Năm 2025, Bộ Tư pháp sẽ có 27 đoàn thanh tra trên nhiều lĩnh vực
Nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả của Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch thanh tra của năm 2025.
Theo kế hoạch được phê duyệt, năm 2025, Bộ Tư pháp sẽ có 27 đoàn thanh tra, trong đó có 7 đoàn thanh tra hành chính, 16 đoàn thanh tra chuyên ngành và 4 đoàn thanh tra chuyên đề. Cụ thể:
Thanh tra Bộ Tư pháp: sẽ tiến hành 7 đoàn thanh tra hành chính, trong đó có 3 đoàn thanh tra công tác đầu tư xây dựng cơ bản tại Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp; Cục thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Quảng Ninh và Điện Biên.
Hai đoàn thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định về PCTN tại Cục THADS Long An, Ninh Thuận.
Hai đoàn thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về tiếp công dân, KNTC tại Cục THADS và một số Chi cục THADS tại các tỉnh Lâm Đồng, Tây Ninh
Một đoàn thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực con nuôi trong nước tại Sở Tư pháp, UBND cấp huyện, phòng tư pháp cấp huyện, UBND các xã và một số cơ quan tổ chức có liên quan tại tỉnh Bến Tre.
Một đoàn thanh tra theo Kế hoạch số 120-KH/BCSĐ ngày 19/12/2020 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đối với các tổ chức đấu giá tài sản THADS tại thành phố Cần Thơ.
Ngoài ra, theo kế hoạch, Thanh tra Bộ cũng tiến hành 3 đoàn thanh tra chuyên đề về việc đấu giá tài sản đảm bảo THA là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất và trách nhiệm của người có tài sản THADS tại các tỉnh Bình Phước, Lào Cai và thanh tra việc đấu giá tài sản bảo đảm THA liên quan đến việc thu hồi các tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đối với các cơ quan THADS tại Bắc Ninh.
Kế hoạch cũng yêu cầu, Thanh tra Bộ thực hiện thường xuyên việc hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ; tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành kết luận thanh tra, đảm bảo thời hạn theo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn, công tác quản lý Nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp, có tính đồng thuận cao, đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện.
Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của thanh tra cục, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành khác thuộc Bộ.
Ngoài ra, tùy theo tình hình, Thanh tra Bộ sẽ thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của thanh tra cục, cơ quan khác thuộc Bộ được giao thực hiện thanh tra chuyên ngành; vụ việc thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ đã có kết luận của thanh tra sở nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý KNTC, khiến nghị phản ánh…
Thanh tra Cục Bổ trợ tư pháp: tiến hành 12 đoàn thanh tra, trong đó có 4 đoàn thanh tra về lĩnh vực công chứng và một số tổ chức hành nghề công chứng tại Sở Tư pháp Hà Nội, Quảng Ninh, Tây Ninh, Kiên Giang.
Ba đoàn về lĩnh vực đấu giá tài sản tại Sở Tư pháp và một số tổ chức hành nghề đấu giá tài sản tại Ninh Bình, Ninh Thuận, An Giang.
Ba đoàn về lĩnh vực luật sư tại Đoàn luật sư và một số tổ chức hành nghề luật sư tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng.
Hai đoàn về lĩnh vực thừa phát lại tại một số văn phòng thừa phát lại các tỉnh Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực: chủ trì 3 đoàn thanh tra tại UBND cấp huyện, phòng tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã và một số cơ quan, tổ chức có liên quan tại các tỉnh Hưng Yên, Kiên Giang, Phú Yên.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp và Cục Hộ tịch, quốc tích chứng thực sẽ triển khai 10 - 20 đoàn thanh tra đột xuất các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật và 10 -15 đoàn thanh tra giải quyết KNTC đối với các tổ chức, cá nhân bị KNTC tùy thuộc tình hình thực tế.