Năm 2024, Quản lý thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện 663 vụ vi phạm

Trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiểm tra 1.183 vụ, qua đó phát hiện 663 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt là hơn 8,5 tỷ đồng.

Ngày 26/12, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã chủ động triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cơ quan cấp trên đến toàn thể công chức; đôn đốc các đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn được phân công quản lý.

Nhìn chung, qua công tác kiểm tra, kiểm soát cho thấy đa số các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt các quy định pháp luật; hàng hóa có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc hợp pháp, có niêm yết giá và bán theo giá đã niêm yết,... Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có một số tổ chức, cá nhân chưa thực hiện tốt các quy định của pháp luật; các trường hợp vi phạm đã được xử lý theo đúng quy định.

Trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiểm tra 1.183 vụ, qua đó phát hiện 663 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt là hơn 8,5 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiểm tra 1.183 vụ, qua đó phát hiện 663 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt là hơn 8,5 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Kết quả, trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiểm tra 1.183 vụ, qua đó phát hiện 663 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt là hơn 8,5 tỷ đồng (trong đó: số tiền phạt hành chính là hơn 5,6 tỷ đồng; buộc nộp lại số thu lợi bất hợp pháp là 13,4 triệu đồng; trị giá tài sản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu là hơn 2,9 tỷ đồng). Tổng số tiền đã thu nộp ngân sách Nhà nước trong năm 2024 là hơn 5,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong số 663 vụ vi phạm, có 1 vụ chuyển cơ quan tiến hành xem xét khởi tố vụ án hình sự.

Ông Vũ Đông Hòa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu - cho biết, năm 2024, các vụ vi phạm trên địa bàn tỉnh tập trung vào các mặt hàng kinh doanh hàng không có nguồn gốc như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ tùng ô tô, phụ tùng xe máy, thiết bị điện gia đình, đồng hồ đeo tay, mắt kính, linh kiện điện thoại, đồ chơi trẻ em, quần áo cũ... buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu là dầu D.O, ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu...

Các đối tượng thường lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý, thực thi pháp luật và tâm lý, sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để thực hiện việc cấu kết đưa các sản phẩm hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào thị trường. Bên cạnh đó, việc ứng dụng thương mại điện tử, nền tảng số trong hoạt động kinh doanh tăng cao và sử dụng phương pháp giao hàng thông qua dịch vụ chuyển phát là môi trường để hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đưa vào lưu thông, khiến lực lượng chức năng rất khó đối phó.

“Việc kiểm soát hàng hóa trực tuyến vẫn gặp nhiều khó khăn, do các gian hàng có thể dễ dàng thay đổi thông tin và địa chỉ. Các sản phẩm giả mạo thương hiệu quốc tế, vi phạm bản quyền thường được chào bán với giá rẻ, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các thương hiệu chân chính”, ông Hòa cho hay.

Nhiều mặt hàng giả mạo thương hiệu đã bị lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kịp thời phát hiện, thu giữ. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Nhiều mặt hàng giả mạo thương hiệu đã bị lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kịp thời phát hiện, thu giữ. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Ngoài ra, một số doanh nghiệp và người dân còn thiếu ý thức chấp hành pháp luật trong kinh doanh, cố tình che giấu thông tin, hoặc hợp thức hóa hành vi vi phạm.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, những tháng cuối năm, tình hình thị trường luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, các hoạt động buôn lậu, vận chuyển buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn tiếp tục diễn ra trên địa bàn với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và phức tạp.

Do đó, đơn vị sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, chủ động tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bám sát tình hình thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm xảy ra góp phần ổn định thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức, nhất là thực hiện nghiêm túc bản cam kết đối với trách nhiệm người đứng đầu, của công chức và người lao động.

Chú trọng công tác quản lý địa bàn, giám sát, nắm tình hình để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và gian lận thương mại, nhất là trong hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính gắn với việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, chủ động và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền đảm bảo hoạt động có hiệu quả trên lĩnh vực được phân công.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nam-2024-quan-ly-thi-truong-ba-ria-vung-tau-phat-hien-663-vu-vi-pham-366396.html
Zalo