Năm 2025: Ưu tiên đảm bảo điện, đẩy nhanh tiến độ các dự án

Năm 2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục ưu tiên đảm bảo cung cấp điện, đẩy nhanh tiến độ các dự án điện; đề xuất giao đầu tư điện hạt nhân.

Hoàn thành tốt 5 chỉ tiêu

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đến cuối tháng 4, có thời điểm sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc đã đạt đỉnh điểm là trên 1,020 tỉ kWh/ngày, dù trước đó kế hoạch tăng trưởng lạc quan nhất về cung ứng điện được đưa ra là 8,6%. Vì vậy, ngay quý I Bộ Công Thương đã chủ trì họp điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng về cung ứng điện lên mức trên 10% và cao điểm cung ứng điện đạt 12%.

Năm 2024, về tình hình tài chính tập đoàn cũng gặp khó khăn, song chưa thể điều chỉnh giá điện do ưu tiên cho tăng lương (tháng 7), dự kiến điều chỉnh và tháng 9 thì lại phải tập trung khắc phục hậu quả rất lớn do cơn bão Yagi gây ra. Tuy nhiên, sau đó giá điện được điều chỉnh tăng 4,8% đã góp phần cân bằng tài chính tập đoàn.

Các chỉ tiêu 2024 của EVN đã về đích hết sức ấn tượng. Về đầu tư xây dựng, tập đoàn có khối lượng đầu tư khổng lồ với 112.892 tỉ đồng, cao nhất trong các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước; các chỉ tiêu về kinh tế kỹ thuật cũng đã đạt mức ASEAN 4 (tổn thất điện năng, độ tin cậy cung cấp điện...); bên cạnh đó EVN cũng đạt chỉ tiêu về dịch vụ khách hàng, dịch vụ số với cấp độ 4... Đặc biệt hình ảnh, uy tín của EVN đã được nâng cao trong xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn vẫn còn nhiều tồn tại như các vấn đề như công tác quản lý, giám sát, phân cấp cần triệt để hơn. Quy trình quy định còn rắc rối phức tạp, nhiều khâu chồng chéo.

Trong đầu tư xây dựng với quản trị rủi ro, từ khảo sát thiết kế, chuẩn bị lực lượng, đồng bộ vật tư thiết bị và thi công xây lắp còn nhiều vấn đề khắc phục.

Trong vận hành, dù giảm nhiều sự cố nhưng vẫn có sự cố đáng tiếc, do con người hoặc do quy trình, quy định và cách làm việc. Chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cũng cần được cải thiện; đầu tư phần nguồn còn hạn chế, một số cán bộ vẫn chưa làm hết trách nhiệm…

Từ kết quả thành công của EVN có thể rút ra những bài học kinh nghiệm như: Sự ủng hộ cao, toàn diện từ Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương; sự quyết tâm cao và sự vào cuộc của lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị với cách làm sáng tạo, linh hoạt. Tất cả các công việc được xử lý chi tiết, khoa học, có đánh giá được; tinh thần phối hợp, đồng hành giữa EVN và các đối tác; làm tốt công tác truyền thông nội bộ và bên ngoài.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc EVN

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc EVN

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long ghi nhận những nỗ lực và chúc mừng những thành tích của EVN trong năm 2024. Đặc biệt là việc hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối trong bối cảnh nhiều khó khăn, khối lượng công việc khổng lồ.

Theo Thứ trưởng, những thành tựu của kinh tế đất nước có đóng góp rất lớn của ngành năng lượng nói chung và EVN nói riêng. Không chỉ trong việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng hệ thống điện quốc gia, đảm bảo cung cấp điện mà còn đóng góp xây dựng cơ chế chính sách nhằm phát triển ngành điện tốt nhất, bền vững nhất. Đơn cử như năm 2024, Luật Điện lực và hàng loạt Nghị định được ban hành đã tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho phát triển.

Một điểm khác mang tính đột phá quan trọng, đó là phát triển điện hạt nhân sẽ được đề xuất giao cho EVN. Đây là cơ hội rất lớn cho EVN tạo dấu ấn. Bên cạnh đó là thực hiện điều chỉnh quy hoạch điện VIII rất cần sự chung tay sát cánh của EVN vì nó liên quan đến EVN.

Thứ trưởng tin rằng với truyền thống, kinh nghiệm cùng những thành tích đạt được, năm 2025, EVN sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đảm bảo cung cấp đủ điện cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tập trung cho nhiệm vụ cung ứng điện

Với mục tiêu đảm bảo cung ứng điện trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ở mức cao là 8% hoặc hai con số thì cung ứng điện phải đạt mức 14-15%. Các công trình nguồn và lưới điện phải tiếp tục hoàn thành, trong đó có đường dây 500kV mạch 3 thứ hai là Lào Cai - Vĩnh Yên.

Một nhiệm vụ khác là thực hiện tinh gọn và sắp xếp lại bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, hoàn thành đề án trước 28/2/2025. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí thông qua đổi mới áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy định, quy trình theo hướng đơn giản, phân cấp mạnh gắn liền với việc giám sát.

Để đảm bảo nhiệm vụ cung ứng điện, Tổng giám đốc EVN cho rằng cần bám sát tình hình phụ tải, diễn biến thực tế để chuẩn bị tốt công tác sản xuất điện từ đầu năm 2024; huy động tối ưu các nguồn điện và điều tiết giữ nước các hồ thủy điện ở mức hợp lý; siết chặt kỷ cương vận hành.

Đồng thời cần đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện theo kế hoạch đề ra.

Lãnh đạo EVN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao tập đoàn tiếp tục đầu tư các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các dự án nguồn điện mới; có cơ chế phát huy tinh thần triển khai dự án 500kV mạch 3 để triển khai thực hiện các dự án cấp bách khác; tiếp tục giao cho EVN các dự án nguồn điện mới để có thể phát huy vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện.

EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các Tập đoàn PVN, TKV, chủ đầu tư các nhà máy điện đảm bảo độ khả dụng sẵn sàng và độ tin cậy của các tổ máy. Tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư các dự án nguồn điện lớn để đưa vào vận hành năm 2025 như: LNG Nhơn Trạch 3&4, BOT Vũng Áng 2...

Chỉ đạo PVN/PV Gas sớm có phương án cấp khí bổ sung cho các nhà máy tua bin khí để đáp ứng nhu cầu huy động, đảm bảo cung ứng điện năm 2025. Tuyệt đối không bố trí sửa chữa các nguồn khí, nhà máy điện khí trong cao điểm mùa khô. Cung cấp toàn bộ lượng khí bao gồm khí tự nhiên và LNG cho các nhà máy điện chạy khí của EVN.

Tính đến nay, tỷ lệ sở hữu các nguồn điện của EVN chiếm ~38% (30.725 MW) so với tổng công suất toàn hệ thống. Theo Quy hoạch điện VIII, với các nguồn điện EVN đã được giao làm chủ đầu tư (10 dự án/6.793 MW), đến năm 2030, tỷ lệ sở hữu các nguồn điện của EVN và các đơn vị thành viên chỉ chiếm ~25,4% tổng công suất nguồn của hệ thống điện (EVN quản lý trực tiếp ~13,4%).

Nguyên Vũ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nam-2025-uu-tien-dam-bao-dien-day-nhanh-tien-do-cac-du-an-368212.html
Zalo