Năm 2024, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có thêm 2 giáo sư, 14 phó giáo sư

16 thầy cô đạt chuẩn chức danh GS, PGS năm 2024 của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đều có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học.

Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã ký Quyết định số 89/QĐ-HĐGSNN công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, giáo sư năm 2024.

Theo danh sách, Trường Đại học Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) có 2 giảng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và 14 giảng viên đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2024 ở các ngành: Xây dựng, Cơ khí, Giao thông vận tải, Khoa học Trái đất và Thủy lợi.

 Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chúc mừng thầy Nguyễn Hoàng Giang và cô Trần Thị Việt Nga được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư. Ảnh: HUCE.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chúc mừng thầy Nguyễn Hoàng Giang và cô Trần Thị Việt Nga được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư. Ảnh: HUCE.

Danh sách các thầy cô đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư 2024 của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội như sau:

1. Thầy Nguyễn Hoàng Giang (sinh năm 1980) - Giáo sư ngành Xây dựng

Về trình độ đào tạo, thầy Nguyễn Hoàng Giang được cấp bằng đại học vào năm 2003 ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp tại Trường Đại học Xây dựng. Năm 2006, thầy nhận bằng thạc sĩ ngành Kỹ thuật, chuyên ngành Xây dựng và kiến trúc tại Trường Đại học Toyohashi, Nhật Bản. Thầy được cấp bằng tiến sĩ ngành Khoa học và Kỹ thuật, chuyên ngành Xây dựng và Môi trường của Trường Đại học Saitama, Nhật Bản năm 2010.

Về quá trình công tác, từ năm 2003 đến năm 2023, thầy Hoàng Giang là giảng viên Bộ môn Thí nghiệm và kiểm định công trình, Khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Thầy từ năm 2012 đến năm 2013 có vai trò là Phó trưởng Phòng Hợp tác quốc tế; từ năm 2013 đến năm 2019 là Trưởng phòng Hợp tác quốc tế.

Từ tháng 1/2020 đến nay, thầy Hoàng Giang giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Tân Giáo sư tập trung chủ yếu vào 3 hướng nghiên cứu chính, bao gồm: Tương tác kết cấu và đất nền (cọc - tường chắn), Nghiên cứu độ bền và phương pháp gia cường cho kết cấu kết cấu bê tông cốt thép bị ăn mòn, Quản lý và tái chế chất thải rắn.

Đáng chú ý, về kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, thầy Nguyễn Hoàng Giang đã hoàn thành 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; công bố 70 bài báo khoa học, trong đó 29 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín; hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; và xuất bản 6 sách thuộc nhà xuất bản có uy tín.

 Tân Giáo sư Nguyễn Hoàng Giang giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: HUCE.

Tân Giáo sư Nguyễn Hoàng Giang giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: HUCE.

2. Cô Trần Thị Việt Nga (sinh năm 1974) - Giáo sư ngành Xây dựng

Trong quá trình công tác và nghiên cứu, từ năm 1996 đến năm 1997, cô Trần Thị Việt Nga là giảng viên tập sự Bộ môn Cấp thoát nước, Khoa Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Năm 1999, cô nhận bằng thạc sĩ tại Viện Công nghệ Châu Á (AIT), Thái Lan.

Từ năm 1999 đến năm 2002, cô là nghiên cứu sinh tại Đại học Tokyo, Nhật Bản. Từ năm 2022 đến năm 2003,cô là nghiên cứu viên của Khoa Kỹ thuật đô thị, Đại học Tokyo, Nhật Bản. Từ năm 2003 đến năm 2005, cô Việt Nga là nghiên cứu viên sau tiến sĩ của JSPS, Ban Môi trường và Phát triển bền vững, Trường Đại học Liên hiệp quốc, Nhật Bản. Từ năm 2005 đến năm 2008, cô là nghiên cứu viên, Viện Khoa học Môi trường và Bền vững, Đại học Tokyo, Nhật Bản.

Từ năm 2009 đến năm 2015, cô Trần Thị Việt Nga có vai trò là giảng viên của Bộ môn Cấp thoát nước, Khoa Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Đến nay, cô là giảng viên cao cấp của Bộ môn Cấp thoát nước và giữ chức vụ Trưởng Khoa Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Hai hướng nghiên cứu chủ yếu của cô Trần Thị Việt Nga bao gồm: Thứ nhất là nghiên cứu phát triển, cải tiến công nghệ xử lý nước và nước thải đạt hiệu quả xử lý cao phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, phục vụ mục tiêu cấp nước an toàn, tái sử dụng nước thải và thu hồi tài nguyên. Thứ hai là quản lý nước và chất thải bền vững định hướng đảm bảo an ninh năng lượng, thu hồi tài nguyên và thích ứng biến đổi khí hậu.

