tiểu đoàn 307, 309, 314 của Khu 8 lần lượt được ra đời và tác chiến chủ yếu trên chiến trường Mỹ Tho, Gò Công. Với tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, quân dân Tiền Giang đã liên tiếp giành được những chiến công vang dội; điển hình là các Chiến thắng Cổ Cò (22-1-1947), Giồng Dứa (25-4-1947).

Về kinh tế, ta đã thành công trong việc vận động địa chủ hiến ruộng và giảm 50% mức địa tô. Đồng thời, chính quyền cách mạng còn tạm cấp ruộng đất cho nông dân thiếu hoặc không có ruộng. Do đó, giai cấp nông dân rất phấn khởi trong sản xuất và đóng góp hậu cần ngày càng nhiều cho kháng chiến.

Phong trào “Thi đua ái quốc” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động được nhân dân Tiền Giang tích cực hưởng ứng. Nhân dân ra sức xây dựng và phát triển nền kinh tế kháng chiến; thực hiện triệt để công tác phong tỏa kinh tế địch. Trong vùng căn cứ Đồng Tháp Mười, nhân dân có sáng kiến đào các con “Kinh kháng chiến” để ngăn chặn xe cơ giới của địch, đảm bảo giao thông vận tải và tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.

Về văn hóa, hệ thống trường học, trạm y tế, phòng đọc sách, phong trào văn nghệ, thông tin, tuyên truyền và cuộc vận động thực hiện nếp sống mới phát triển mạnh trong vùng căn cứ. Bên cạnh đó, ta cũng đẩy mạnh công tác đấu tranh chống văn hóa lai căng, vong bản, đồi trụy trong vùng địch tạm chiếm.

Nhìn chung, mặc dù phải trải qua nhiều gian khổ nhưng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Tiền Giang đã có sự phát triển vững chắc về mọi mặt, từng bước giành quyền chủ động trên chiến trường, đẩy địch vào thế bị động, phòng ngự.

MAI HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202409/ky-niem-79-nam-ngay-nam-bo-khang-chien-23-9-1945-23-9-2024-nam-bo-xung-danh-thanh-dong-to-quoc-1021802/
Zalo