Na Cô Sa xuân này

Sau nhiều năm ảnh hưởng bởi hủ tục và tà đạo, người dân xã vùng cao, biên giới Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) đã thức tỉnh, trở về với cuộc sống đời thường. Với sự hỗ trợ, đầu tư của Đảng và Nhà nước về mọi mặt, cuộc sống của người dân Na Cô Sa đã khởi sắc, ấm no.

Bộ đội biên phòng hướng dẫn người dân xã Na Cô Sa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế.

Bộ đội biên phòng hướng dẫn người dân xã Na Cô Sa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế.

Rũ bỏ tà đạo
Tà đạo gây ra nhiều hệ lụy đối với các cộng đồng vùng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Tại xã Na Cô Sa, năm 2018 có 59 hộ, 338 khẩu bị ảnh hưởng bởi tà đạo “Giê Sùa”. Sự du nhập của tà đạo này vào Na Cô Sa đã gây ra mâu thuẫn, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gia đình, dòng họ, giữa một bộ phận quần chúng nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương; nhất là gây xung đột với các tổ chức, hệ phái Tin Lành khác, coi các tôn giáo khác là tà giáo, còn bản thân tự nhận là tôn giáo chính thống của người Mông.
Anh Phàng A Di, bản Na Cô Sa 3 từng bị dụ dỗ theo tà đạo. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền tuyên truyền, vận động, anh tự nguyện từ bỏ con đường sai lầm đó. Anh Di chia sẻ: Tà đạo “Giê Sùa” không chỉ xuyên tạc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn lôi kéo chúng tôi từ chối những sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước. Họ còn ngăn cản việc cho trẻ đến trường, không cho sử dụng các dịch vụ y tế…”.
Để người dân hoàn toàn từ bỏ tà đạo, cấp ủy, chính quyền xã Na Cô Sa phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành đoàn thể huyện, lực lượng công an, bộ đội biên phòng nắm bắt tình hình địa bàn ngăn chặn kịp thời những tác động xấu từ bên ngoài; thường xuyên thăm, động viên các gia đình đã từ bỏ tà đạo. Bí thư Đảng ủy xã Na Cô Sa Vừ A Vinh chia sẻ: “Cấp ủy, chính quyền xã khẩn trương vào cuộc, ngày đêm tuyên truyền để người dân hiểu về tôn giáo chính thống. Với phương châm gần dân, sát dân, kiên trì bám bản, bám địa bàn để tuyên truyền, người dân đã dần thức tỉnh và tự nguyện từ bỏ tà đạo”.
Bên cạnh việc tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền xã phối hợp với lực lượng Công an huyện đấu tranh, bóc gỡ, vô hiệu hóa số đối tượng cầm đầu, cộm cán; củng cố tài liệu, chứng cứ, xử lý các đối tượng quá khích, chống đối quy định pháp luật. Công an huyện phối hợp với các lực lượng liên quan triệu tập, đấu tranh khai thác và răn đe, giáo dục 12 đối tượng cầm đầu tại các điểm nhóm; củng cố tài liệu chứng cứ xử lý hành chính đối tượng tại điểm nhóm Huổi Thủng 2 về hành vi chống người thi hành công vụ bằng hình thức phạt hành chính; lập hồ sơ đưa 1 đối tượng vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên, đặc biệt phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc chức việc, đến năm 2020 xã Na Cô Sa không còn người bị ảnh hưởng bởi tà đạo “Giê Sùa”. Đời sống tín ngưỡng của người dân luôn được bảo đảm.
Phát triển sản xuất
Từ bỏ tà đạo, người Mông ở Na Cô Sa ngày càng đoàn kết, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, sống tốt đời, đẹp đạo. Đặc biệt, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai hiệu quả. Nhờ đó, đời sống người dân từng bước khởi sắc. Cộng đồng các dân tộc, người theo tôn giáo luôn đóng góp trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Ông Vàng Văn Chuyển, Chủ tịch UBND xã Na Cô Sa phấn khởi khoe với chúng tôi về những đổi thay nơi đây: Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết phát triển kinh tế phù hợp với thực tế địa phương. Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong trong phát triển kinh tế.
Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, Đảng bộ, chính quyền xã Na Cô Sa đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó tập trung trồng lúa, lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp đã phát triển theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Năm 2024, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.131,17 tấn; tổng đàn gia súc, gia cầm ước đạt 20.000 con; tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 40%.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xã Na Cô Sa đang khoác lên mình diện mạo mới, khang trang, sạch đẹp hơn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng lên, đáp ứng nhu cầu người dân. Điều quan trọng là huy động được sự đồng lòng, góp sức của nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 9/11/2024 bản có đường bê tông, 11/11 bản có điện lưới quốc gia; xã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Nếu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 88,17% thì đến tháng 9/2024 đã giảm còn 57,12% (cập nhật đến hết năm).
Kinh tế phát triển, hệ thống giáo dục được đầu tư đồng bộ, đời sống văn hóa, tinh thần, bản sắc truyền thống được người dân gìn giữ phát triển. Hiện toàn xã có 3 trường học, cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ trang thiết bị, đội ngũ giáo viên các cấp đều đạt chuẩn. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp và trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; trẻ 11 tuổi vào lớp 6 đạt 94,5%.r

Sầm Phuc

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/quoc-phong/na-co-sa-xuan-nay
Zalo