Năm 2025 sẽ là một năm đầy thách thức với thị trường chứng khoán?
Theo một số chuyên gia, trong kịch bản thuận lợi nhất, VN-Index có thể vượt 1.400 điểm trong năm 2025. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng khi đây sẽ là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu và thị trường chứng khoán khi khả năng sẽ có 'thiên nga đen' xuất hiện.
Giới phân tích tin rằng các chính sách nới lỏng sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2025 tăng trưởng.
Điểm nhấn “nâng hạng thị trường”
Theo ông Trần Đình Minh, chuyên gia phân tích tại New World Group, xu hướng nới lỏng chính sách tại Việt Nam và các nền kinh tế lớn cùng xu hướng dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc sẽ giúp nhiều nhóm ngành hưởng lợi.
Điển hình như bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi đầu tiên từ việc cho thuê đất nếu nhiều công ty nước ngoài đẩy mạnh mở rộng, xây dựng nhà máy, xí nghiệp tại Việt Nam.
Sự gia tăng yêu cầu về công nghệ tiên tiến và sản phẩm chất lượng cao cũng giúp các doanh nghiệp điện tử và chế tạo máy móc tận dụng cơ hội này để mở rộng quy mô sản xuất và tăng doanh số.
Xu hướng dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc đồng thời hỗ trợ các ngành sản xuất nông sản, công nghiệp thực phẩm hay dược phẩm, dệt may…
Bên cạnh chính sách nới lỏng, câu chuyện nâng hạng thị trường được hầu hết các chuyên gia đánh giá là điểm nhấn của TTCK trong năm nay. Với mức P/E thấp hơn trung vị 10 năm, TTCK Việt Nam vẫn tương đối hấp dẫn so với nhiều nước trong khu vực và nhóm thị trường mới nổi.
Hiện nay, Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí, còn 2 tiêu chí là non-prefunding và failed trade management (dựa trên CCP - chức năng bù trừ thanh toán trung tâm cho TTCK) là 2 yếu tố sẽ đưa vào kỳ đánh giá trong vòng 6-9 tháng tới của FTSE Russel. Đối với việc triển khai CCP, Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, trong đó cho phép Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) thiết lập công ty con có chức năng đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho TTCK cơ sở.
Được biết, FTSE đang hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm hoàn thiện thị trường theo chuẩn quốc tế và có thể hoàn tất các tiêu chí vào tháng 9/2025.
“Nếu TTCK được FTSE đánh giá tính cực dựa trên trải nghiệm của các nhà đầu tư quốc tế để đánh giá, thì khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam là khá cao. Ngoài ra, nếu được nâng hạng, thị trường Việt Nam có thể nhận được 1 tỷ USD bị động và 5 tỷ USD từ quỹ đầu tư chủ động”, TS. Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư Chứng khoán DNSE cho biết.
Thậm chí, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể huy động 1,7 tỷ USD vốn thụ động và 6-7 tỷ USD vốn chủ động nước ngoài.
Đồng thời, chuyên gia VPBankS dự báo VN-Index sẽ dao động quanh 1.350 điểm vào năm 2025 và có thể vượt 1.400 điểm ở kịch bản thuận lợi nhất. Thanh khoản bình quân có thể cải thiện lên ngưỡng 23.000 tỷ đồng và cao nhất 26.000 tỷ đồng/phiên.
Dù vậy, ông Sơn lưu ý diễn biến nửa đầu năm 2025 vẫn tương đối khó khăn và còn khá nhiều nhiễu động phía trước khi đồng USD tăng lên mạnh và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ càng cao khi ông Trump lên làm Tổng thống.
Nhìn thẳng vào thực tế, chuyên gia DNSE cũng cho rằng cần cẩn trọng khi năm 2025 sẽ là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu và TTCK. Kinh tế thế giới bước vào một chu kỳ mới, với xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ (giảm lãi suất), khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến các thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có TTCK Việt Nam.
Cẩn trọng với “thiên nga đen”
Rủi ro đầu tiên là liệu ông Trump lên nhậm chức có áp dụng chính sách thương mại một cách cực đoan như đã nói hay không. Ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 60% với Trung Quốc và 25% với các nước khác. Tuy nhiên, điều này không chắc sẽ xảy ra. Trong bài phỏng vấn gần đây, khi được hỏi sẽ làm gì trong 100 ngày đầu tiên, ông cho biết thuế quan chỉ là công cụ đàm phán. Nếu đồng ý xử lý vấn đề như ngăn chặn nhập cư hay trả lại kênh đào Panama hay những quốc gia có nhiều thặng dư chịu nhập nhiều hàng hóa mà Mỹ có lợi thế như dầu thì kịch bản trên sẽ không xảy ra.
