Năm 2023, Nghệ An thiệt hại gần 700 tỷ đồng do thiên tai
Thiên tai trong năm 2023 gây ra nhiều thiệt hại về con người, nhà cửa, sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng… tại tỉnh Nghệ An.
Thiên tai đã làm 3 người chết, 5 người bị thương
Chiều 18/3, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, năm 2023 là một năm thiên tai diễn biến phức tạp, mặc dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên, đã xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, rét hại, không khí lạnh, nắng nóng, mưa lớn.
Cụ thể, có 22 đợt không khí lạnh (trong đó, có 16 đợt gió mùa Đông Bắc); 3 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, nắng nóng gay gắt; 36 trận lốc, mưa đá, sét, mưa lớn cục bộ tại nhiều xã, huyện trên địa bàn tỉnh; 1 đợt mưa lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 45 vụ tai nạn, sự cố trên biển, làm chết 16 người, mất tích 2 người, bị thương 7 người, chìm 6 tàu cá, cháy 10 phương tiện, 11 phương tiện bị hư hỏng.
Thiên tai trong năm 2023 đã tác động lớn đến dân sinh, kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lớn đến người dân, sản xuất nông, lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng nề.
Cụ thể, đã làm 3 người chết, 5 người bị thương, 39 nhà bị sập, thiệt hại trên 70%; 793 nhà tốc mái, hư hỏng; 15 nhà bị di dời khẩn cấp; gây ra nhiều thiệt hại về sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng…; ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 667 tỷ đồng.
Mặc dù thiên tai diễn biến phức tạp nhưng công tác phòng, chống thiên tai đã được tỉnh Nghệ An thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, chuẩn bị tốt cả 3 khâu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, nên hạn chế được nhiều thiệt hại về người, tài sản.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống thiên tai vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các cấp thực hiện có lúc, có nơi còn lúng túng, bị động. Công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai còn hạn chế, nhất là dự báo, cảnh báo về mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất. Lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn chưa chuyên nghiệp, kinh nghiệm và năng lực chuyên môn còn hạn chế…
Chưa thể khắc phục hậu quả thiên tai từ các năm trước
Ông Lê Hải Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết, trận lũ cuối tháng 9/2023 là trận lũ lịch sử trên địa bàn, chỉ 5 tiếng đồng hồ, toàn bộ các xã dọc sông Hiếu đã bị ngập băng, khiến 1 người chết, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập, hư hỏng, nhiều công trình, diện tích hoa màu bị tàn phá, thiệt hại gần 200 tỷ đồng.
Ngay khi lũ rút, huyện đã triển khai phương án khắc phục thiệt hại với phương châm xã giúp xã, bản giúp bản, trường giúp trường... Mặc dù vậy, đến nay, hậu quả của cơn lũ vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn.
Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong đợt mưa lũ tại huyện Quỳ Châu, khi lực lượng của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đến huyện hỗ trợ nhưng lại thiếu phương tiện di chuyển ứng cứu. Đây là một trong những vấn đề cần phải rút kinh nghiệm không chỉ ở huyện Quỳ Châu mà tại các địa phương khác trong những mùa mưa bão tiếp theo.
Tại huyện Kỳ Sơn, trong năm 2023, trên địa bàn có hàng trăm điểm sạt lở, những trận mưa đá, lốc xoáy thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng. Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, đáng nói hiện nay, hậu quả từ đợt lũ lịch sử năm 2022 vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn, hiện đang có tình trạng dù không có mưa nhưng vẫn có sạt lở tại một số điểm trên địa bàn.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ ghi nhận, đánh giá cao công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng phức tạp khó lường và có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên địa bàn, đặt ra thách thức lớn cho tỉnh Nghệ An. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống chính trị.
Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tiến hành khẩn trương công tác chuẩn bị cho phòng, chống thiên tai năm 2024 sớm như: Tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, hoàn thành trong tháng 4/2024.
Các đơn vị, địa phương tập trung đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ, nâng cao năng lực Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, xã.
Tăng cường hoạt động thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến (nhất là bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất) bằng nhiều hình thức, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng.
Cùng với đó, tổ chức chỉ đạo, chỉ huy triển khai các biện pháp ứng phó với các trận thiên tai lớn. Tiếp tục huy động và triển khai nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023. Tăng cường công tác tập huấn, diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra chuẩn bị ở mọi cấp theo phương châm "4 tại chỗ" đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/7/2024.