Năm 2025, ngành bán lẻ tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ
Ngành bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, từ đó đóng góp quan trọng cho 'trụ đỡ' thị trường trong nước tăng trưởng. Tuy nhiên trước những biến đổi của thị trường, doanh nghiệp bán lẻ cần tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ...
Phát triển mạnh và đầy tiềm năng
Những ngày đầu năm này, siêu thị Co.opMart Hà Đông như được “thay áo mới” khi khai trương không gian mua sắm đem đến nhận diện thương hiệu mới. Điểm nhấn của siêu thị là hệ thống trang thiết bị được đầu tư mới, mở rộng khu thực phẩm, mặt hàng tươi sống, khu ăn uống... Nỗ lực làm mới Co.opMart Hà Đông đánh dấu sự tiên phong trong chiến lược nâng tầm thương hiệu Co.opMart tại thị trường miền Bắc. Sự ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới này cũng mở ra trải nghiệm mua sắm mới mẻ, thân thiện cho khách hàng.
Cũng trong xu hướng mở rộng quy mô, những tháng cuối năm 2024 hệ thống siêu thị WinMart/WinMart/WiN đã khai trương thêm 41 cửa hàng WinMart/WiN, nâng tổng số siêu thị và cửa hàng trên cả nước lên gần 4.000 điểm. Cùng đó, hàng loạt siêu thị WinMart đã được cải tạo, nâng cấp, trong đó chỉ riêng tại Hà Nội có các siêu thị WinMart Trường Chinh, WinMart Đại La, WinMart Thái Thịnh, WinMart Quang Trung - Hà Đông, với những thay đổi rõ nét ở thiết kế hiện đại, không gian mua sắm rộng rãi, tiện nghi, danh mục hàng hóa đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của khách hàng.
Đây là những minh chứng cho thấy sức vươn của thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ và đầy tiềm năng. Cả nước hiện có 1.080 siêu thị, 240 trung tâm thương mại, 8.500 chợ truyền thống cùng hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và khoảng 2,2 triệu hộ kinh doanh cá thể.
Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng 9% so với năm 2023. Đáng chú ý, bán lẻ hàng hóa luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, đạt 78% năm 2023 và đạt 77% năm 2024 với xu hướng tăng trưởng ổn định qua các năm. Cùng với đó, quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2024 đã sớm đạt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Bắt nhịp xu hướng mới
Theo Tiến sĩ Vương Quang Lượng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), hiện các thành phần kinh tế tham gia hoạt động bán lẻ ngày càng đa dạng, thương mại bán lẻ đang có sự chuyển dịch từ những phương thức kinh doanh truyền thống sang hình thức kinh doanh hiện đại trên nền tảng số và thương mại điện tử. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy sự hình thành các mô hình, phương thức kinh doanh bán lẻ hiện đại, chuyên nghiệp, đặt ra cho ngành bán lẻ Việt Nam những yêu cầu phát triển mới, tạo ra những bước đột phá lớn.
Có cùng quan điểm này, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hệ thống bán lẻ trong nước đã và đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức lớn. Do đó, việc phát triển hệ thống bán lẻ cần hướng đến mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại, trong đó đầu tư tập trung vào các mô hình bán lẻ đa kênh, tăng cường trải nghiệm người tiêu dùng. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước nhằm chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ hiện đại, bền vững.
Còn theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, mô hình bán hàng đa kênh đang được 79,2% số doanh nghiệp bán lẻ lựa chọn. Vì vậy, muốn giữ chân người mua, các nhà bán lẻ đa kênh, các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn để cải tiến công nghệ của các kênh trực tuyến lẫn trực tiếp nhằm bảo đảm hành trình tìm kiếm và mua hàng của người tiêu dùng được dễ dàng, thuận tiên.
“Doanh nghiệp cũng cần áp dụng hệ thống quản lý dữ liệu tích hợp, để trải nghiệm mua sắm của người mua liền mạch; chính sách khuyến mại cần nhất quán trên các kênh, xây dựng quy trình đơn giản cho việc trả hàng, đổi hàng và hỗ trợ khách hàng đa kênh”, bà Trần Thị Phương Lan nêu giải pháp.
Có thể thấy xu hướng của thị trường bán lẻ năm 2025 và các năm tiếp theo sẽ là sự kết hợp giữa công nghệ, tính bền vững và việc cá nhân hóa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Thực tế này không chỉ tái cấu trúc lại thị trường bán lẻ mà còn tạo ra cơ hội và thách thức lớn cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào bắt kịp các xu hướng này, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc sẽ chiếm ưu thế lớn trong cạnh tranh.
Đặc biệt với xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh, hệ thống bán lẻ trong nước cần xây dựng các chuỗi cung ứng xanh, khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải trong các hoạt động bán lẻ; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp về tiêu dùng bền vững.