Rủi ro thứ hai là lãi suất. Fed đã tuyên bố sẽ không hạ lãi suất nhanh như thị trường từng kỳ vọng. Ban đầu, nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất 3 lần trong năm 2025 nhưng sau đó Fed dự phóng chỉ hạ lãi suất 2 lần, khiến thị trường phản ứng tiêu cực. Đây là điều đáng lo ngại hơn chính sách thuế của ông Trump.
Một “thiên nga đen” tiếp theo cần chú ý là câu chuyện tỷ giá. Năm 2024, những đợt điều chỉnh của TTCK vào tháng 4, tháng 6 và tháng 10 đều do tỷ giá. Ở những quốc gia mới nổi, không chỉ Việt Nam mà cả Trung Quốc, Brazil thì tỷ giá mới là yếu tố quan trọng nhất chứ không phải lạm phát. Những thay đổi trong tăng trưởng, CPI, lạm phát… sẽ được phản ánh ngay vào tỷ giá.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Khi xuất khẩu đi nước ngoài, với độ mở lớn như vậy không chỉ cần nhìn vào tỷ giá USD/VND mà còn quan tâm tới tỷ giá Nhân dân tệ. Chẳng hạn, Trung Quốc hay Indonesia điều chỉnh tỷ giá, Việt Nam đều bị ảnh hưởng. Câu chuyện tỷ giá năm tới sẽ ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp từ thế giới. Tuy nhiên, tỷ giá năm nay dự báo sẽ không chịu tác động quá lớn và ít hơn.
Trong từng giai đoạn tỷ giá nóng lên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái nhanh chóng để xử lý. Những năm qua, hoạt động điều hành của NHNN vẫn luôn rất tốt, rất linh hoạt trong vấn đề tỷ giá. Ngay khi tỷ giá có vấn đề, NHNN đã có những biện pháp như OMO để rút tiền về, có lúc lại yêu cầu ngân hàng thương mại bán ra USD để cân bằng thị trường. Động thái của NHNN luôn luôn nhanh và chính xác.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng dù sao nền kinh tế Việt Nam vẫn tương đối nhỏ so với thế giới. Một biến động bao trùm trên thế giới sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới Việt Nam. Do đó, chúng ta cần cái nhìn mang tính dài hơi và cẩn trọng hơn trước biến động khó lường.
Rủi ro thứ tư cần lưu ý nhất là định giá của S&P 500. Nền kinh tế và chứng khoán thế giới phụ thuộc vào Mỹ rất nhiều. Độ tương quan giữa chứng khoán Việt Nam với chứng khoán Mỹ phải lên đến 70 – 80%. Sau khi chứng khoán Mỹ tăng trưởng từ năm 2020 đến nay và sau 10 năm vừa rồi năm nào cũng đánh bại các thị trường khác, khiến nhà đầu tư rút lui khỏi thị trường mới nổi … thì hiện giờ chứng khoán Mỹ đã chạm ngưỡng đắt đỏ (1 - 2 độ lệch chuẩn).
Khi chạm đến ngưỡng này, trước sau gì chứng khoán Mỹ cũng rơi vào đợt điều chỉnh. Sẽ có hai kịch bản xảy ra. Thứ nhất chứng khoán Mỹ điều chỉnh thông thường vì quá đắt thì tiền sẽ chảy lại các nước như Việt Nam, hay châu Á. Khi đó, thị trường Việt Nam sẻ hưởng lợi vì dòng tiền sẽ trở lại.
Còn nếu Mỹ hạ cánh cứng thì tiền sẽ rút khỏi toàn bộ kênh đầu tư, không phải về các nước định giá rẻ. Tiền sẽ về những kênh phòng thủ như nhà đất, vàng chứ không ở lại chứng khoán. Do đó, luôn luôn phải phân biệt thế nào là điều chỉnh và thế nào là suy thoái.
Do đó, nhà đầu tư cần có cái nhìn mang tính dài hơi và cẩn trọng hơn trước biến động khó lường, giảm bớt tỷ trọng đầu tư trong một số khoảng thời gian nhất định.
Ông Trần Hoàng Sơn cho rằng hành trang đầu tiên mà nhà đầu tư cần có là sự lạc quan để sẵn sàng đón nhận nhiều cơ hội, tránh được thách thức trong nửa đầu năm.
Về mặt danh mục, trong giai đoạn nửa đầu năm, theo chuyên gia VPBankS, thị trường có thể gặp nhiều thách thức và danh mục cổ phiếu chỉ nên duy trì dưới 50%. Sau nửa đầu năm, khi đã có những nhịp điều chỉnh sâu thì có lẽ sẽ là cơ hội tăng tỷ trọng. Tỷ trọng cổ phiếu cao có thể duy trì sau tháng 6 và nửa cuối năm bởi triển vọng thị trường có thể tích cực nhờ câu chuyện lớn.