Tân Giáo sư đã hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; công bố 76 bài báo khoa học, trong đó có 26 bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín SCIE, 7 bài báo trên tạp chí quốc tế có uy tín Scopus, 3 bài trên tạp chí ACI, 2 bài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế thuộc danh mục Scopus Indexes.

Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, cô Việt Nga đã giành được Bằng khen Nhà giáo tiêu biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022. Cô cũng được nhận Bằng khen Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai năm liên tục từ năm học 2020-2021 đến năm học 2021-2022.

 Tân Giáo sư Trần Thị Việt Nga ngành Xây dựng. Ảnh: HĐGSNN.

Tân Giáo sư Trần Thị Việt Nga ngành Xây dựng. Ảnh: HĐGSNN.

3. Thầy Vũ Chí Công (sinh năm 1987) - Phó giáo sư ngành Xây dựng

Hiện tại, thầy Chí Công giữ chức vụ Phó Trưởng Bộ môn Công nghệ và quản lý xây dựng, Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp và là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Thầy Công tập trung 3 hướng nghiên cứu chủ yếu là: Nghiên cứu ứng xử cơ học của vật liệu và kết cấu bê tông trong các điều kiện chịu lực khác nhau; Nghiên cứu công nghệ thi công kết cấu bê tông khối lớn; Nghiên cứu phương pháp mới kiểm soát chất lượng xây dựng, vận hành và bảo trì công trình.

Thầy Chí Công đã xuất bản 2 sách giáo trình thuộc nhà xuất bản có uy tín; hướng dẫn 8 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; đang hướng dẫn chính 2 nghiên cứu sinh thực hiện luận án tiến sĩ; hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường (trong đó có 1 đề tài cấp Trường trọng điểm) với vai trò chủ nhiệm đề tài, 1 đề tài cấp Bộ Xây dựng với vai trò là thành viên nghiên cứu chính; 1 đề tài cấp Thành phố Hà Nội với vai trò thành viên nghiên cứu.

Đặc biệt, thầy đã công bố 35 bài báo khoa học, trong đó có 10 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín (8 bài SCIE, 1 bài ESCI/Scopus, 1 bài Scopus) là tác giả chính; 1 bài báo đăng trên kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế có phản biện thuộc danh mục Scopus; 24 bài báo đăng trên tạp chí khoa học có uy tín trong nước (04 bài báo trên tạp chí thuộc danh mục ACI).

Thầy Võ Chí Công đồng thời giành được nhiều thành tích như: Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các cá nhân đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong công tác từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022- 2023; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai năm liên tục; Giấy chứng nhận của Hội đồng Giải thưởng Loa Thành giành cho giảng viên hướng dẫn Đồ án tốt nghiệp đoạt giải Nhì năm 2022;...

 Thầy Vũ Chí Công - tân Phó Giáo sư ngành Xây dựng. Ảnh: HUCE.

Thầy Vũ Chí Công - tân Phó Giáo sư ngành Xây dựng. Ảnh: HUCE.

4. Thầy Nguyễn Hùng Cường (sinh năm 1978) - Phó giáo sư ngành Xây dựng

Từ năm 2001 đến năm 2008, thầy Hùng Cường là Kỹ sư tư vấn Trung tâm tư vấn dự án, Công ty Tư vấn Công nghệ Thiết bị và Kiểm định xây dựng, Bộ Xây dựng (CONINCO). Từ năm 2008 đến năm 2009, thầy là giảng viên tập sự, Bộ môn Công nghệ và tổ chức xây dựng, Khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Từ năm 2009 đến nay, thầy là giảng viên Bộ môn Công nghệ và quản lý xây dựng, Khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp và giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học, thầy Hùng Cường tập trung chủ yếu vào 2 hướng nghiên cứu chính là: Công nghệ thi công bê tông tự lèn cho công trình dân dụng trong điều kiện khí hậu Việt Nam; Vật liệu phát triển bền vững trong xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật.

