Năm 2025, đi nghĩa vụ quân sự được hưởng quyền lợi gì?
Người tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ được hưởng chế độ trợ cấp xuất ngũ một lần, trợ cấp tạo việc làm, cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ…
Lễ giao nhận quân năm 2025 tại 63 tỉnh thành đang diễn ra, kéo dài trong 3 ngày từ ngày 13 đến 15-2.
Cụ thể, ngày 13-2, có 52 tỉnh, thành phố tổ chức lễ giao nhận quân, bao gồm Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; 6 tỉnh thuộc Quân khu 1; 4 tỉnh thuộc Quân khu 2; 9 tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 3; 11 tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 5; 9 tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 7; 12 tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 9.
Ngày 14-2, có 6 tỉnh, thành phố tổ chức lễ giao nhận quân (thuộc Quân khu 4). Ngày 15-2, có 5 tỉnh (thuộc Quân khu 2) tiến hành lễ giao nhận quân.
TP.HCM năm nay có gần 5.000 công dân nhập ngũ, lễ giao quân điểm của TP.HCM được tổ chức tại Quảng trường Trung tâm hành chính quận 7.
Đây cũng là thời điểm mà báo Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều câu hỏi từ bạn đọc liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc, PV đã có buổi trao đổi với luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM.
![Người tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ được hưởng chế độ trợ cấp xuất ngũ một lần, trợ cấp tạo việc làm, cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ… Ảnh: THUẬN VĂN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_114_51462454/2f799036a07849261069.jpg)
Người tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ được hưởng chế độ trợ cấp xuất ngũ một lần, trợ cấp tạo việc làm, cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ… Ảnh: THUẬN VĂN
Có được hưởng lương trợ cấp khi đi nghĩa vụ quân sự?
. Bạn đọc: Con tôi chuẩn bị đi nghĩa vụ quân sự, xin hỏi có được hưởng lương hay trợ cấp nào không?
+ Luật sư Hoàng Anh Sơn: Theo khoản 1 Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.
Theo quy định Nghị định 27/2016 thì công dân đi nghĩa vụ quân sự không được hưởng lương, mà sẽ có chế độ trợ cấp xuất ngũ một lần, trợ cấp tạo việc làm, cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ…
Cụ thể, tại Điều 7 Nghị định 27/2016 quy định, ngoài chế độ BHXH một lần được hưởng theo quy định của pháp luật về BHXH, hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được trợ cấp xuất ngũ một lần, cứ mỗi năm phục vụ trong Quân đội được trợ cấp bằng 2 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm xuất ngũ (Mức lương cơ sở hiện nay là 2.340.000 đồng/tháng).
Trường hợp có tháng lẻ, dưới 1 tháng không được hưởng trợ cấp xuất ngũ, từ đủ 1 tháng đến đủ 6 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương cơ sở, từ trên 6 tháng trở lên đến 12 tháng được hưởng trợ cấp bằng 2 tháng tiền lương cơ sở.
Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ thời hạn đủ 30 tháng, khi xuất ngũ được trợ cấp thêm 2 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng; trường hợp nếu xuất ngũ trước thời hạn 30 tháng thì thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 đến dưới 30 tháng được trợ cấp thêm 1 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
Hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ khi xuất ngũ được trợ cấp tạo việc làm bằng 6 tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời điểm xuất ngũ.
Hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được đơn vị trực tiếp quản lý tổ chức buổi gặp mặt chia tay trước khi xuất ngũ, mức chi 50.000 đồng/người; được đơn vị tiễn và đưa về địa phương nơi cư trú theo quy định hoặc cấp tiền tàu, xe (loại phổ thông) và phụ cấp đi đường từ đơn vị về nơi cư trú.
Ngoài ra, công dân sau khi hoàn thành thời gian đi nghĩa vụ quân sự còn nhận được một số khoản tiền khác như: trợ cấp bảo hiểm, phụ cấp đi đường, hưởng chế độ đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm khi xuất ngũ…
. Theo quy định thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi nên có nhiều người đang đi học, đi làm thì được gọi nhập ngũ, vậy trường lớp, công việc của họ sau xuất ngũ sẽ ra sao?
+ Vấn đề bạn đọc nêu cũng đã được các nhà làm luật dự liệu và có quy định cụ thể. Theo đó, theo Điều 8 Nghị định 27/2016, hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ mà đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học tại các trường đó.
Với những trường hợp trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ; trường hợp cơ quan, tổ chức đó đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp.
Trường hợp cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp đó đã giải thể hoặc không có cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp thì Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan cùng cấp để giải quyết việc làm.
Còn đối với những người đang làm việc tại khu vực tư nhân thì các doanh nghiệp cũng có trách nhiệm tiếp nhận lại người lao động, bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ...
Năm nay được hoãn, năm sau có phải đi tiếp không?
. Năm nay tôi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhưng không đạt, cụ thể là tôi bị cận thị nặng. Xin hỏi năm sau tôi có phải đi nữa không?
+ Một trong những tiêu chuẩn để gọi công dân nhập ngũ đó là phải có đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định. Trường hợp công dân khi khám mà không đủ sức khỏe thì sẽ được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự theo Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự.
Tuy nhiên khi công dân còn trong độ tuổi gọi nhập ngũ (từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi) thì năm sau vẫn sẽ tiếp tục được gọi khám sức khỏe.
Trường hợp lý do tạm hoãn không còn (sức khỏe đạt tiêu chuẩn) và những tiêu chuẩn, điều kiện khác đạt thì sẽ lên đường nhập ngũ.