Năm 2025: Long An phấn đấu sản lượng lúa đạt 2,95 triệu tấn
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2025, tỉnh Long An đề ra chỉ tiêu phấn đấu sản lượng lúa đạt 2,95 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao đạt 75% tổng sản lượng.
Năm 2024, hoạt động sản xuất nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực; hầu hết giá nông sản ổn định ở mức khá cao, mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho người dân.
Một số cây trồng chủ lực sinh trưởng, phát triển tốt theo đúng kế hoạch đề ra, sản lượng tăng so cùng kỳ.
Tổng diện tích lúa gieo sạ năm 2024 ước đạt 538.900ha, đạt 108,8% so với kế hoạch, tăng 4,38% so cùng kỳ, năng suất thu hoạch bình quân đạt 5,91 tấn/ha, sản lượng đạt 3.186.705 tấn, đạt 111,8% kế hoạch, tăng 3,43% so cùng kỳ.
Trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao ước đạt 2,294 triệu tấn, chiếm 72% tổng sản lượng lúa. Tỉnh đã triển khai được 365 lượt cánh đồng lớn, với 18.379ha với 3.519 hộ tham gia,...
Phát huy kết quả đã đạt năm 2024, năm 2025, tỉnh tiếp tục đề ra chỉ tiêu sản lượng lúa đạt 2,95 triệu tấn; trong đó sản lượng lúa chất lượng cao đạt 75% tổng sản lượng.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, để đạt theo kế hoạch, ngành Nông nghiệp tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp năm 2025. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tập trung triển khai công tác quản lý, giám sát mã số vùng trồng, mã kho đóng gói; hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã các quy định, rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu; quy trình sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nâng cao năng lực chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi sản xuất có địa chỉ, truy xuất nguồn gốc; duy trì, nhân rộng diện tích các doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, ngành tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản đồng bộ, đa mục tiêu; trong đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng chuyên canh; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu,.../.