Đáng chú ý, thầy đã hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường (chủ nhiệm), 1 cấp Trường trọng điểm (tham gia), 1 đề tài cấp Bộ (tham gia); tham gia biên soạn 1 sách đã biên soạn. Ngoài ra, thầy Hùng Cường còn giành được Giấy khen Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020, 2022 (Đảng bộ Trường Đại học Xây dựng Hà Nội); danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2011-2012, 2012-2013, 2013-2014; Bằng khen Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo năm 2021.

 Thầy Nguyễn Hùng Cường - tân Phó Giáo sư ngành Xây dựng. Ảnh: HUCE.

Thầy Nguyễn Hùng Cường - tân Phó Giáo sư ngành Xây dựng. Ảnh: HUCE.

5. Thầy Trần Quang Dũng (sinh năm 1984) - Phó giáo sư ngành Xây dựng

Trong quá trình đào tạo và nghiên cứu, thầy Trần Quang Dũng tập trung chủ yếu vào 3 hướng nghiên cứu chính, bao gồm: Giải pháp quản lý, kiểm soát rủi ro an toàn lao động trong thi công xây dựng; Giải pháp quản lý xây dựng xanh đối với công trình dân dụng và công nghiệp; Giải pháp số hỗ trợ ra quyết định trong quản lý dự án xây dựng.

Thầy đã hoàn thành 1 đề tài Quỹ Nafosted, 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Xây dựng, 1 đề tài cấp Thành phố Hà Nội và 1 đề tài cấp Trường. Mặt khác, thầy Quang Dũng có vai trò thành viên/thành viên chính hoặc thư ký khoa học của 1 đề tài cấp Quốc gia, 3 đề tài cấp Bộ và 1 đề tài cấp Trường đã nghiệm thu.

Hiện nay, thầy là giảng viên tại Bộ môn Công nghệ và quản lý xây dựng, Khoa Xây dựng dân dựng và công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Đồng thời, thầy còn là Phó trưởng nhóm phụ trách chuyên môn của 1 Dự án JICA (tài trợ bởi Chính phủ Nhật Bản); chủ nhiệm 1 đề tài cấp Bộ Xây dựng; chủ nhiệm 1 đề tài trọng điểm cấp Trường.

Thầy Quang Dũng nhận được nhiều danh hiệu khen thưởng qua thời gian công tác. Trong đó có Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai năm liên tục từ năm học 2020-2021 đến năm 2021-2020.

 Thầy Trần Quang Dũng - tân Phó Giáo sư ngành Xây dựng. Ảnh: HUCE.

Thầy Trần Quang Dũng - tân Phó Giáo sư ngành Xây dựng. Ảnh: HUCE.

6. Thầy Nguyễn Trung Kiên (sinh năm 1986) - Phó giáo sư ngành Xây dựng

Từ năm 2010 đến năm 2013, thầy Trung Kiên là nghiên cứu sinh, Đại học Grenoble Aples, Cộng hòa Pháp. Từ năm 2014 đến năm 2015, thầy nghiên cứu sau tiến sỹ tại Trường Cầu đường Quốc gia Paris (ENPC) và Viện Địa chất và Hầm mỏ Pháp (BRGM). Từ năm 2015 đến năm 2016, thầy nghiên cứu sau tiến sĩ ở Đại học Bách khoa Grenoble (INPG), Cộng hòa Pháp.

Từ năm 2017 đến năm 2019, thầy là nghiên cứu viên/chuyên viên, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ năm 2019 đến nay, thầy là giảng viên Bộ môn Công trình Thép - Gỗ, Khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Đồng thời, thầy Trung Kiên còn có vai trò là Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của thầy là: Phát triển các phương pháp liên tục, rời rạc và kết hợp giữa các phương pháp để mô hình hóa vật liệu, kết cấu; Nghiên cứu ứng xử của địa vật liệu (geomaterials) và ứng dụng trong xây dựng, phòng chống thiên tai; Nghiên cứu ứng xử của kết cấu liên hợp thép - bê tông.

 Kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học của tân Phó Giáo sư Nguyễn Trung Kiên. Ảnh: chụp màn hình.

Kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học của tân Phó Giáo sư Nguyễn Trung Kiên. Ảnh: chụp màn hình.

7. Thầy Hoàng Minh Giang (sinh năm 1983) - Phó giáo sư ngành Xây dựng

Về trình độ đào tạo, thầy Minh Giang được cấp bằng đại học vào năm 2006 ngành Môi trường đô thị và khu công nghiệp tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Thầy nhận bằng thạc sĩ năm 2010 ngành Kỹ thuật môi trường và lãnh thổ ở Trường Đại học Bách Khoa Milan, Ý. Thầy được cấp bằng tiến sĩ năm 2017 ngành Khoa học môi trường, chuyên ngành Quản lý chất thải rắn của Trường Đại học Okayama, Nhật Bản.

