Năm 2025, tăng trưởng tín dụng đến từ đâu?
Giới chuyên gia nhận định, cầu tín dụng có thể sẽ cải thiện do kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng mới. Động lực tăng trưởng tín dụng năm 2025 đến từ mặt bằng lãi suất thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vốn, tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh và tiêu dùng ...
Đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các TCTD chủ động triển khai thực hiện. Mức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của TCTD căn cứ kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng.
Theo đó, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%. Đồng thời, NHNN tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) Nguyễn Thị Phương Lan cho biết, năm 2025, nhu cầu vốn tín dụng ngắn hạn của các doanh nghiệp niêm yết vẫn tương đối khả quan, được hỗ trợ bởi nhu cầu tái cấu trúc nợ của doanh nghiệp bất động sản và nhu cầu vốn lưu động của các doanh nghiệp sản xuất khác. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn tín dụng trung, dài hạn dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ lãi suất cho vay giảm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn đầu tư mở rộng sản xuất.
Ngoài ra, các công ty phân tích thị trường cho rằng cầu tín dụng tiêu dùng có thể sẽ cải thiện do kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng mới. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng động lực tăng trưởng tín dụng năm 2025 đến từ mặt bằng lãi suất thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vốn; tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh và tiêu dùng cũng như vay mua nhà; tín dụng bán buôn tiếp tục duy trì ổn định.
Giới chuyên gia cũng phân tích cầu tín dụng và huy động vốn sẽ tiếp tục tăng từ một số ngành chủ chốt của Việt Nam như bất động sản khu công nghiệp (theo tăng trưởng FDI), bất động sản dân cư (nhờ sự cải thiện về tiến trình tháo gỡ pháp lý dự án) và đặc biệt là ngành năng lượng tái. Các doanh nghiệp muốn tiếp cận được vốn cần minh bạch hơn, trong đó xếp hạng tín nhiệm là một công cụ giúp doanh nghiệp chứng minh khả năng của mình. Từ đó, các tổ chức tín dụng có thêm thông tin đầy đủ để thẩm định tình hình tài chính, khả năng trả nợ cũng như các rủi ro của doanh nghiệp.
Các ngân hàng cũng đã đưa ra kỳ vọng, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 3,4% trong quý I/2025 và tăng 14,2% trong cả năm 2025. Dự báo này đã giảm nhẹ 0,2% so với mức 14,4% trong kỳ điều tra trước song tăng đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng quý I/2024 (tăng 1,34%). Tín dụng ngắn hạn được nhận định sẽ tăng nhanh hơn tín dụng trung và dài hạn trong cả quý I và cả năm 2025.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, cả nước và toàn ngành ngân hàng tập trung cao độ và đặt ra mục tiêu cao hơn mọi năm. Chính phủ đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP mạnh mẽ hơn 8%, vậy cần vốn tín dụng bao nhiêu, vốn từ Chính phủ, vốn đầu tư xã hội bao nhiêu?
"Chúng tôi mong có thêm nguồn vốn từ thị trường trái phiếu, chứng khoán và nguồn vốn khác từ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân nhằm giảm áp lực cho tín dụng" - ông Tú kỳ vọng.
Thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn
Mới đây, NHNN cũng yêu cầu các TCTD thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật trên cơ sở phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn, bảo đảm chất lượng tín dụng, sử dụng vốn đúng mục đích, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động; tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu, tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.
NHNN cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… để có dư địa tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Trong năm 2025, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình thực tế để điều hành tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, khoa học, bám sát tình hình để hệ thống TCTD cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống, gắn với ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.