Năm 2024, ngành nội vụ tạo dấu ấn toàn diện trong các mặt công tác

Sáng 21/12, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành nội vụ.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình dự hội nghị.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình dự hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo. Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nội vụ chủ trì hội nghị.

Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Kiến tạo thể chế, khơi thông các nguồn lực

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, năm 2024 thật sự là năm với những dấu ấn toàn diện trên mọi mặt công tác của ngành nội vụ, nổi bật là việc tập trung nỗ lực để tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách tiếp tục kiến tạo thể chế khơi thông các nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn về tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy sự phát triển.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc. (Ảnh: Thế Kha)

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc. (Ảnh: Thế Kha)

Bộ Nội vụ là cơ quan có số văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành cao nhất với 163 chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 23 Thông tư và văn bản hợp nhất.

Đặc biệt đã tham mưu thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương mà đột phá là đề xuất thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo lộ trình hợp lý, thận trọng, từng bước, thiết thực, hiệu quả; trong đó điều chỉnh lương cơ sở tăng 30% - mức tăng cao nhất từ trước đến nay và bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, tạo động lực và nâng cao đời sống cho cán bộ,công chức,viên chức.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, Bộ đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; đồng thời tham mưu cấp có thẩm quyền thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương - thành phố Di sản đầu tiên trực thuộc Trung ương, nâng cấp 137 đơn vị hành chính đô thị góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.

Cùng với đó tập trung cao độ tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương với khối lượng công việc lớn chưa từng có. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề án liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương bảo đảm tiến độ và đúng yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương.

Nỗ lực, quyết tâm xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm và hiệu quả. Chú trọng đổi mới đánh giá, xếp loại và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; phân cấp, phân quyền triệt để trong trong tuyển dụng, đổi mới nâng ngạch công chức, bỏ thi và thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảm gánh nặng, thủ tục, quy trình, được sự đồng tình, thống nhất cao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Người đứng đầu ngành nội vụ khẳng định, việc tham mưu đẩy mạnh cải cách hành chính vừa qua được tiến hành theo hướng lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo, lấy sự phát triển kinh tế-xã hội làm thành tựu, lấy đổi mới, sáng tạo làm động lực. Cải cách hành chính ngày càng đi vào chiều sâu hướng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ, nâng cao chất lượng của xây dựng thể chế, tháo gỡ, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy Chính phủ số, chính quyền số, không ngừng góp phần khơi nguồn cho phát triển.

Năm qua, ngành nội vụ cũng tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc cho địa phương, cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước một cách đồng bộ, thống nhất trong ngành nội vụ, tạo sự ổn định và phát triển rõ nét của toàn ngành và địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với hoàn thành, đồng bộ, liên thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Theo đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời điểm chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thời điểm hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp và cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, của ngành Nội vụ; đồng thời vận hành bộ máy hành chính nhà nước sau sắp xếp bảo đảm tính liên tục, thống nhất và ổn định phát huy được hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả…

Theo đó, nhiệm vụ của của ngành Nội vụ năm 2025 là rất nặng nề. Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ, hơn lúc nào hết, ngành nội vụ cần có quyết tâm cao hơn, có khát vọng lớn hơn; mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực dự báo, chủ động nắm bắt tình hình từ sớm, từ xa để kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết tốt những vấn đề đặt ra từ thực tiễn.

Tập trung sắp xếp bộ máy hành chính tinh, gọn, mạnh

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, cơ bản thống nhất nhiệm vụ năm 2025 đã đề ra.

Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của toàn ngành là triển khai thực hiện hợp nhất Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ.

Tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước bảo đảm khẩn trương để không bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc, nhất là các công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.

Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; đồng thời tập trung đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ bảo đảm đủ phẩm chất, trình độ và năng lực ngang tầm với nhiệm vụ sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các bộ, ngành và địa phương. Tiếp tục sắp xếp, đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương bảo đảm mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra.

Bộ Nội vụ cũng tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính, cơ chế vận hành, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đầy đủ, đồng bộ bảo đảm thực hiện mục tiêu hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ sau sắp xếp, tổ chức bộ máy.

Trước mắt tập trung xây dựng trình cấp có thẩm quyền thông qua Luật sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức; tập trung xây dựng, thẩm định trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp; đồng thời tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính các cấp.

Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc 51 địa phương có Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua khẩn trương sắp xếp tổ chức, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, xử lý đối với tài sản công sau sắp xếp bảo đảm sớm ổn định để tổ chức Đại hội Đảng các cấp năm 2025.

Năm 2025, Bộ Nội vụ sẽ triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương theo Kết luận số 83KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị và xây dựng báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (năm 2025) về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.

Không để cơ quan nhà nước là nơi trú ngụ của cán bộ lười biếng

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, xã hội không chỉ ở khía cạnh nhập bộ, ngành, cơ quan, đơn vị này với bộ, ngành, cơ quan, đơn vị kia mà còn ở các bộ, ngành, địa phương phải tinh gọn bên trong tổ chức của mình, theo yêu cầu tối thiểu phải tinh gọn bên trong 15 đến 20%, cá biệt có những đơn vị đặt ra yêu cầu tinh gọn tới 40%.

Với nhiệm vụ quan trọng về triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ Nội vụ phải tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước bảo đảm khẩn trương, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả; phải ra được mô hình bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời trong thực hiện tổ chức, sắp xếp lại bộ máy phải hình thành được cơ chế chính sách đủ mạnh, có chính sách ưu đãi để hỗ trợ người lao động nghỉ sớm; phải hình thành hạ tầng pháp lý cho bộ máy này hoạt động; tham mưu để có các hướng dẫn cụ thể đối với các địa phương, bộ ngành làm gì trong tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, số lượng người bị ảnh hưởng khoảng 100.000 người; Bộ Nội vụ đã đề xuất những chính sách đặc thù, vượt trội, mạnh mẽ để giải quyết các nội dung liên quan tới cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng do sắp xếp bộ máy.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cần nghiên cứu là giải pháp thu hút, giữ chân, đào tạo được người tài, cùng với đó là đánh giá, sử dụng cán bộ hiệu quả, làm nhanh để tiến lên phía trước nhưng cũng phải phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro.

Trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp, tinh giản phải vừa làm, vừa thăm dò, cần hết sức đề phòng rủi ro mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh là “bảo đảm không để cơ quan nhà nước là nơi trú ngụ của những người lười biếng”. Sắp xếp, tinh gọn phải lựa chọn được những cán bộ thực sự tinh hoa trong bộ máy hành chính công; những người thực sự đóng góp, cống hiến, có tài năng, trí tuệ, kinh nghiệm, bản lĩnh. Thực hiện công tác sắp xếp, tinh gọn nhưng vẫn phải bảo đảm bộ máy vận hành, hoạt động liên tục, không đứt đoạn để phục vụ người dân, doanh nghiệp; cố gắng hạn chế thấp nhất các tiêu cực phát sinh.

VĨNH KHANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nam-2024-nganh-noi-vu-tao-dau-an-toan-dien-trong-cac-mat-cong-tac-post851814.html
Zalo