Từ tháng 2/2006 đến tháng 4/2007, thầylà Kỹ sư môi trường, Trung tâm Kỹ thuật môi trường đô thị và khu công nghiệp (CEETIA). Cho đến nay, thầy Minh Giang là giảng viên Bộ môn Công nghệ và quản lý môi trường, Khoa Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Hai hướng nghiên cứu chủ yếu của thầy bao gồm: Quản lý chất thải rắn bền vững theo hướng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý chất thải thu hồi tài nguyên.

Tân Phó Giáo sư đã hướng dẫn 3 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ (trong đó hướng dẫn chính 2 học viên cao học và hướng dẫn phụ 1 học viên cao học); hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường với vai trò chủ nhiệm đề tài; công bố 29 bài báo khoa học (trong đó 17 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, 2 bài báo đăng trên kỷ yếu hội thảo thuộc danh mục Scopus); xuất bản 1 giáo trình thuộc nhà xuất bản có uy tín.

 Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chúc mừng 14 thầy cô mới được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư. Ảnh: HUCE.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chúc mừng 14 thầy cô mới được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư. Ảnh: HUCE.

8. Thầy Mai Sỹ Hùng (sinh năm 1971) - Phó giáo sư ngành Xây dựng

Từ năm 2018, thầy Mai Sỹ Hùng là giảng viên của Bộ môn Xây dựng thủy lợi - Thủy điện, Khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Hơn nữa, thầy còn có vai trò là Phó trưởng Khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Thầy Hùng đã công bố 29 bài báo khoa học, trong đó có 11 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín ISI/Scopus (7 bài là tác giả chính), 1 bài báo khoa học thuộc danh mục ACI, 16 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế nước ngoài, 1 bài báo khoa học tại các hội thảo quốc tế uy tín có chỉ số ISBN, 13 bài tạp chí trong nước.

 Tân Phó Giáo sư Mai Sỹ Hùng nhận được nhiều thành tích, danh hiệu khen thưởng. Ảnh: chụp màn hình.

Tân Phó Giáo sư Mai Sỹ Hùng nhận được nhiều thành tích, danh hiệu khen thưởng. Ảnh: chụp màn hình.

9. Thầy Dương Trường Giang (sinh năm 1977) - Phó giáo sư ngành Cơ khí

Hiện nay, thầy Dương Trường Giang giữ chức vụ là Trưởng Bộ môn Máy xây dựng, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (kiêm nhiệm Viện Trưởng Viện Khoa học Công nghệ Cơ điện Xây dựng).

Thầy tập trung chủ yếu vào 2 hướng nghiên cứu chính là: Nghiên cứu phương pháp tính toán thiết kế tối ưu ứng dụng cho máy và thiết bị xây dựng; Nghiên cứu khai thác, tính toán, phát triển các kết cấu cơ khí.Trong hướng nghiên cứu này tôi nghiên cứu các thiết bị, tìm giải pháp cho các kết cấu cơ khí, nghiên cứu các cơ sở tính toán để đáp ứng các vấn đề thực tế phát sinh.

Thầy Trường Giang đã công bố 27 bài báo và báo cáo khoa học, trong đó là tác giả chính của 8 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín (ISI/Scopus, Scimago) sau khi nhận bằng tiến sĩ; đã được chấp nhận đơn và công báo sở hữu công nghiệp 1 độc quyền sáng chế với vai trò tác giả chính.

Đáng chú ý, thầy từng giành được giải Ba sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2014 (VIFOTEC) “Máy đúc bó vỉa bê tông tự hành” với vai trò là cộng sự, bên cạnh thành tích nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2022-2023.

10. Thầy Nguyễn Văn Tịnh (sinh năm 1983) - Phó giáo sư ngành Cơ khí

Hiện nay, thầy Nguyễn Văn Tịnh đang giữ chức vụ Phó trưởng Bộ môn Máy xây dựng, Khoa Cơ khí; Chủ tịch Công đoàn Khoa Cơ khí; Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Trong quá trình nghiên cứu và đào tạo, thầy tập trung vào 3 hướng nghiên cứu chủ yếu là: Nâng cao khả năng làm việc của các thiết bị cơ khí; Phát triển các sản phẩm cơ khí phục vụ và hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn, bảo vệ môi trường, tái chế vật liệu, ứng phó với biến đổi khí hậu và các công nghệ mới trong xây dựng/công nghiệp; Nghiên cứu cơ sở khoa học, phát triển mô hình nghiên cứu thực nghiệm và ứng dụng công nghệ thông tin trong tính toán thiết kế chuyên ngành.

