Mỹ và Đức đồng ý chuyển 5 tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine

Mỹ và Đức đã đồng ý chuyển giao 5 hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thông báo hôm 21/7.

Phát biểu tại Hội nghị Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine lần thứ 29, ông Pistorius cho biết thỏa thuận được đạt được trong chuyến thăm gần đây tới Washington trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Nga đang đẩy mạnh chiến dịch tấn công tầm xa vào Ukraine, bao gồm việc sử dụng tên lửa đạn đạo - loại vũ khí mà chỉ hệ thống Patriot mới có khả năng đánh chặn.

Tổ hợp phòng không Patriot. Ảnh: Reuters

Tổ hợp phòng không Patriot. Ảnh: Reuters

Tuyên bố của ông Pistorius cũng được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/7 cho biết Washington sẽ gửi các vũ khí tiên tiến, bao gồm hệ thống Patriot, cho Ukraine thông qua NATO - đánh dấu sự đảo chiều chính sách mạnh mẽ sau một thời gian ngắn tạm dừng hỗ trợ vũ khí từ Lầu Năm Góc.

"Chúng tôi sẽ chuyển các hệ thống Patriot cho NATO và sau đó NATO sẽ phân phối chúng", ông Trump nói với đài CBS News, đồng thời cho biết liên minh này sẽ chi trả cho các tổ hợp phòng không trên.

Hệ thống tên lửa Patriot có khả năng phát hiện và đánh chặn nhiều loại mục tiêu trên không, đặc biệt là tên lửa đạn đạo tầm xa và được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Moscow đang tăng cường các đợt tấn công bằng tên lửa và UAV mỗi đêm trong cuộc xung đột kéo dài, hiện đã bước sang năm thứ tư.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius cho biết việc phối hợp với các đối tác về lịch trình bàn giao hệ thống Patriot sẽ tiếp tục được thảo luận trong những ngày tới.

Phát biểu tại Hội nghị Tái thiết Ukraine ở Rome tuần trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Đức sẽ chi trả cho 2 trong số các hệ thống Patriot, trong khi Na Uy đã đồng ý cung cấp một hệ thống.

Cũng trong ngày 21/7, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre khẳng định nước này sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho các hệ thống Patriot dành cho Ukraine.

Là một trong những quốc gia sáng lập NATO, Na Uy luôn là bên ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, với cam kết viện trợ bao gồm cả máy bay chiến đấu F-16 và gói hỗ trợ trị giá 7 tỷ USD (tương đương 5,9 tỷ euro) trải dài trong 5 năm.

Hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất là một phần quan trọng trong mạng lưới phòng không của Ukraine, có khả năng đánh chặn cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, giúp bảo vệ các khu vực đô thị trước các đợt tấn công quy mô lớn.

Ngày 16/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết các đợt vận chuyển Patriot gửi tới Ukraine đã bắt đầu, song Bộ Quốc phòng Đức ban đầu phủ nhận có thông tin về các đợt chuyển giao này.

Washington đã chuyển cho Ukraine 3 tổ hợp Patriot, trong khi Đức cũng cung cấp thêm 3 hệ thống. Ngoài ra, một tổ hợp khác đến từ liên minh châu Âu nhưng không phải tất cả đều đang trong trạng thái sẵn sàng do phải luân phiên bảo dưỡng định kỳ.

Ngày 17/7, Thụy Sĩ cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo rằng Washington sẽ điều chỉnh đơn đặt hàng hệ thống Patriot của Thụy Sĩ để ưu tiên hỗ trợ Ukraine, quốc gia đang rất cần tăng cường khả năng phòng không trước các cuộc không kích càng dữ dội từ Nga.

Lô hàng Patriot trị giá hàng tỷ USD dành cho Thụy Sĩ dự kiến bắt đầu bàn giao từ năm 2027 và hoàn tất vào năm 2028. Tuy nhiên, chính phủ Thụy Sĩ cho biết Washington đã thông báo về việc trì hoãn vào 16/7 vừa qua và hiện chưa rõ có bao nhiêu hệ thống bị ảnh hưởng.

Việc trang bị đầy đủ cho các lực lượng của Kiev trở nên cấp thiết giữa bối cảnh Nga đang đẩy mạnh chiến dịch tấn công mùa hè và liên tục dội hàng trăm UAV cùng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình vào các thành phố của Ukraine.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: euronews

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-va-duc-dong-y-chuyen-5-to-hop-phong-khong-patriot-cho-ukraine-post1216573.vov
Zalo