Tân Phó Giáo sư Nguyễn Văn Tịnh đã hoàn thành 10 đề tài nghiên cứu khoa học. Trong đó có 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; tham gia 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội; tham gia 3 đề tài cấp cơ sở; chủ trì 3 đề tài cấp cơ sở; thư ký khoa học cho 1 đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thầy công bố 22 bài báo khoa học (tác giả chính của 18 bài báo), trong đó có 8 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín. Bên cạnh đó, thầy cũng được cấp quyết định chấp nhận đơn hợp lệ và công bố đơn trên công báo Sở hữu công nghiệp cho 1 bằng độc quyền sáng chế; xuất bản 1 sách thuộc nhà xuất bản có uy tín.

11. Thầy Lê Bá Danh (sinh năm 1984) - Phó giáo sư ngành Giao thông vận tải

Từ năm 2017 đến năm 2024, thầy Lê Bá Danh là giảng viên tại Bộ môn Cầu và công trình ngầm, Khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Từ năm 2017 đến năm 2022, thầy là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Hiện, thầy giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Thầy Bá Danh tập trung 2 hướng nghiên cứu chính, gồm: Nghiên cứu ứng xử cơ học của vật liệu, kết cấu bằng phương pháp số phục vụ thiết kế, khai thác và bảo trì công trình; Nghiên cứu ứng dụng vật liệu tiên tiến cho công trình cầu (bê tông siêu tính năng - UHPC, bê tông Geopolymer - GPC) hướng tới phát triển bền vững.

Trong quá trình công tác, thầy được nhận Bằng khen Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai năm liên tục từ năm học 2020-2021, năm học 2021-2022; Giấy khen Ban chấp hành Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội về đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" 5 năm liền (2019-2023); Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài đạt giải Nhất giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học" năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giấy khen của Hiệu trưởng cho giảng viên hướng dẫn sinh viên đạt giải Nhất Đồ án tốt nghiệp xuất sắc (Giải thưởng Loa Thành).

 Thầy Lê Bá Danh - tân Phó Giáo sư ngành Giao thông vận tải. Ảnh: HUCE.

Thầy Lê Bá Danh - tân Phó Giáo sư ngành Giao thông vận tải. Ảnh: HUCE.

12. Thầy Nguyễn Quốc Bảo (sinh năm 1980) - Phó giáo sư ngành Giao thông vận tải

Với 3 hướng nghiên cứu chủ yếu, thầy Quốc Bảo tập trung vào các nội dung sau: Phân tích và đánh giá độ tin cậy kết cấu công trình; Chuẩn đoán kỹ thuật và đánh giá sức khỏe công trình cầu; Phân tích và đánh giá ứng xử kết cấu công trình cầu.

Từ tháng 8 năm 2012 đến nay, thầy có vai trò là giảng viên của Bộ môn Cầu và công trình ngầm, Khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

 Kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học của tân Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Bảo. Ảnh: chụp màn hình.

Kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học của tân Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Bảo. Ảnh: chụp màn hình.

13. Thầy Vũ Ngọc Trụ (sinh năm 1975) - Phó giáo sư ngành Giao thông vận tải

Hiện nay, thầy Ngọc Trụ là giảng viên Bộ môn Đường ô tô và Đường đô thị, Khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Chức vụ cao nhất đã qua của thầy là Trưởng chuyên ngành Cơ sở hạ tầng giao thông, Ban Kỹ sư chất lượng cao, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của thầy Ngọc Trụ là: Nghiên cứu tối ưu giải pháp về vật liệu và kết cấu trong thiết kế, xây dựng nền, mặt đường ô tô; Nghiên cứu về sự thay đổi các đặc trưng cơ lý của bê tông xi măng và diễn biến hiện tượng ăn mòn cốt thép trong kết cấu bê tông do tác động môi trường.

Tân Phó Giáo sư đã hướng dẫn 19 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; đang hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh thực hiện đề tài luận án tiến sĩ; đã hoàn thành 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, 1 đề tài cấp Trường trọng điểm và 3 đề tài cấp Trường với vai trò chủ nhiệm đề tài; công bố 34 bài báo khoa học, trong đó 8 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (SSCI, SCIE, ESCI, Scopus); 24 bài báo đăng trên tạp chí khoa học uy tín trong nước; 2 bài báo đăng trong kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế.

14. Thầy Trần Đình Trọng (sinh năm 1982) - Phó giáo sư ngành Khoa học Trái đất

Hiện nay, thầy Trần Đình Trọng giữ vị trí Trưởng Bộ môn Trắc địa, Phó trưởng Khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Thầy còn là thành viên của Hội đồng khoa học Khoa Cầu đường và Ban Biên tập Tạp chí Khoa học và công nghệ xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Ba hướng nghiên cứu chủ yếu mà thầy Đình Trọng tập trung là: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GNSS trong quan trắc dịch chuyển bề mặt đất; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới và xử lý số liệu đo đạc trong khảo sát địa hình; Nghiên cứu xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu địa lý trong quản lý hạ tầng, đất đai đô thị.

Đặc biệt, thầy đã hướng dẫn 8 đề tài Khoa học Công nghệ sinh viên với 3 giải Nhất, 4 giải Nhì và 1 giải Ba. Thầy cũng công bố 44 bài báo khoa học, trong đó có 14 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín ISI/Scopus, 1 chương sách của nhà xuất bản Springer, 16 bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước uy tín và 13 bài báo báo cáo khoa học đăng kỷ yếu các hội thảo trong và ngoài nước có chỉ số ISBN.

 Thầy Trần Đình Trọng - tân Phó Giáo sư ngành Khoa học Trái đất. Ảnh: HUCE.

Thầy Trần Đình Trọng - tân Phó Giáo sư ngành Khoa học Trái đất. Ảnh: HUCE.

15. Cô Hà Thị Hằng (sinh năm 1981) - Phó giáo sư ngành Khoa học Trái đất

Từ tháng 2/2020 đến nay, cô Hà Thị Hằng là giảng viên chính, Bộ môn Trắc địa, Khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội.

Cô tập trung 2 hướng nghiên cứu chủ yếu, bao gồm: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các phương pháp phân tích thống kê trong đánh giá, phân vùng và dự báo tai biến thiên nhiên; Ứng dụng công nghệ địa không gian và GIS trong xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, quy hoạch đô thị và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Cô Hằng đã công bố 54 bài báo khoa học (với 35 bài là tác giả chính), trong đó có 15 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín SCI(E) và SCOPUS, 19 bài báo đăng trên tạp chí khoa học ACI và tạp chí khoa học có uy tín trong nước, 19 bài báo trình bày và đăng trong kỷ yếu hội nghị khoa học quốc gia/quốc tế.

16. Cô Lưu Thị Diệu Chinh (sinh năm 1983) - Phó giáo sư ngành Thủy lợi

Trong quá trình đào tạo và nghiên cứu, cô Diệu Chinh tập trung vào 3 hướng chủ yếu: Phân tích và đánh giá rủi ro thiên tai; Ứng dụng Machine Learning và các phương pháp phân tích thống kê trong phân tích, dự báo rủi ro thiên tai; Ứng dụng công nghệ GIS & RS trong đánh giá rủi ro thiên tai, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cô đang hợp tác nghiên cứu quốc tế 2 dự án với vai trò chủ nhiệm phía Việt Nam cùng các giáo sư từ các trường đại học lớn trên thế giới như Đại học Florida (Mỹ), Đại học VUB (Bỉ), Đại học TH Köln (Đức), Đại học Salford (Anh), Giám đốc Think lab (Anh), Đại học UNSW (Úc), Đại học York (Canada).

Cụ thể, đó là dự án “Cơ sở hạ tầng dữ liệu Geodata và khoa học công dân hỗ trợ sự phát triển bền vững cho các cộng đồng nông thôn khu vực tỉnh Quảng Nam" trong 5 năm; và dự án “Đánh giá rủi ro thiên tai và nâng cao năng lực thích ứng cộng đồng cho Việt Nam".

Ngoài ra, cô công bố 45 bài báo khoa học, trong đó có 25 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín SCI(E) và SCOPUS, 6 bài báo đăng trên tạp chí khoa học có uy tín trong nước thuộc tạp chí ACI, 11 bài báo trình bày và đăng trong kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế.

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nam-2024-truong-dai-hoc-xay-dung-ha-noi-co-them-2-giao-su-14-pho-giao-su-post247449.gd
Zalo